“Hà Nội tấc đất tấc vàng. Dự án treo mà dân không có đất làm nông nghiệp là lãng phí lớn. Thành phố phải có cuộc tổng rà soát để xử lý dứt điểm dự án treo. Luật Đất đai đã ghi rõ chậm tiến độ 12 tháng phải thu hồi...” - Đại biểu Ngô Văn Ny (Từ Liêm) phát biểu thảo luận về kế hoạch sử dụng đất của thành phố, sáng qua (9/12).
Dự án đô thị “đắp chiếu” – nông dân thất nghiệp
“Chỉ một năm, đất nhà ở và đô thị đã sử dụng hết 5.551 ha”- Đại biểu Đào Xuân Mùi (Thanh Trì) lo ngại đất đai bị sử dụng quá ồ ạt. Ông Mùi tính rằng, qua mức thu tiền sử dụng đất cho thấy, mỗi mét vuông đất ở, Nhà nước chỉ thu được gần 100.000 đồng.
“Phải chăng cơ quan chức năng xác định giá chưa đúng, hay các chủ sử dụng đất còn nợ hoặc có tình trạng thất thoát?” - Ông Mùi nói. Đại biểu này đề nghị, năm 2009 thành phố phải có lộ trình công bố tiến độ sắp xếp các dự án đầu tư, trên cơ sở đó có kế hoạch triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) phù hợp.
Thông tin từ đại biểu Mùi còn cho thấy vấn đề quản lý dự án đất rất đáng lo ngại: Trước khi Hà Nội mở rộng, nhiều huyện phía Tây đã phủ gần kín diện tích đất đô thị.
Có chủ đầu tư “ôm” các dự án từ vài trăm tới hàng nghìn ha đất. Nếu không kiểm tra, rà soát chặt chẽ, đất đai lại để hoang hóa, thành quy hoạch treo, rất lãng phí. Thế nhưng, nông dân lại không có đất sản xuất, do bị thu hồi quá nhiều!
Tình trạng đất đai bị sử dụng lãng phí trong quá trình đô thị hóa cũng xảy ra ở một số khu đô thị mới. Đại biểu Trần Văn Thanh (Long Biên) phản ánh: “Có khu đô thị đã xây xong 10 năm, nhưng tỷ lệ dân tới ở rất thấp. Đáng lưu ý, có chủ đầu tư nhận một lúc 3-4 khu đô thị lớn. Có khu rộng tới 50 ha trở lên, sau 10 năm mà chỉ có vài ba chục hộ dân tới ở!”. Theo ông Thanh, có phần do nhà đầu tư chỉ lo xây nhà để bán, không lo làm hạ tầng xã hội.
Đại biểu Ngô Văn Ny đề nghị thành phố phải có cuộc tổng rà soát, xử lý dứt điểm dự án treo theo quy định. Đại biểu Trần Trọng Hanh (Thanh Xuân) cảnh báo, đất bị thu hồi, dự án treo đe dọa người nông dân, khiến họ mất việc làm.
Như thế, thành phố sẽ rất khó khăn trong việc an dân: “4 triệu hộ dân sống bằng đất, nhưng rất nhiều đất bị thu hồi, biến thành quy hoạch treo. Có đại biểu cho biết, số đất đó có thể chứa đựơc tới 20 triệu dân!”- Ông Hanh nói.
Theo ông Hanh, Hà Nội phải chủ động chủ trì làm quy hoạch Thủ đô và quy hoạch vùng chứ không phải chủ động tham gia như hiện nay.
Quy hoạch yếu kém
Một số đại biểu phát biểu thể hiện sự quan tâm đến việc quy hoạch nông thôn, nơi có tới 4 triệu dân của TP, trong đó có vấn đề quy hoạch các làng nghề.
Có đại biểu phê phán thực trạng thoát nước, tiêu úng của Hà Nội vừa qua đã bộc lộ nhiều bất ổn: Các hồ điều hòa bị lấp dần, cống thoát nước quá nhỏ lại trở thành nơi xả rác, trong khi đó vùng xả lũ cũng bị xây dựng đô thị.
Ông Trần Trọng Hanh cho rằng, quy hoạch ngành vừa qua mỗi cơ quan thực hiện một kiểu, trong khi đó chưa có và rất cần phải có quy hoạch tổng thể. Theo đại biểu Nguyễn Thị An (Hai Bà Trưng), Hà Nội cần chủ trì quy hoạch Thủ đô chứ không phải là chủ động tham gia.
“Nếu 10, 15 năm trước Hà Nội làm quy hoạch chuẩn thì giao thông, môi trường, thoát nước không có những khiếm khuyết như bây giờ. Trọng tâm của thành phố hiện nay phải là công tác quy hoạch” - Bà An nhấn mạnh.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: