Toàn TP.HCM hiện có hàng trăm dự án dở dang, chưa hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng với hàng chục ngàn nền đất, căn hộ chung cư. Điều này khiến nhiều người dân bị “treo” giấy chủ quyền.
Ông Phạm Quang Việt mua nền đất của Công ty TNHH dệt - xây dựng - thương mại Quyết Thắng tại P.12, Q.Gò Vấp vào năm 2000. Khi đóng tiền, ông được công ty giao cho tờ trình về việc cấp giấy chủ quyền và một số giấy tờ liên quan. Cứ tưởng có tờ trình như vậy ông sẽ sớm được cấp giấy chủ quyền. Nhưng đến năm 2005, công ty thông báo phải đóng thêm khoảng 70 triệu đồng tiền sử dụng đất.
Trong biên bản làm việc, công ty hứa sẽ làm thủ tục cấp giấy cho người dân trong vòng một năm kể từ khi người mua hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Nhiều trường hợp đã đóng tiền nhưng đến nay vẫn chưa biết mặt mũi giấy chủ quyền ra sao. Riêng ông Việt, cuối năm 2007 ông quyết định tự đi làm giấy chủ quyền, nhưng khi đến UBND quận thì hồ sơ của ông bị ách lại. Lý do đất dự án chưa có biên bản nghiệm thu và bàn giao cơ sở hạ tầng.
Dự án khu dân cư của Công ty TNHH dệt - xây dựng - thương mại Quyết Thắng do Kiến trúc sư trưởng TP.HCM duyệt vào năm 1999. Theo quy hoạch, gần 6.500m2 đất dự án có một phần diện tích là lộ giới, phần dành cho cây xanh, thể dục thể thao... Nhưng hiện tại nhà dân đã mọc kín dự án, kể cả đất dành cho cây xanh. Phần lộ giới phía đường Quang Trung cũng không theo quy hoạch.
Ông Trần Anh Tuấn, trưởng Phòng Tài nguyên - môi trường (TNMT) Q.Gò Vấp, cho biết dự án vi phạm nhiều chỉ tiêu quy hoạch như đường giao thông, mật độ xây dựng... Thanh tra Sở TNMT đang thanh tra dự án. Khi có kết luận, quận sẽ đề xuất điều chỉnh quy hoạch, sau đó mới xem xét cấp giấy chủ quyền cho dân.
Chờ đợi mỏi mòn
Ông Vương Đình Lợi (ngụ đường 22, khu An Khánh 3, P.Bình An, Q.2) cho biết ông mua đất của Công ty cổ phần phát triển đô thị Bình Minh (trước có tên là Công ty đầu tư phát triển đô thị Bình Minh) từ năm 1999. Nhưng gần 10 năm qua, ngoài bản hợp đồng ký với công ty, ông vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền. Khoảng 50 trường hợp khác đã xây nhà xong cũng rơi vào tình trạng tương tự như ông Lợi.
Đã có nhiều phản ảnh, khiếu nại của các hộ dân gửi tới chính quyền P.Bình An và Q.2 về việc chậm cấp giấy chủ quyền tại dự án này nhưng đến nay vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng. Nguyên nhân: phía chủ đầu tư vẫn chưa hoàn tất việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Tại các cuộc làm việc với người dân, chủ đầu tư cho rằng chuyện chậm hoàn chỉnh hạ tầng của công ty là do quá trình đền bù giải tỏa một phần đất đã phát sinh tranh chấp, kéo dài nhiều năm và nay vẫn chưa xong.
Người dân ở dự án khu dân cư Hạnh Thông Tây (P.11, Q.Gò Vấp) của Công ty Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Q.Gò Vấp (Govimex) cũng mỏi mòn chờ giấy chủ quyền trong sáu năm qua. Nhiều người tự làm hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền bị quận trả lại vì dự án chưa được nghiệm thu cơ sở hạ tầng.
Ông Trương Hữu Nghĩa - trưởng phòng đầu tư kinh doanh Công ty Govimex - nói trước đây công ty có đề nghị bàn giao hạ tầng cho UBND Q.Gò Vấp nhưng quận chưa nhận do khu vực này chưa có hệ thống nước máy sinh hoạt. Thực tế dự án này từng bị thanh tra vì “cắt xén” một phần diện tích công viên, cây xanh làm sân tennis và phân lô nhà ở. Đến khi chủ đầu tư trả lại diện tích này cho công viên thì lại thiếu hệ thống cấp nước sạch.
“Níu áo” chủ đầu tư?
Những vi phạm của chủ đầu tư các dự án thường liên quan đến lộ giới đường, diện tích dành cho công viên cây xanh, công trình công cộng... không đúng so với thiết kế đã được phê duyệt. Một số quận huyện cho rằng những vi phạm này không liên quan đến người dân. Thế nhưng theo quy định thì biên bản bàn giao hạ tầng là một trong các giấy tờ bắt buộc mà người dân phải xuất trình khi lập hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền tại các dự án.
“Đúng là người dân phải chịu thiệt vì việc vi phạm là do lỗi của chủ đầu tư, nhưng nếu chính quyền du di, cấp giấy cho người dân tức là hợp thức hóa cho sai phạm của chủ đầu tư, dẫn đến việc chủ đầu tư sẽ ỷ lại mà tiếp tục sai phạm đối với dự án khác” - lãnh đạo một quận cho biết. Theo một cơ quan cấp giấy chủ quyền, người dân phải “níu áo” chủ đầu tư, buộc họ phải thực hiện đúng hợp đồng, phải bồi thường thiệt hại do việc chậm cấp giấy chủ quyền cho khách hàng.
Để “níu áo” các chủ đầu tư không phải chuyện dễ. Tại Q.8, nhiều dự án phân lô bán nền cả chục năm qua mà đến nay hạ tầng còn nhếch nhác, trong khi chủ đầu tư đã giải thể hoặc ngừng hoạt động. UBND quận muốn mời doanh nghiệp đến để bàn việc khắc phục cũng không biết tìm đâu. Còn tại Q.Bình Thạnh hiện còn đến hơn 100 dự án chưa bàn giao cơ sở hạ tầng...
Đa số những dự án này đều được phê duyệt từ năm 2002 trở về trước, khi Luật đất đai 2003 chưa ra đời. Ông Huỳnh Văn Biết - phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân - nói: “Các dự án đầu tư đều do cấp TP giao đất nên về nguyên tắc chỉ có đơn vị giao đất mới có thẩm quyền xử lý vi phạm, cụ thể là Sở TNMT. Cấp quận có muốn xử lý cũng không có thẩm quyền, chúng tôi chỉ có thể lập biên bản vi phạm, còn việc xử phạt là phải do cấp trên”.
Một số địa phương đang có giải pháp khắc phục
Ông Nguyễn Hồ Hải - phó chủ tịch UBND Q.8 - cho biết quận đã rà soát các dự án và sẽ làm việc với từng chủ đầu tư yêu cầu hoàn thiện hạ tầng. “Quận không đòi hỏi hạ tầng phải hoàn thiện 100% như theo quy hoạch được duyệt ban đầu. Tùy từng vị trí cụ thể, miễn hạ tầng dự án kết nối và đồng bộ với hạ tầng xung quanh là có thể tạm nhận bàn giao và cấp giấy cho người dân” - ông Hải cho biết.
Trong khi đó Phòng TNMT Q.Bình Thạnh đã kiểm tra hơn 20 dự án thực hiện trước ngày 22-4-2002 (ngày chỉ thị 08 của UBND TP.HCM về chấn chỉnh và tăng cường quản lý nhà nước về nhà đất trên địa bàn TP.HCM có hiệu lực) và đề nghị UBND quận xem xét cấp giấy chủ quyền một số dự án đã có hạ tầng cơ bản như điện, nước, đường giao thông...
Còn huyện Bình Chánh buộc chủ đầu tư phải hoàn thành 90% hạ tầng dự án và có cam kết thực hiện 10% còn lại mới tiến hành xét cấp giấy chủ quyền cho dân.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: