Top

Nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp: Cần, nhưng khó làm

Cập nhật 09/12/2008 14:50

90% người lao động phải lo chỗ ở

Hiện cả nước có 194 khu công nghiệp (KCN) với diện tích trên 46 nghìn héc-ta (hiện tỷ lệ lấp đầy khoảng 60%), thu hút 3.325 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư 39 tỷ USD và 3.082 dự án đầu tư trong nước, đã tạo việc làm cho một lượng lớn người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, theo ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) thì trên thực tế, người sử dụng lao động chỉ biết tuyển lao động vào làm việc và quản lý họ chặt chẽ trong nhà máy với nội quy, kỷ luật lao động hết sức nghiêm ngặt mà chưa quan tâm tới cuộc sống và sinh hoạt của họ sau giờ làm để tái sức lao động.

Chị Mai Lan - công nhân ở KCN Bình Dương tâm sự: “Hết giờ làm dù ở nhà xưởng ồn ào và nóng nực nhưng vẫn còn hơn về nhà trọ, vì tại đây mình làm tăng ca vừa tranh thủ kiếm thêm tiền. Về nhà trọ vừa chật chội vừa không có phương tiện giải trí, nên chỉ tới khi cần phải nghỉ và hết giờ làm việc thì về ngủ thôi”. Đây là một thực trạng phổ biến của những NLĐ xa quê nói chung và của 90% lao động tại các KCN nói riêng.

Dựa trên thực tế của NLĐ, nhiều hộ tư nhân ở gần KCN đã tận dụng quỹ đất của gia đình để xây dựng những khu nhà trọ. Từ đó hình thành nên những “làng trọ” phục vụ công nhân. Là nhà trọ nên rất tạm bợ, diện tích chật hẹp (khoảng 10m2/phòng), điều kiện vệ sinh, an ninh kém…

Cách giữ chân NLĐ của một số DN


Nhận thức được tầm quan trọng của việc ổn định nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng lao động, một số DN đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà ở và các công trình phúc lợi dành cho công nhân. BQL các KCN Đồng Nai cho biết: Một số DN đầu tư xây dựng khu cư xá cho công nhân tại các khu dân cư gần KCN hay nhà nghỉ giữa trưa trong khuôn viên Cty như: Cty Fromora xây cư xá 9 tầng cho trên 2.000 NLĐ, có phòng cắt tóc, bưu điện, ngân hàng, thư viện, khu thể thao, khu mua sắm… và đang chuẩn bị xây thêm cư xá nữa. Riêng Cty Việt Minh xây cư xá cho công nhân kèm theo nhà mẫu giáo. Cty TPC xây cư xá có ưu tiên bố trí cho các cặp gia đình công nhân…

Có “an cư” thì mới “lạc nghiệp”, đây là nhu cầu của mỗi con người. Không những vậy, việc ổn định nơi ăn chốn ở cho NLĐ còn là việc thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm và cải thiện mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và NLĐ. Bên cạnh đó, khu cư xá thường được xây dựng gần KCN, do đó chủ DN và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thuận lợi trong công tác quản lý, đồng thời là biện pháp hữu hiệu để thu hút nguồn nhân lực khi tình trạng thiếu cân bằng lao động diễn ra trong thời gian gần đây.

Mặc dù lợi ích của việc đầu tư nhà ở cho công nhân là nhìn thấy trước mắt nhưng không phải DN nào cũng có thể làm được điều đó. Chính vì vậy tới nay còn gần 90% lao động chưa có nơi ăn chốn ở ổn định.

Vào cuộc nhưng chưa đồng bộ


Theo BQL các KCN Đồng Nai, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do Nhà nước chậm ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích các DN đầu tư xây dựng nhà ở cho NLĐ như: Miễn tiền thuê đất, được tính chi phí nhà ở cho NLĐ vào chi phí DN, ưu đãi vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam…

Trong khi đó, ngay từ năm 2003 - 2004, khi định hướng phát triển nhà ở quốc gia tới năm 2020, Bộ Xây dựng đã chủ động nghiên cứu các chính sách giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp trong đó có NLĐ (gọi tắt là đề án nhà ở xã hội), Luật Nhà ở và Nghị định 90/2006NĐ-CP ngày 6/9/2006 có những quy định chi tiết nội dung văn bản như: nguồn vốn đầu tư, quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, quy hoạch phát triển, tiêu chuẩn thiết kế, đối tượng được thuê mua, nguyên tắc đầu tư… Và cũng thể hiện việc Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển quỹ nhà ở cho công nhân làm việc tại các KCN bằng những cơ chế ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng…

Còn TLĐLĐVN thì cho rằng, trong quá trình triển khai chính sách phát triển nhà ở xã hội đã chậm trong việc cụ thể hóa, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức và do điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, trong khi các nhu cầu an sinh xã hội khác còn rất lớn, vì vậy việc cung cấp nguồn vốn cho nhà ở xã hội là chưa đủ khả năng. Bên cạnh đó, cơ chế để phát triển quỹ nhà ở tại địa phương chưa thu hút được các nguồn đầu tư. Do vậy, các bộ ngành và địa phương cần nghiêm túc triển khai nhiệm vụ quyền hạn theo phân cấp để thực hiện hóa việc có nhà ở, có hạ tầng xã hội phục vụ đời sống công nhân lao động trong các KCN.

Hy vọng trong tương lai gần, với sự nỗ lực của các địa phương và các DN đầu tư cho đời sống công nhân, các KCN, KCX, KKT sẽ phát triển cả về lượng và chất theo hướng bền vững.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng