Top

Một giấy nhà, đất: Sao cho dễ thực hiện!

Cập nhật 30/05/2009 10:30

Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân sẽ chủ động đăng ký các tài sản gắn liền với đất đó.

Sáng qua (29-5), Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến các luật về đầu tư xây dựng cơ bản. Với phần sửa đổi Luật Đất đai và Luật Nhà ở liên quan đến gộp giấy đỏ, giấy hồng, đa số ý kiến đồng tình với đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) rằng “phải làm kiên quyết cho được một giấy, bởi người dân bức xúc lắm rồi”.

Ghi tất tần tật sẽ rối

Về phạm vi cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu đối với tài sản gắn liền với đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết: Có ý kiến cho rằng việc cấp GCN đối với quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất (ngoài nhà ở) là quá rộng, không khả thi, đề nghị chỉ nên thực hiện việc cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Nhưng cũng có ý kiến khác đề nghị cấp GCN quyền sở hữu cho cả công trình xây dựng, cây lâu năm, rừng.

Ý kiến chính thức Ủy ban Kinh tế, theo ông Hiền là Luật Đất đai hiện hành (Điều 48) đã quy định việc cấp GCN quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (gồm nhà ở, công trình xây dựng, cây lâu năm, rừng). Việc cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không bắt buộc, chỉ cấp khi chủ sở hữu có yêu cầu và khi cấp thì cần phải thống nhất trong một loại giấy. “Giấy chỉ nên ghi “cứng” quyền sử dụng đất thôi, còn các tài sản hợp pháp gắn liền với đất thì đương nhiên được nhà nước bảo hộ. Các tài sản này chỉ ghi vào giấy khi người dân có nhu cầu và chỉ cần đến đăng ký” - ông Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) đồng tình.

Là người đã được tham khảo mẫu giấy cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chuẩn bị, ông Lê Ngọc Hân (Thanh Hóa) cho biết mẫu giấy này là quyển sổ gồm gần chục trang, quy định nhiều nội dung phức tạp, đến bản thân ông đọc cũng thấy khó hiểu. “Tôi đồng tình một giấy nhưng phải thiết kế đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với trình độ phổ thông của người dân” - ông Hân đề nghị. Ông Phùng Văn Toàn (Phú Thọ) cũng cho rằng “chỉ nên ghi quyền sử dụng đất và sở hữu nhà trên giấy đó thôi, chứ tài sản gắn liền với đất thì có nhiều loại và cũng khá phức tạp”.



Làm thủ tục nhà đất tại UBND quận Bình Thạnh. Ảnh: HTD


Thống nhất một đầu mối

Đối với cơ quan chuyên môn giúp việc làm đầu mối nhận hồ sơ và thực hiện các thủ tục cấp giấy, Luật Nhà ở giao cơ quan quản lý nhà ở thuộc UBND; Luật Đất đai giao văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc cơ quan quản lý đất đai. Ngoài ra, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh còn được UBND cùng cấp ủy quyền cấp GCN quyền sử dụng đất. Nay theo phương án của Chính phủ trình, cơ quan làm đầu mối cấp giấy sẽ là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc cơ quan quản lý đất đai ở địa phương).

“Ủy ban Kinh tế tán thành việc giao văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất làm đầu mối và đề nghị văn phòng này vẫn đặt tại cơ quan quản lý đất đai ở địa phương như quy định của Luật Đất đai hiện hành. Tuy nhiên, cần cân nhắc về tên gọi để thể hiện đầy đủ chức năng đầu mối làm thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” - ông Hà Văn Hiền nói.

Phần lớn các ý kiến đồng tình với quan điểm này.

TS Trần Du Lịch (TP.HCM): Không sửa thì dân còn khổ

Nghị quyết 07/2007 của Quốc hội đã thống nhất gộp giấy đỏ, giấy hồng thành một giấy trên nền tảng Luật Đất đai. Từ đó đến nay người dân vẫn chờ, trong khi các cơ quan Chính phủ “cãi nhau” có sửa luật hay không. Nếu không sửa thì dân còn khổ. Về lâu dài, nhà nước chỉ nên cấp GCN quyền sử dụng đất vì đất đai là sở hữu toàn dân, còn tài sản của người dân trên mảnh đất đó không có lý gì phải quản lý.

Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM): Dân phải chờ vì các bộ mải “cãi nhau”...


Năm 2003 đã thống nhất cấp một giấy trên cả nước. Vậy mà sáu năm qua, người dân vẫn phải chờ do các bộ còn mải “cãi nhau”. Kỳ này phải làm kiên quyết cho được một giấy, bởi người dân bức xúc lắm rồi, không thể kéo dài được nữa

Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên: “N” giấy sẽ chỉ còn một giấy

Loại giấy mới sẽ chứa tất cả thông tin về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cũng như các biến động về quyền sử dụng đất, tài sản gắn với đất. Như vậy, thay vì một mảnh đất có tới bốn, năm, thậm chí chín loại giấy, thì tới đây sẽ là “n trong một”.

Bộ cũng đang tính phương án tích hợp thông tin về đất đai và tài sản trên đất vào một loại thẻ, như kinh nghiệm nhiều nước. Dự kiến đến 2015 có thể thí điểm ở một vài tỉnh, thành.