Tại TP.HCM có đến hàng trăm triệu mét vuông nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có nhiều “khu đất vàng” đang bỏ hoang hoặc cho thuê nhưng chưa thu hồi được. Hàng ngàn tỉ đồng lãng phí theo nhà, theo đất...
Công tác chuẩn bị thu hồi khu nhà xưởng tại 435/4 Hàn Hải Nguyên (số cũ là 341 Hàn Hải Nguyên, P.1, Q.11) rộng hơn 1.300m2 của Công ty cổ phần Thủy sản số 5 đã vấp phải nhiều nhiêu khê khi lãnh đạo công ty này liên tục đưa ra những yêu cầu mới. Đây là nhà xưởng được cho Công ty Xuất nhập khẩu, chế biến thủy sản đông lạnh số 5 thuê từ năm 1999 (thời hạn 50 năm), nay phải di dời do ô nhiễm môi trường. Sau đó đơn vị này cổ phần hóa thành Công ty cổ phần Thủy sản số 5 (thuộc Tổng công ty Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và tiếp tục sử dụng phần nhà xưởng đã được thuê.
“Được voi đòi tiên”
Kế hoạch thu hồi nhà, đất của Công ty cổ phần Thủy sản số 5 bắt đầu từ năm 2004 nhưng do quy định thay đổi, đến năm 2007 UBND Q.11 mới xây dựng phương án đền bù gửi cho Công ty cổ phần Thủy sản số 5 tham khảo. Công ty này đưa ra yêu cầu: để công ty di dời phải bồi thường chi phí của ba lần cải tạo và nâng nền nhà kho trong 30 năm qua (từ năm 1975-2005); đền bù toàn bộ chi phí hệ thống điện nước, máy móc thiết bị và kiến trúc nhà xưởng theo giá mới. Nhưng có một điều kiện khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên: bồi thường thương hiệu của công ty và chi phí để được cấp mã số (code) vào thị trường Mỹ, Nhật Bản...
Sau khi được UBND Q.11 chấp nhận bồi thường chi phí hệ thống điện, thoát nước theo giá mới, công ty lại đề nghị bồi thường đất theo giá thị trường, theo giá mặt tiền đường Hàn Hải Nguyên. Thực tế đất công ty sử dụng là đất thuê và nằm trong hẻm của tuyến đường này. Tại công văn ngày 4-12-2007, chủ tịch HĐQT công ty tiếp tục nêu ra ba phương án để các cơ quan chức năng chọn lựa. Một, phải bồi thường theo giá thị trường toàn bộ đất đai, nhà xưởng. Hai, hoán đổi cho công ty một vị trí khác, bồi thường nhà xưởng. Ba, cho công ty chuyển đổi công năng, tiếp tục sử dụng khu đất phục vụ việc sản xuất kinh doanh.
Qua nhiều lần làm việc, giải thích cho phía đại diện công ty, đầu năm 2008 Sở Tài chính TP ra “tối hậu thư”: công ty phải giao mặt bằng cho UBND Q.11, hạn chót ngày 31-3-2008. Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có công văn gửi UBND TP với nội dung: “Để doanh nghiệp nâng cao uy tín và thương hiệu trong chế biến, kinh doanh xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn của ngành, đề nghị UBND TP chỉ đạo để đơn vị tiếp tục ổn định cơ sở sản xuất tại 341 Hàn Hải Nguyên...”. Bộ cũng đề nghị: nếu có sự thay đổi phương án quy hoạch theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ hoặc của UBND TP thì TP chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn doanh nghiệp lập dự án chuyển đổi công năng, phù hợp với quy hoạch mới nhất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Kim Ngân - giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản số 5 - cho biết vì giá bồi thường nhà xưởng do UBND Q.11 tính quá thấp, không đủ để tái đầu tư một kho khác nên công ty không thể chấp nhận. Nếu Q.11 bồi thường giá đất mặt tiền thì công ty có trả lại nhà kho không? “Cái đó phải do công ty quyết định chứ riêng tôi không có quyền” - bà Ngân trả lời. Theo quy hoạch, tại khu đất thu hồi sẽ xây dựng trường học, nếu được giữ lại khu đất thì công ty có làm trường học? “Hiện chúng tôi chưa có chức năng kinh doanh lĩnh vực này, nhưng chúng tôi sẽ đăng ký kinh doanh bổ sung, nhiều công ty khác cũng làm như vậy mà. Còn về năng lực thì công ty chúng tôi sẽ liên kết liên doanh với những công ty có năng lực khác để làm” - bà Ngân khẳng định.
