Theo cảnh báo của các chuyên gia, nếu không quản lý tốt, mở rộng ngành nghề, nắm bắt thời cơ và tiếp cận thị trường quốc tế…, ngành xây dựng Việt Nam sẽ bị lạc hậu.
Các doanh nghiệp xây dựng trong nước hiện đang phụ thuộc lớn vào thị trường bất động sản
|
Lượng nhiều hơn chất
Thị trường bất động sản, xây dựng đang phát triển mạnh, nhu cầu làm nhà xưởng, xây dựng nhà ở, hạ tầng là rất lớn, giúp nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng có kết quả kinh doanh khả quan trong những năm gần đây.
Đơn cử, nếu trong năm 2013, doanh thu của Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) chỉ đạt hơn 4.700 tỷ đồng, thì đến năm 2016, con số này đã tăng lên gần 11.500 tỷ và năm 2017 đã chạm mốc 18.000 tỷ đồng; lợi nhuận đạt hơn 900 tỷ đồng.
Theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng những năm qua là 3,4%, được xem là tốc độ tăng trưởng nhanh, gấp đôi tốc độ tăng trưởng dân số bình quân của Việt Nam. Trong thời gian tới, với việc dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam, khách du lịch gia tăng mạnh, kéo theo đó là nhu cầu làm nhà xưởng, khách sạn, đầu tư hạ tầng giao thông sẽ tăng cao..., nên ngành xây dựng Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn.
Có cái nhìn tương tự, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam cho biết, từ năm 2000 trở lại đây, nhóm dân dụng và xây dựng phát triển khá ấn tượng do tốc độ đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ. Với tốc độ đô thị hoá hiện tại và đặc biệt, Nhà nước đang dành nhiều ưu tiên cho chiến lược đầu tư hàng loạt công trình giao thông, các công ty xây dựng sẽ tiếp tục bước vào giai đoạn cạnh tranh "nóng" để cùng chia phần "chiếc bánh" lớn này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù thị trường xây dựng Việt Nam phát triển mạnh, nhưng số lượng nhà thầu trong nước thi công được các công trình có mức độ phức tạp và yêu cầu kỹ thuật cao vẫn rất hạn chế.
Ông Dương Văn Cận, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã tăng nhanh về số lượng trong những năm gần đây, nhưng những doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật cao, thi công được các công trình có mức độ phức tạp chưa nhiều.
“Phần lớn các doanh nghiệp, nhà thầu Việt Nam vẫn có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính chưa mạnh. Khi triển khai dự án, các nhà thầu dều phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao. Điều này sẽ gây khó khăn khi nhà thầu bị chậm thanh toán hay tình trạng nợ đọng đang khá phổ biến trong hoạt động xây dựng cơ bản ở nước ta hiện nay”, ông Cận cho biết.
Cần bước tiến lớn
Dự báo về tương lai của ngành xây dựng trong nước, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT HBC, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho rằng, nếu chỉ làm xây dựng những dự án trong nước mà không đưa nguồn lực ra nước ngoài, không tiếp cận thị trường quốc tế, thì xây dựng Việt Nam có nguy cơ bị lạc hậu.
“Không thể chờ thị trường trong nước bão hòa rồi mới ra nước ngoài, mà doanh nghiệp xây dựng phải chủ động. Nguy cơ lạc hậu cần phải lưu ý, nguy cơ giai đoạn thoái trào, biến động khủng hoảng cũng cần suy nghĩ”, ông Hải cho biết.
Cùng quan điểm, PGS. Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, phải làm sao để ngành xây dựng Việt Nam vươn ra nước ngoài, chứ không thể cứ mãi quẩn quanh với những công trình trong nước, bởi nếu thị trường bất động sản trong nước đóng băng, thì ngành xây dựng cũng sẽ suy trầm.
Theo ông Hiệp, để có thể vươn ra thị trường quốc tế, cần phải có thời gian và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chứ không phải nói một cái là đi được ngay. Hơn nữa, đa số nhân công Việt Nam đều không biết tiếng Anh, sẽ rất phức tạp nếu làm việc ở môi trường quốc tế, bởi lại phải mất 1 đoàn phiên dịch ở công trường.
“Để giúp doanh nghiệp ngành xây dựng vững vàng ra biển lớn, Nhà nước phải ưu tiên, định hướng bằng cơ chế đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Hiệp nói.
Phân tích thêm về thị trường quốc tế, ông Hải cho biết, tổng doanh thu ngành xây dựng trên thế giới hiện khoảng 11.000 tỷ USD. Nếu các nhà thầu trong nước ra nước ngoài làm ăn đem về được 1% trong tổng doanh thu này cũng lớn hơn trong nước nhiều lần.
Trong khi đó, giá thành ở nước ngoài lên đến 2.000 USD/m2 sàn xây dựng, nhưng ở Việt Nam với chất lượng tương đương chỉ 500 USD/m2, cao cấp hơn nữa thì 1.200 USD. Với nguồn lực khai thác hợp lý sẽ cạnh tranh được về giá thành khi nhiều doanh nghiệp nội hiện không thua kém doanh nghiệp nước ngoài ở các công trình xây dựng cao tầng.
“Các nhà thầu Việt cần nâng cao uy tín, năng lực và cần có chiến lược xây dựng, bảo vệ thương hiệu rõ ràng để nâng cao khả năng cạnh tranh đối với các nhà thầu ngoại”, ông Hải nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: