Các nhà quản lý đô thị chỉ ra những kịch bản cho sự phát triển đô thị ở vùng ven bằng những dẫn chứng cụ thể về sự phát triển đô thị thiếu sự quản lý khôn ngoan ở TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Đăng Sơn, viện phó viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, tại khu vực ngoại thành không chỉ là điểm nóng của sự phát triển hỗn loạn, mà còn tiềm ẩn những mâu thuẫn về quyền lợi.
Bỏ tiền, chưa hẳn mua được không gian riêng
Tại hội thảo quốc tế về xu hướng đô thị hoá và đô thị hoá vùng ven đang diễn ra tại TP.HCM, ông Mike Douglass (trung tâm Nghiên cứu đô thị hoá, khoa quy hoạch đô thị và vùng thuộc đại học Hawaii) cho rằng, TP.HCM là một điển hình của sự phát triển đô thị: Phú Mỹ Hưng, Nhà Bè, Hiệp Phước và Tây Bắc.
Điểm chung của các khu đô thị này là: không được quản lý bởi chính quyền đô thị, mà do các công ty, nhà đầu tư đã không chừa, hoặc chừa rất ít cho không gian công cộng, và hạn chế công chúng ra, vào. Cơ sở hạ tầng như đường sá, vỉa hè, quảng trường, công viên và các hình thức sinh hoạt cộng đồng, lẽ ra thuộc phạm vi công cộng, trở thành không gian tư.
Các cơ sở tôn giáo và văn hoá thì không có, nếu có cũng chẳng bõ bèn gì với nhu cầu tại chỗ. Hầu hết các dự án này không có không gian để người ta có thể tự do đi lại, gặp gỡ nhau. Thậm chí trong các khu nhà riêng, cũng không chừa khoảng trống. Điều này tạo ra các tranh chấp về quyền sử dụng chung, riêng ở các khu dân cư, toà nhà cao tầng đang diễn ra ở TP.HCM là minh chứng cụ thể.
Loại bỏ văn hoá địa phương
Theo ông Mike Douglass, đô thị hoá các thành phố vùng ven ở Đông Nam Á thể hiện những phong cách sống được cá nhân hoá sự xài sang.
Các dự án tuyên bố chúng tạo nên một văn hoá đô thị mới, chẳng hạn nhà đầu tư của Phú Mỹ Hưng tuyên bố rằng, đô thị này sẽ “mang lại cho người dân Việt Nam một phong cách hiện đại hoàn toàn mới mẻ”. Các nhà đầu tư Hàn Quốc của khu đô thị Nhà Bè nói sẽ “mang đến một nền văn hoá dân cư mới”. Loại bỏ văn hoá địa phương là khu Star World ở ngoại thành Hà Nội, khi đề cao nguyên tắc “không giống bất kỳ khu vực nào hiện nay ở Hà Nội”. Khu đô thị mới Nhà Bè (TP.HCM) được quảng cáo là “đô thị hướng về tương lai theo phong cách Hàn Quốc”.
Nới rộng giàu nghèo, lãng phí lao động
Theo ông Sơn, phát triển kinh tế tác động đến xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị hoá vùng ven. Đô thị hoá nhanh dẫn đến sự phân hoá giàu nghèo ngày càng rõ rệt, dân nghèo không còn chỗ trong khu trung tâm, mà “dạt” sống ở vùng ven. Họ không có sức khoẻ tốt, không được giáo dục, và mất nhiều cơ hội. Đó là sự lãng phí về tiềm năng con người.
Ông Mike Douglass cho rằng, đô thị hoá đang tăng tốc ở Đông Nam Á, các thành phố lớn đang chịu áp lực lớn từ kẹt xe, ô nhiễm, nhà ổ chuột bành trướng, nghèo đói và bất bình đẳng. Là chỗ ở trong tương lai, ý đồ của các đô thị mới ở vùng ven đi ngược lại với hình ảnh một thành phố cởi mở, sinh động.
Theo ông Mike Douglass, cần xây dựng quy chế quản lý công, có sự tham gia quản lý của người dân trong các đô thị, với sự tham gia của Nhà nước nhằm tạo bình đẳng, mở rộng không gian công cộng, chứ không chỉ vì lợi nhuận của công ty. Các đô thị vùng ven nên chia sẻ cơ sở hạ tầng về môi trường với địa phương như: xây nhà ở rẻ hơn, và các không gian công cộng cho cả vùng, nâng cấp cơ sở hạ tầng gần khu vực, mở cửa để dân địa phương vào mở tiệm, buôn bán…
Thông thường hiện chính quyền bàng quan với các công ty toàn cầu và các đô thị vùng ven, nhưng lại mạnh tay “trục xuất” cộng đồng dân cư tại chỗ để nhường chỗ cho các công ty đó xây dựng. Nếu không có sự cải tổ, cho phép người dân mua đất, xây nhà ở vùng ven, thực hiện các dự án lớn, thì việc tư hữu hoá vùng ven thông qua các khu nhà ở rộng lớn, biệt lập không phải là một bước tiến, mà tái hiện lại những đô thị có thành luỹ bao quanh như ngày xưa.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: