Top

Vỉa hè nào cho TPHCM?

Cập nhật 07/04/2009 10:15

Rất nhiều vỉa hè của TPHCM đang được cải tạo, xây mới. Tuy nhiên, chuyện đáng lẽ phải vui này lại gây ra không ít tranh cãi.

Đổ bê tông hay đầm cát chặt nền vỉa hè?

Phần lớn vỉa hè đang được làm mới tại TPHCM sử dụng giải pháp đổ bê tông cho nền vỉa hè. Với cách này, sẽ có một lớp đá được lèn chặt xuống đất, rồi bê tông đổ lên và cuối cùng là lát gạch. Xe gắn máy 2 bánh có thể “vô tư” đi trên vỉa hè mà không sợ vỉa hè bị hư hỏng. Tuy nhiên, ở góc độ môi trường, chúng đang bị phản đối dữ dội.

Theo Giáo sư Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Môi trường thuộc Đại học Công nghiệp TPHCM, TPHCM là thành phố gần biển. Nguồn nước ngầm ở những nơi như vậy luôn có sự cân đối giữa 2 loại nước: nước mặn và nước ngọt.

Nước mặn từ biển thấm vào, còn nước ngọt chủ yếu sẽ do nước mưa thấm xuống. Cũng có những tình huống nguồn nước ngọt được bổ sung từ một mạch nước ngầm ở nơi khác chảy tới nhưng không nhiều. Chính vì vậy, nếu thành phố cứ tiếp tục “bê tông hóa”, ngăn nước mưa thấm xuống đất, không bổ sung nguồn nước ngọt cho đất, thì “vô tình” đã tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập vào thành phố.

Tất nhiên, hậu quả của tình trạng này sẽ không gì khác hơn là thành phố thiếu nước ngọt; nhiều loại cây sẽ không thể phát triển… Hiện nay, nguồn nước ngầm của TPHCM ở nhiều nơi như quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi… đã tụt xuống thấp một cách đáng lo ngại. Do đó, yêu cầu bổ sung nguồn nước ngọt cho các mạch nước ngầm càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Giáo sư Lê Huy Bá cũng lo ngại đến một khả năng khác. Đó là bê tông hóa sẽ làm cho tình trạng ngập ở TPHCM thêm trầm trọng. Bởi, hầu hết cống thoát nước của thành phố đều cũ kỹ và quá tải. Các dự án xây dựng mới cống thoát nước đang trong quá trình triển khai. Phần lớn sông, kênh, rạch thì đặc nghẹt bùn, rác; khả năng tiêu thoát nước rất thấp. Vì vậy, nếu không được hỗ trợ thêm nhiều giải pháp thoát nước khác như để nước mưa thấm xuống đất thì tình hình ngập ở thành phố sẽ khó được cải thiện.

Làm vỉa hè bằng cách đặt gạch tự chẹn (người ta quen gọi loại gạch này là gạch con sâu vì nó có hình dáng giống con sâu) trên nền cát được lèn chặt tuy hiện nay không được nhiều quận - huyện triển khai thực hiện, nhưng chúng đang được các nhà khoa học hoan nghênh như là một giải pháp thân thiện với môi trường, có khả năng giúp thành phố giải quyết vấn nạn ngập nước. Với nền cát bên dưới và giữa các viên gạch có những khoảng trống, nước mưa sẽ có điều kiện thấm xuống đất.

Tuy nhiên, làm vỉa hè bằng cách này không bền. Người ta chỉ có thể đi bộ mà không thể đi các loại xe gắn máy trên vỉa hè nếu không muốn làm vỉa hè bị hư hại. Cách nay gần 10 năm, TPHCM đã triển khai lát loại gạch này trên nhiều vỉa hè của thành phố. Thế nhưng, do chất lượng gạch lúc ấy còn thấp, gạch vừa lát xong đã bị vỡ, đến nỗi dư luận đã lên tiếng “gạch con sâu làm rầu thành phố”, nên TPHCM dừng chương trình này.

Vỉa hè phù hợp đặc trưng khu dân cư



Đổ bê tông, làm vỉa hè trên đường
  Huyện Thanh Quan quận 3 TPHCM.
 Ảnh: Cao Thăng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, với đặc tính nhà phố là chủ yếu; xe gắn máy 2 bánh của người dân thường phải “đi qua” vỉa hè mới vào đến nhà, thì loại vỉa hè bền, chắc là phù hợp.

Tiến sĩ Hồ Long Phi, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, Phó ban Chỉ đạo chống ngập TPHCM, không phủ nhận khả năng thấm nước mưa của vỉa hè, nếu dùng loại gạch con sâu đặt trên nền cát lèn chặt để làm vỉa hè.

Tuy nhiên, ông cho rằng muốn chọn phương án này thì thành phố phải có giải pháp làm sạch rác, đặc biệt là rác ni lông kẹt vào giữa các viên gạch, làm cho nước mưa không thể thấm xuống đất. Hiện nay, nhiều vỉa hè của đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã được lót bằng gạch con sâu trên nền cát lèn chặt và do luôn được giữ gìn sạch sẽ, chúng đang phát huy rất tốt các ưu điểm của mình.

Việc chống ngập, theo ông Hồ Long Phi, vẫn phải tập trung cho các giải pháp căn cơ như làm hồ điều tiết nước phân tán trong các khu dân cư, cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét sông, kênh, rạch. Một khi sông, kênh, rạch không đặc cứng vì rác thì cũng sẽ giúp ích đắc lực cho nước mưa thấm xuống đất.

Ở một góc độ khác, lãnh đạo của một Khu quản lý giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, làm vỉa hè bằng gạch con sâu trên nền cát lèn chặt rẻ hơn làm vỉa hè bằng cách đổ bê tông rồi mới lát gạch. Điều này sẽ cực kỳ tiết kiệm trong bối cảnh còn rất nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm của thành phố đang đặt dưới…vỉa hè và luôn phải sửa chữa. Việc đào gạch con sâu và cát lên chắc chắn sẽ không tốn kém bằng việc phải phá bê tông.

Do vậy, việc dùng loại gạch nào, lát vỉa hè bằng cách nào phải được tính toán cụ thể cho từng con đường, từng khu vực. Vỉa hè trước cửa các khu dân cư, khu thương mại… nơi sẽ có nhiều phương tiện giao thông đi lên vỉa hè, thì nên được làm theo hướng bền, chắc. Ngược lại, nên chọn giải pháp làm vỉa hè… có khả năng thấm nước, thân thiện với môi trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng