Top

Một mét đường hết 3,5 tỷ đồng: Hứa không đội vốn

Cập nhật 10/01/2018 14:11

Tổng mức đầu tư tuyến đường Hoàng Cầu - Voi Phục gần 7.800 tỷ đồng, trong đó phần lớn là bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Trong tháng 1/2018, Sở GTVT Hà Nội sẽ trình thẩm định dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục để triển khai thiết kế cơ sở và lấy ý kiến nhân dân.

Báo VnExpress dẫn lời ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết,  tổng mức đầu tư dự án 7.800 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp (gồm hai cầu vượt, phá dỡ công trình nổi, thi công đường và hệ thống kỹ thuật đồng bộ) là 785 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm cả chi phí di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật) trên 6.000 tỷ đồng.

Như vậy, Hà Nội sẽ có một đoạn đường phá vỡ kỷ lục “đắt nhất hành tinh” của đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa trước kia.

Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, chi phí giải phóng mặt bằng được xác định theo các quy định liên quan đến đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất gồm: bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản, hỗ trợ khác (ổn định đời sống, di chuyển, tạm cư, thưởng tiến độ, hỗ trợ tự lo nhà tái định cư), di chuyển công trình ngầm, nổi...

Đường Hoàng Cầu- Voi Phục sẽ phá vỡ tất cả các kỷ lục "con đường đắt nhất hành tinh" trước đó của Hà Nội. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội, chủ đầu tư dự án cho biết, việc hoàn thiện tuyến đường vành đai 1 được thành phố phê duyệt từ lâu. Do nguồn vốn lớn, thành phố phải chia thành nhiều dự án, thi công theo các giai đoạn khác nhau và đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục là đoạn tuyến cuối cùng để khép kín vành đai 1.

Ông Bảo cũng cho rằng, với kinh nghiệm đã thi công các đoạn tuyến trước đó của đường vành đai 1, kinh phí đầu tư sẽ không bị "đội vốn".

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng các dự án giao thông tại đô thị đang tồn tại quá nhiều bất cập. Nếu thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch đô thị sẽ không còn những con đường "đắt nhất hành tinh".

Theo TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhiều dự án chi phí giải phóng mặt bằng rất cao, nhất là những dự án qua khu dân cư. Nguyên nhân do giá đất trong khu vực đó khi được cải thiện hạ tầng tăng lên gấp nhiều lần. Bất cập là tiền đền bù làm hạ tầng do Nhà nước chi trả. Nhưng cái lợi do giá trị đất tăng, Nhà nước lại không được hưởng, mà là các đối tượng bị giải phóng mặt bằng, những ngôi nhà trong ngõ tự dưng được ra mặt đường. Điều này gây nên tâm lý thiếu công bằng trong người dân.

"Để giải quyết những bất cập này, chính quyền địa phương cần thuê tư vấn chuyên nghiệp làm giải phóng mặt bằng có kinh nghiệm. Khi đã khoán gọn như vậy, đơn vị được thuê phải có trách nhiệm hoàn thành giải phóng mặt bằng hợp lý nhất.

Thứ nữa, phải thực hiện nghiêm quy định trong luật. Luật Quy hoạch đô thị đã quy định rõ, khi làm một con đường cần giải phóng cả hai bên mỗi bên tối thiểu 50m. Làm đường xong sẽ tái định cư dân tại chỗ nên sẽ tạo công bằng hơn và người dân sẽ đòi hỏi ít hơn. Nếu thừa đất sẽ đấu giá để có thể bù được phần nào tiền giải phóng mặt bằng.

Như vậy chi phí đầu tư làm đường cũng rẻ đi. Nếu làm được triệt để những điều này sẽ không có chuyện có những con đường đắt nhất hành tinh, hay những con đường có những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo như đường Xã Đàn, Hà Nội...", ông Liêm nói với báo Giao thông.

Bà Bùi Thị An (nguyên ĐBQH khóa 13, Đoàn TP Hà Nội) cũng nhận định, tình trạng này xuất phát từ việc trong quá trình thực hiện, các cơ quan không tuân thủ, thường xuyên thay đổi quy hoạch tổng thể. Nhiều khi việc băm nát quy hoạch không phải vì lợi ích chung mà nó phục vụ cho những lợi ích riêng, dẫn tới nhà nước phải chi trả số tiền rất lớn, nhưng người dân trong diện giải phóng mặt bằng cũng chịu thiệt thòi do giá đất đền bù không theo kịp giá thị trường.

Muốn gỡ được điều này, theo bà An, phải làm chặt công tác quy hoạch tổng thể. Đối với các dự án mới, các cơ quan chức năng dứt khoát phải phê duyệt quy hoạch cẩn thận. Trong quá trình triển khai, Nhà nước và người dân cần thực hiện đúng theo quy hoạch đề ra và không được thay đổi.

"Đặc biệt, chúng ta cần phải có chế tài, quy trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan không thực hiện theo quy hoạch được duyệt. Kể cả khi đã về hưu vẫn phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây không chỉ đơn giản là kỷ luật, cảnh cáo mà người đó phải chịu đền bù thiệt hại do việc phá vỡ quy hoạch gây ra", bà Bùi Thị An nhấn mạnh.
DiaOcOnline.vn theo Báo Đất Việt