Chỉ quản lý trên... giấy
Từ nhiều năm nay, xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Hóa chất và vật tư khoa học kỹ thuật (Bộ Thương mại cũ) chi nhánh TP.HCM (số 15 Lương Ngọc Quyến, P.13) rộng gần 1.400m2 đã hết hợp đồng thuê kho nhưng chưa trả để UBND Q.8 xây trường mầm non theo quy hoạch. Theo hợp đồng, thời hạn thuê kết thúc cuối năm 2004 và UBND TP đã có thông báo công ty phải giao lại cho UBND Q.8.
Khi sắp đến hạn, Bộ Thương mại có công văn đề nghị xem xét và tạo điều kiện cho công ty được thuê kho mới tại địa bàn Q.8 để di chuyển hàng hóa đến, cho công ty thuê mặt bằng trong khu công nghiệp để di dời xưởng sản xuất, đồng thời giải quyết các chế độ áp dụng cho các cơ sở sản xuất di dời vào khu công nghiệp. Giải quyết kiến nghị của Bộ Thương mại và công ty, UBND TP đồng ý bán chỉ định nhà, đất trên đường Ưu Văn Long (Q.8) theo giá thị trường cho công ty nhưng bị từ chối mua vì giá cao.
UBND TP cũng trả lời dứt khoát với công ty: không có cơ sở để giải quyết hỗ trợ di dời cho đơn vị. Đến nay, công ty chưa chịu giao mặt bằng và việc khảo sát địa chất, đo vẽ hiện trạng khu đất của UBND Q.8 gặp nhiều khó khăn. Cuối năm 2008, UBND Q.8 và Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP cho phép cưỡng chế thu hồi khu nhà xưởng để xây dựng công trình công cộng, đang chờ ý kiến chỉ đạo từ TP.
Tương tự, kho số 338 Dương Bá Trạc (Q.8) do Công ty cổ phần Điện máy TP đang sử dụng cũng đã có quyết định thu hồi từ năm 2007 để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý và khai thác sử dụng trong thời gian chờ UBND Q.8 lập dự án xây dựng trường học. Nhưng khi UBND Q.8 mời đến làm việc, công ty này một mực đề nghị được tiếp xúc với UBND TP.
Theo một cán bộ UBND Q.8, mang tiếng là được TP giao cho hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng công trình công cộng nhưng thực chất nhiều năm nay UBND Q.8 mới chỉ quản lý được trên...giấy. Thậm chí ở một số đơn vị, chỉ xin vào khảo sát hiện trạng kho bãi cũng bị bảo vệ đuổi ra, còn lãnh đạo công ty không chịu tiếp.
Trả lại nhà đất thuê: phải có điều kiện
Theo hợp đồng, Công ty Kho bãi TP (thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn) cho Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn thuê hơn 3.730m2 kho và 100m2 bãi tại địa chỉ 258C (số cũ 249C Nguyễn Văn Luông, P.11, Q.6). Thời hạn thuê đến hết ngày 31-12-2007. Hợp đồng cũng cam kết: khi có quyết định thu hồi kho bãi của cấp có thẩm quyền, hai bên phải chấp hành, thiệt hại kinh tế phát sinh (nếu có) mỗi bên tự gánh chịu.
Hợp đồng rõ mồn một như vậy và trước khi hết hạn thuê, bên A đã có thông báo gửi bên B cho biết UBND TP sẽ thu hồi khu đất để bàn giao cho UBND Q.6 xây dựng trường học khi hết hợp đồng thuê. Đáp lại, bên B ra điều kiện với các cơ quan liên quan là giải quyết chi phí xây dựng thêm, được tham gia đầu tư xây dựng tại mặt bằng, được hỗ trợ kinh phí di dời và giao cho đơn vị này một số địa điểm khác. Đồng thời đề nghị giải quyết việc làm cho các cán bộ, công nhân viên đang làm việc.
Khó thu hồi, phải làm sao?
Theo luật sư Đặng Ngọc Châu - Đoàn luật sư TP.HCM, hợp đồng thuê nhà xưởng của các công ty với các cơ quan nhà nước là hợp đồng dân sự. Do vậy khi hết thời hạn mà bên thuê không trả thì bên cho thuê có quyền kiện ra tòa để được giải quyết. Khi đã có quyết định của tòa án buộc bên thuê phải trả nhà xưởng nhưng vẫn không thực hiện thì cơ quan thi hành án sẽ cưỡng chế thu hồi.
Trường hợp trong thời gian thuê nhà xưởng mà bên thuê vi phạm hợp đồng như sử dụng đất sai mục đích, bị lấn chiếm... thì cơ quan chức năng có thể chấm dứt hợp đồng thuê, ra quyết định thu hồi. Nếu bên thuê không thực hiện thì cơ quan chức năng có thể tiến hành cưỡng chế.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: