Top

Chỉ định thầu tốt còn hơn đấu thầu giả tạo

Cập nhật 30/05/2009 08:25

Có 1.001 kiểu tiêu cực trong đấu thầu nên cần phải “xuống thang” cho chỉ định thầu rồi tăng cường giám sát.

Hôm qua (29-5), các đại biểu Quốc Hội thảo luận về nội dung sửa đổi một số điều của bốn luật (Xây dựng, Đấu thầu, Bảo vệ môi trường, Doanh nghiệp) liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó nội dung được quan tâm cho ý kiến là công tác đấu thầu.

Do quy định hiện hành liên quan đến đấu thầu có quá nhiều thủ tục nhiêu khê, phức tạp, làm chậm quá trình triển khai dự án nên Chính phủ đề nghị sửa luật theo hướng giao Chính phủ quy định hạn mức về giá trị gói thầu được chỉ định và các trường hợp đặc biệt khác được chỉ định thầu. Ủy ban Kinh tế cho rằng, về lâu dài thì cần tiến tới đấu thầu rộng rãi, hạn chế chỉ định thầu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay công tác đấu thầu rất phức tạp và nhiều trường hợp tiêu cực làm mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. “Giám sát cho thấy có trường hợp do phải đấu thầu nên dự án chậm được triển khai và tổng mức đầu tư vượt hàng trăm triệu USD. Đặc biệt trong tình hình cần đẩy mạnh kích cầu đầu tư như hiện nay thì việc giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu nhằm linh hoạt hơn là cần thiết” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho hay.

Theo đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), về nguyên lý thì đấu thầu cạnh tranh là tốt. “Nhưng trong xã hội ta có 1.001 kiểu tiêu cực, người ta đi đêm đi hôm, sắp đặt quân đỏ quân xanh, các anh thầu thông đồng với nhau nộp nhiều hồ sơ thầu nhưng rút dần ra cho một anh trúng, có anh không đủ năng lực cũng làm chủ đầu tư... Thôi thì trong điều kiện như vậy, Quốc Hội phải “xuống thang” cho chỉ định thầu. Chỉ định thầu tốt, giám sát tốt còn hơn là đấu thầu giả tạo” - ông Cuông nói.

Một nội dung còn gây tranh cãi là việc giao cho ai ban hành và công bố định mức, chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật: Cơ quan nhà nước hay tổ chức xã hội-nghề nghiệp? Quan điểm của Ủy ban Kinh tế cho rằng việc này là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chưa nên giao cho các tổ chức xã hội-nghề nghiệp.

Đồng tình, đại biểu Phùng Văn Toàn phân tích: Trong điều kiện nước ta, chất lượng các tổ chức này rất khác nhau. Ở các TP lớn thì các tổ chức này hoạt động tốt, thu hút được nhiều chất xám nhưng ở những nơi khác thì hoạt động khó. Vì vậy, nên quy định theo hướng mở để các tổ chức này tham gia vừa phối hợp với cơ quan nhà nước, vừa giám sát, phản biện những quy định mà cơ quan nhà nước đưa ra.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Cuông lại nghĩ khác: Nên giao việc này cho các tổ chức xã hội, ví dụ như Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật, vì ở đó tập trung được nhiều chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm, thời gian và tâm huyết để làm. “Phải cạnh tranh giữa “anh” nhà nước và “anh” bên ngoài, xem anh nào nhanh hơn, rẻ hơn, chính xác hơn. Ở nước ngoài những dịch vụ công dạng này người ta thường giao cho các tổ chức xã hội”- ông Cuông cho biết.