Top

Người bị thu hồi đất không tiếp cận được Quỹ hỗ trợ

Cập nhật 08/11/2008 01:00

Nhằm hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án trên địa bàn ổn định cuộc sống, TP HCM đã xây dựng Quỹ 156, bắt đầu thực thi từ tháng 5/2007. Tuy nhiên, rất nhiều đối tượng thụ hưởng lại không biết đến sự tồn tại của Quỹ này.

Điểm qua các cuộc tham vấn gần đây, có thể thấy, hầu như các quận huyện chỉ quan tâm đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng mà “quên” Quỹ 156, một trong những công cụ hỗ trợ cho cuộc sống người dân sau khi bị thu hồi đất.

Thiếu thông tin

Cụ thể, tại cuộc gặp gỡ người dân bị thu hồi đất tại huyện Nhà Bè vừa qua, khi ông Nguyễn Thanh Chín, Trưởng Ban pháp chế HĐND thành phố đặt câu hỏi về Quỹ 156 thì cả 10 người dân tại đó đều ngơ ngác. Cụm từ “vay vốn, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ học phí giáo dục dạy nghề…” khá xa lạ với họ.

Tương tự, rất nhiều người dân tại khu tạm cư An Lợi Đông (quận 2) hầu như không biết gì về chính sách này. Câu trả lời chung của họ là: “Chúng tôi có thấy ai nói học nghề gì đâu”. Một số người dân quận Bình Thạnh chỉ biết việc cho vay vốn, còn việc hỗ trợ học phí, đào tạo nghề cho con em diện này, họ hoàn toàn… mù tịt.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Tổ trưởng Tổ quản lý Quỹ 156 nhấn mạnh, đây là lỗi của chính quyền. “Hội đồng quản lý Quỹ đã có thông báo gửi về các quận huyện cùng những hướng dẫn cụ thể. Thông tin không đến được với người dân, trách nhiệm là của chính quyền cơ sở”, bà Mai nói.

Bên cạnh đó, nhiều người dân có cơ hội sử dụng vốn vay từ Quỹ 156 lại có xu hướng… không muốn trả tiền. Theo số liệu từ các quận huyện, từ đầu năm 2008 đến nay, Quỹ 156 đã… gần cạn vốn, nên việc giải ngân vì thế cũng chỉ ở mức độ cầm chừng. Một số cán bộ địa phương cho biết, nhiều hộ gia đình lo lắng vì sợ trả tiền rồi không biết có được vay tiếp không. Bà Võ Thanh Nga, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 4, lo ngại: “Rất khó đòi nợ cũ khi chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến thời điểm đáo hạn của các hộ dân được vay vốn năm ngoái. Cũng tại quận 4, đã có trường hợp người dân vì tin tưởng sẽ được vay vốn từ nguồn này, nên đã đi vay “nóng” bên ngoài trước để làm ăn. Hệ quả, đến nay, tiền vẫn chưa vay được lại phải gánh luôn phần nợ, lãi mẹ đẻ lãi con”.

Nhiều chủ dự án “quên” góp Quỹ

Để nhanh chóng giải quyết ách tắc về nguồn vốn của Quỹ 156, UBND TP HCM đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các quận, huyện yêu cầu các chủ dự án góp Quỹ. Tuy nhiên, công tác trên chuyển động khá chậm chạp.

Đến nay, quận 4 là địa phương duy nhất có chủ đầu tư nộp tiền vào Quỹ 156 (6 tỷ đồng). Nhưng ngặt nỗi, đơn vị nộp tiền lại là Ban quản lý dự án khu vực đầu tư xây dựng quận. Theo Phó Chủ tịch UBND quận 4 Nguyễn Tiến Đạt, đây là đơn vị “nhà” nên dễ đốc thúc, còn các chủ đầu tư khác thì…im hơi lặng tiếng. Ông Lê Văn Tiến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 2, cho biết, tất cả các chủ đầu tư của những dự án lớn trên địa bàn thành phố như: Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Dự án Đại lộ Đông Tây…vẫn chưa đóng góp cho Quỹ.

Ông Tiến thắc mắc: “Đối với các dự án nhỏ thuộc quận quản lý thì quận thu hay thành phố thu và thu như thế nào? Dự án nào thu 3%, dự án nào thu 5%?”.

Ông Tiến cho rằng, đối với các dự án do quận quản lý, nếu thành phố giao cho quận thu thì nên có hướng dẫn cụ thể để quận có kế hoạch đôn đốc, việc thu phí sẽ nhanh hơn.

Dân thiếu thông tin, Quỹ thiếu vốn, chủ dự án “quên” nghĩa vụ, vậy nên người dân bị thu hồi đất vẫn long đong với mấy chữ “an cư, lạc nghiệp”.

Quyết định 156 về “thành lập Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố", quy định rõ: nguồn vốn của Quỹ bao gồm từ nguồn ngân sách thành phố cấp ban đầu để thành lập (50 tỷ đồng) và khoản đóng góp của chủ đầu tư sử dụng đất thu hồi của người dân (không quá 5% chi phí bồi thường, hỗ trợ của dự án đối với các dự án mới chưa triển khai và không quá 3% đối với các dự án đang bồi thường dở dang).



DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt