Top

Thấy gì trong thương vụ Văn Phú Invest thâu tóm 'đất vàng' Hào Nam với giá bèo

Cập nhật 10/01/2018 14:06

Xuất phát từ việc CPH Công ty In ấn và VH phẩm thuộc Bộ VH TTDL khiến việc hợp thức hóa dự án Sapphire Tower tại địa chỉ 83 Hào Nam đang trở nên “bất thường”.


Phối cảnh dự án Sapphire Tower mà Văn Phú Invest đang triển khai tại vị trí số 83 Hào Nam, Hà Nội.

Khu đất 83 Hào Nam vốn thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV In và Văn hoá phẩm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Tuy nhiên, sau CPH, tại đây đang triển khai xây dựng Dự án Khu hỗn hợp nhà ở, thương mại và văn phòng 83 Hào Nam (Sapphire Tower) do Công ty CP Đầu tư Văn Phú-Invest làm chủ đầu tư.

Theo phương án cổ phần hoá Công ty In và Văn hoá phẩm, nhà đầu tư chiến lược phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu là 300 tỷ đồng vào niên độ tài chính 2013, cam kết không chuyển nhượng cổ phần được mua trong thời gian tối thiểu 5 năm và có kinh nghiệm trong ngành tối thiểu là 15 năm đối với các doanh nghiệp hoạt động trong ngành in.

Tuy nhiên nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn là Công ty CP Thương mại Miền Bắc vào thời điểm nộp hồ sơ tham gia mới được thành lập 10 năm, với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, vốn điều lệ vào đầu năm 2016 là 89 tỷ đồng.

Tháng 2/2016, anh em ông Tô Như Toàn quyết định giải thể Công ty CP Thương mại Miền Bắc và chuyển số cổ phần sở hữu sang Văn Phú Invest, dù mới là cổ đông chiến lược của Công ty CP In và Văn hoá phẩm được 1 năm (chưa đủ 5 năm theo phương án được phê duyệt).

Bên cạnh đó, theo phương án cổ phần hoá, 90 ngày sau khi chuyển thành công ty cổ phần, Công ty In và Văn hoá phẩm phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM và sau đó 1 năm phải đăng ký niêm yết trên các sàn chứng khoán. Tuy nhiên, động thái niêm yết trên sàn mới được công ty này thực hiện vào cuối năm 2017.

Theo Văn Phú Invest, Công ty Cổ phần In và Văn hóa phẩm hoạt động trong lĩnh vực in ấn là đối tượng cần di dời cơ sở sản xuất để tránh ô nhiễm theo kế hoạch 150/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 26/10/2010; đồng thời cũng nằm trong danh sách các công ty có chủ trương cổ phần hóa theo Công văn số 2218/TTg - ĐMDN ngày 1/12/2011.

Thực hiện theo QĐ 361/QĐ-BVHTTDL ngày 25/02/2014 của Bộ VH,TT&DL về việc cổ phần hóa và thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty In và Văn hóa phẩm, Hội đồng thành viên Công ty In và Văn hóa phẩm và Ban chỉ đạo CPH đã thực hiện các thủ tục cần thiết để xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến và được Bộ VH,TT&DL chấp thuận. Theo đó, ngày 05/12/2014, Công ty TNHH MTV IVHP có tờ trình số 505/TT-IVHP gửi Bộ VH,TT&DL và Ban chỉ đạo CPH về việc xin phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Và ngày 23/12/2014, Bộ VH,TT&DL ban hành Quyết định số 4231/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty TNHH MTV IVHP theo nội dung tờ trình 553/IVHP-TT, trong đó có nội dung phê duyệt nhà đầu tư chiến lược là CTCP Miền Bắc với tỷ lệ bán cổ phần là 46,774% vốn điều lệ. Ngày 23/01/2015, Công ty TNHH MTV IVHP và CTCP Miền Bắc đã ký hợp đồng mua bán cổ phần theo đúng quy định của pháp luật.

Về việc quá trình từ khi có phê duyệt phương án cổ phần hóa đến khi Ban chỉ đạo CPH ký Biên bản thỏa thuận với công ty Miền Bắc về số cổ phần và giá bán cổ phần được thực hiện trong thời gian ngắn: Quá trình này thực tế được thực hiện theo đúng quy định của điểm a, b khoản 1 Điều 8 Thông  tư 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/201.

Theo đó, pháp luật quy định rất rõ về thời hạn kể từ khi có phương án cổ phần hóa được duyệt, bao lâu thì Ban chỉ đạo cổ phần hóa và nhà đầu tư chiến lược phải thỏa thuận về giá và số lượng cổ phần được mua để báo cáo cơ quan nhà nước; thời hạn bao lâu thì doanh nghiệp cổ phần hóa phải ký hợp đồng với nhà đầu tư chiến lược khi có phê duyệt kết quả cổ phần hóa. Do vậy, việc Công ty Cổ phần In và Văn hóa phẩm và Công ty Miền Bắc khẩn trương thực hiện việc thỏa thuận giá, báo cáo Bộ VHTT và DL phê duyệt kết quả và ký hợp đồng là điều hoàn toàn dễ hiểu và phù hợp với quy định pháp luật mà không có sự ưu ái tại đây.

Quá trình CPH tạo điều kiện cho Văn Phú Invest dễ dàng thực hiện dự án?

Cuối năm 2014, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Huỳnh Vĩnh Ái ký Quyết định số 4231/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án CPH Công ty TNHH MTV In và Văn hóa phẩm, bán toàn bộ vốn Nhà nước tại đây và đổi tên thành Công ty CP In và Văn hóa phẩm.

Tuy nhiên, 10 ngày sau khi công bố thông tin CPH, đến ngày 22/12/2014, chỉ duy nhất một nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Thương mại miền Bắc. Ngày 8/1/2015, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái tiếp tục ký quyết định phê duyệt mức giá bán cho nhà đầu tư chiến lược là 10.025 đồng/cổ phiếu (chỉ cao hơn 25 đồng so với giá khởi điểm đưa ra).

Nhờ đó, Công ty CP Thương mại miền Bắc chỉ phải chi gần 34 tỷ đồng để sở hữu khu đất "vàng" tại 83 Hào Nam và hàng loạt mảnh đất khác. Trong khi đó, khảo sát thị trường bất động sản khu vực Hào Nam, giá đất mặt đường lớn dao động khoảng 200 triệu đồng/m2. Khu đất này theo giá thị trường có thời điểm lên tới hơn 1.300 tỷ đồng, chưa kể các lô đất tại vị trí khác thuộc quyền quản lý của công ty.

Mặc dù nắm trong tay nhiều lô đất vàng và đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, song các lô đất của Công ty In và Văn hoá phẩm đều không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá. Việc này dù không trái quy định tại Nghị định 59/2011 (đất thuê trả tiền hàng năm không tính vào giá trị doanh nghiệp), nhưng ngầm cho thấy có dấu hiệu thất thoát tài sản nhà nước ở đây?

Phía Văn Phú Invest  lên tiếng cho rằng không có việc “Công ty CP Thương mại miền Bắc chỉ phải chi gần 34 tỷ đồng để sở hữu khu đất "vàng" tại 83 Hào Nam và hàng loạt mảnh đất khác” như phóng viên đề cập. Đây là số tiền mà Công ty Miền Bắc sở hữu 46,77% vốn điều lệ của Công ty In và Văn hóa phẩm, và Công ty Miền Bắc (sau này là Văn Phú – Invest) chỉ là 1 trong các cổ đông sở hữu, không phải là cổ đông có quyền biểu quyết tuyệt đối đối với các hoạt động của công ty. Việc quyết định đầu tư dự án tại 83 Hào Nam là do cổ đông của Công ty In và Văn hóa phẩm quyết định và trong đó Văn Phú – Invest chỉ là một trong các cổ đông.

Việc Công ty Miền Bắc và sau này là Công ty Văn Phú Invest tham gia cổ phần hóa công ty In Văn hóa Phẩm mới chỉ dừng ở mức giành được quyền phát triển dự án. Sau đây, doanh nghiệp phát triển dự án còn phải trả toàn bộ khoản tiền chuyển mục đích sử dụng đất nhiều trăm tỷ cho ngân sách nhà nước (với giá chuyển mục đích theo giá thị trường và phụ thuộc vào quy hoạch sử dụng đất mới được duyệt) mới đủ điều kiện triển khai dự án.

“Ngoài khoản tiền trên, Công ty Miền Bắc và sau này là Công ty Văn Phú - Invest thông qua việc góp vốn đầu tư vào Công ty In và Văn hóa phẩm đã trả tiền đấu giá, chi thêm nhiều khoản tiền hỗ trợ cán bộ công nhân viên chuyển việc và di dời nhà máy, tiền đầu tư xây dựng, thực hiện dự án,... Nếu tính tổng số vốn đầu tư ra, công sức và thời gian 3 năm hiện vẫn chưa thể thu hồi vốn vì còn nhiều thủ tục đầu tư. Như vậy, việc cho rằng, “chỉ với 34 tỷ đồng bỏ ra để sở hữu mảnh đất “vàng” 83 Hào Nam và các mảnh đất khác” cũng như cho rằng “quá trình CPH đã tạo điều kiện cho Văn Phú Invest dễ dàng tạo bước đà để thực hiện dự án Sapphire Tower tại 83 Hào Nam” hoàn toàn không chính xác”., Văn Phú Invest nhấn mạnh.

Theo thông tin PV nắm được, đề xuất dự án thương mại hỗn hợp tại 83 Hào Nam đã được Bộ VHTTDL chấp thuận từ giữa năm 2012, tức là 2 năm trước khi Công ty In và Văn hoá phẩm được cổ phần hoá. Song doanh nghiệp này không chuyển trạng thái thuê đất thành trả tiền một lần hoặc giao đất (tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá), mà lựa chọn phương thức trả tiền thuê đất hàng năm. Nhà đầu tư tư nhân bởi vậy được hưởng toàn bộ lợi tức chênh lệch giá trị đất sau khi thâu tóm thành công với cái giá rẻ mạt. Trước những dấu hiệu bất thường từ việc CPH và sử dụng đất vàng tại địa chỉ 83 Hào Nam cũng đang khiến dư luận đặt ra câu hỏi về việc có hay không việc thất thoát tài sản nhà nước?
DiaOcOnline.vn theo An Ninh Tiền Tệ