Top

Mức phạt vi phạm đất đai sẽ tăng gấp hàng chục lần

Cập nhật 07/04/2009 13:15

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi các mức phạt hành chính đối với vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, hàng loạt các mức phạt được đề xuất tăng gấp hàng chục lần. Đồng thời, nhiều hành vi vi phạm đất đai mới xuất hiện gần đây cũng được đề cập hướng xử lý.

Cố tình không làm “sổ đỏ” sẽ bị phạt!

Theo Cục Đăng ký và Thống kê đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN-MT), một trong những nguyên nhân khiến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”), nhất là đất ở tại các địa phương chậm tiến độ là do người dân không tự đi đăng ký quyền sử dụng đất, dù đó là quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Không chỉ ở nông thôn, ngay tại những đô thị lớn như Hà Nội, nhiều người dân rất thờ ơ với việc làm “sổ đỏ”.

Quan niệm chung lâu này là nếu không giao dịch mua-bán thì không cần thiết phải làm “sổ đỏ”. Tuy nhiên, theo các cơ quan quản lý, quyền lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng khi không làm “sổ đỏ”. Trường hợp đất bị người khác lấn chiếm hay có tranh chấp, Nhà nước sẽ không có cơ sở để bảo vệ. Ngoài ra, nếu có quá nhiều người không đăng ký quyền sử dụng đất, quản lý Nhà nước về đất đai sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Góp ý vào dự thảo nghị định này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, ngoài hình thức phạt bằng tiền, cần bổ sung thêm quy định về việc công bố công khai tên tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, nội dung vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả... trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe, hạn chế trường hợp tái phạm.

Trong đợt sửa đổi Nghị định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai lần này, Bộ TN-MT đề xuất đưa vào quy định những trường hợp không đăng ký quyền sử dụng đất sẽ bị phạt. Cụ thể, người cố ý không đăng ký quyền sử dụng đất, đăng ký không đúng loại đất; không đăng ký khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng tới 2.000.000 đồng. Đương nhiên, trước khi quy định mới có hiệu lực, chính quyền địa phương phải thông báo để người dân biết để đi làm “sổ đỏ” trước.

Chậm nộp tiền đất, miễn phạt

Cũng theo đề xuất của Bộ TN-MT, hàng loạt mức phạt hành chính bằng tiền đối với các vi phạm đất đai được tăng lên hàng chục lần so với mức cũ. Chẳng hạn, trước đây, mức phạt cao nhất đối với hành vi lấn chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình là 30 triệu đồng, thì nay, Bộ TN-MT đưa ra mức 400 triệu đồng.

Tương tự, hành vi hủy hoại đất sẽ bị phạt tới 100 triệu đồng (thay vì mức cao nhất 20 triệu đồng trước đây); gây ô nhiễm đất bị phạt tới 300 triệu đồng (mức cũ 30 triệu đồng)... Mức phạt cao nhất cho nhiều hành vi vi phạm có thể lên tới 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, chỉ có Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và Chánh Thanh tra Bộ TN-MT đủ thẩm quyền quyết định mức phạt này. Bên cạnh việc tăng mức phạt, một số hành vi trước bị cho là vi phạm và phải nộp tiền phạt nay được hủy bỏ. Theo đó, người dân chậm nộp tiền sử dụng đất sẽ không còn bị phạt tiền ở mức 0,02% số tiền phải nộp cho mỗi ngày chậm.

Đây là tin vui cho người dân Hà Nội, bởi, rất nhiều người đang chậm nộp tiền sử dụng đất (do chưa đủ điều kiện tài chính để lấy “sổ đỏ” về) sẽ tránh khỏi bị phạt tiền. Ngược lại, các trường hợp trốn tránh, chây ỳ không bàn giao đất đúng thời hạn theo quyết định thu hồi đất, dù các phương án bồi thường đã thực hiện đúng pháp luật, có thể sẽ bị phạt tiền tới 5 triệu đồng.

Hiện nay, người dân muốn giao dịch nhà đất thường gặp các thông tin mù mờ mà người bán hay trung tâm môi giới cung cấp. Không ít trường hợp, người có nhu cầu mua nhà đã bị lừa mất tiền phí môi giới bởi “cò” nhà đất. Tới đây, trách nhiệm của người cung cấp thông tin về đất đai sẽ được siết chặt hơn.

Theo Bộ TN-MT, ngoài việc bị phạt tiền tới 50 triệu đồng, người cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai không đúng còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Liên quan tới những dự án “treo” gây bức xúc dư luận thời gian qua, dự thảo sửa đổi cũng bổ sung chế tài đối với các chủ đầu tư không đủ năng lực song lại “ôm” đất dự án khiến khu đất bị “treo” nhiều năm, không đưa vào sử dụng. Theo đó, Bộ TN-MT đề xuất mức phạt cao nhất 10 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt này còn thấp, chưa đủ tính răn đe đối với những đối tượng “ôm” đất.

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô