Top

Khu tái định cư 11 năm sống lay lắt, cơ cực

Cập nhật 07/04/2009 08:40

Rời bỏ quê, nhường đất cho các dự án trong Khu kinh tế Dung Quất, nhưng đến nay, đã 11 năm cuộc sống của người dân khu tái định cư Đông Thuận, xã Tịnh Hoà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi vẫn còn lam lũ, cơ cực hơn chốn quê xưa. 11 năm lời hứa "an cư, lạc nghiệp" của chính quyền hầu như bỏ ngỏ.

Tái định cư nhưng thiếu đủ thứ!

Khu tái định cư Đông Thuận là chốn cư ngụ mới của hơn 200 hộ dân thuộc 2 xã Bình Đông và Bình Thuận (huyện Bình Sơn) từ tháng 5/1998. Khi mới vào khu tái định cư này, người dân được hứa hẹn sẽ có hạ tầng đầy đủ…

Thế nhưng 11 năm qua, khu tái định cư vẫn như xưa: giao thông vẫn là con đường đất, nước sinh hoạt bữa có, bữa không; điều kiện sản xuất thì khó khăn. Nhiều người đã phải rời bỏ khu tái định cư để về lại quê xưa đi biển, hoặc vào miền Nam mưu sinh.

Ông Vương Cộng (58 tuổi), một trong những người đầu tiên đến khu tái định cư cho biết: “Hồi mới vào khu này, cán bộ bảo cứ ở trước rồi làm đường nhựa cho đi. Đến nay hơn 11 năm rồi, có thấy gì đâu? Mà không chỉ lời hứa về con đường, còn nhiều lời hứa khác nữa như có điện, nước, trường học, trạm y tế… cũng chẳng đi tới đâu. Dân ở đây nghe hứa miết phát chán rồi!”

Theo ông Cộng, ngoài con đường “nắng bụi, mưa bùn”, còn nước uống thì, cứ vào mùa nắng là cứ 2 bữa có, 5 bữa cúp, có khi cúp cả nửa tháng. Khi dân hỏi sao mà cúp nước như vậy, mấy anh cán bộ bảo: “Do chỉ có một giếng từ xã bơm lên nên không đủ cung cấp” Mỗi lần cúp nước người dân phải ra xóm ngoài xin nước chở về sinh hoạt, cực khổ vô cùng.



Công việc duy nhất của phụ nữ Đông Thuận là vá lưới cho chồng đi biển.
Ảnh: Trà Giang.


Dạo một vòng khu tái định cư, mới thấy cảnh hoang tàn như thế nào: trường học, trạm y tế, chợ cá… tất cả đều bỏ hoang, cỏ mọc ngút tầm mắt. Nhiều người dân ở đây cho biết, trường học được xây dựng từ 10 năm, nhưng do khu này ít trẻ nên không có ai học. Trạm y tế được xây lên để… làm cảnh cho vui bởi không có y tá, bác sĩ. Còn chợ cá, mang tiếng là vậy, nhưng thật ra nó giống cái... sân phơi cá nhiều hơn, vì từ xưa tới nay có mấy ai bước đến cái chợ này để mua bán.

Trong thôn xóm thì vậy, còn ngoài bờ sông, bờ kè bị lở xói, hằng ngày, hằng giờ uy hiếp đến cuộc sống của người dân trong khu tái định cư.

Gian nan chuyện mưu sinh


Tiếp xúc với người dân khu tái định cư Đông Thuận, tôi thấy trên mắt ai cũng có nỗi buồn. Ở đây, nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, hoặc rao bán. Nhìn cảnh tượng này, nhiều người buột miệng than: đây không phải là miền đất "lành"...



Trường học xây lên rồi bỏ hoang vì không có học sinh.
Ảnh: Trà Giang.


11 năm về khu tái định cư này, cuộc sống mưu sinh của người dân Đông Thuận lắm nỗi nhọc nhằn. Ông Phùng Đức (sinh 1944) cho biết, những ngôi nhà hoang chính là nhà những người quê ở xã Bình Đông, ở quê còn nhà cửa nên nay bỏ nơi này về lại quê làm ăn. Còn trường hợp ông Đức và nhiều người khác quê ở xã Bình Thuận, nhà cửa ở quê không còn nên về không biết ở đâu.

Một số người chọn cách vào Nam làm ăn, người ở lại thì cố bám víu, sống lắt lay cho qua ngày tháng. "Hồi còn ở quê (thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận), tuổi như tui có thể chèo thúng, ghe ra biển đánh vài mặt lưới được mấy chục ngàn, cũng đủ sống trong ngày. Còn ở đây không có ghe thúng nhỏ, lại cách xa cửa biển đến 3km, già như bọn tui chỉ ngồi nhà nhìn ra cho hết ngày tháng chứ biết làm gì đâu". Ông Đức giãi bày trong thất vọng.

Ngay như gia đình ông Đức có đứa con bị tật nguyền hai chân. Nhờ nghị lực, Sỹ cố thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi - ngành Tin học. Trải qua bao gian khó, khi tốt nghiệp ra trường cho đến nay đã mấy năm rồi, Sỹ vẫn không xin được việc làm. Gánh nặng giờ như đè thêm trên đôi vai gầy guộc của ông.



Những ngôi nhà trong khu tái định cư Đông Thuận được rao
bán nhưng không có ai hỏi mua. Ảnh: Trà Giang.


Ở khu tái định cư Đông Thuận này, chỉ thanh niên trai tráng đi biển, còn phụ nữ và người già thì ở nhà đan lưới. Nghề biển bấp bênh, đan lưới không đủ sống. Người dân Đông Thuận muốn đi vay tiền của chương trình quốc gia giải quyết việc làm để chuyển đổi nghề. Thế nhưng lần nào cũng vậy, nguyện vọng của họ không được đáp ứng. Nguyên nhân là khi mới vào đây, hầu như hộ nào cũng được vay khoảng 10 triệu đồng. Đến nay làm ăn khăn khó, số tiền vay chưa trả được, nên nay vay nữa ngân hàng không cho.

Đi đến Đông Thuận, tôi còn nghe bà con bảo, có nhiều người ở đây phải "ăn"... đất để sống. Hỏi ra thì mới hay, ấy là có nhiều trường hợp không biết làm gì để sống, đành bán đất để... "ăn" dần (!) Điển hình như ông Đấu; ông Bùi Phỉ; bà Sen; ông Phùng Nhỏ... Ai cũng đau yếu, già cả, nên ai cũng bán bớt 1/2 lô đất mình được nhận tại khu tái định cư để lấy tiền chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày. Nhưng đất ở đây “rẻ như bèo”, số tiền bán đất cũng nhanh chóng vơi đi theo thời gian...

Ông Trần Sang, 76 tuổi, cho tôi biết, hai vợ chồng già của ông hiện nay nhờ vào tiền cứu tế của Nhà nước (240.000 đồng/hai vợ chồng). "Bấy nhiêu tiền làm sao đủ sống. Mai mốt lỡ có đau ốm thì phải bán đất chứ lấy tiền đâu mà thuốc thang. Mà khổ nỗi, bán đất có ai mua không nữa?” Nói xong, ông Sang cười với vẻ mặt đau khổ.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet