Hàng ngàn hộ dân ĐBSCL gánh chịu họa sạt lở, đang nằm trong vành đai sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào. Từng giờ, từng ngày, họ mong mỏi Nhà nước thực hiện lời hứa: Trích ngân sách dự phòng để thực hiện các công trình chống sạt lở cấp bách ở ĐBSCL.
Sạt lở tại tổ 2, khóm 1, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) khiến 7 hộ dân phải di dời khẩn cấp ra thuê trọ. Ảnh: TRẦN TUẤN
|
Bỗng dưng “vô gia cư”
Vẻ mặt bần thần vừa từ nhà trọ chạy về trông coi đồ đạc, tài sản trong nhà chưa kịp chuyển hết sau vụ sạt lở hôm 8.5, chị Huỳnh Thị Kim Phượng (50 tuổi, trú tổ 2, khóm 1, phường Thành Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long - nhà bên bờ sông Hậu) buồn bã nói: “Khổ quá, đang yên đang lành, bỗng dưng phải ra thuê trọ tháng 2 triệu. Mà phòng trọ chật chội, nóng nực chịu không nổi”. Theo lời chị Phượng, khoảng 6h sáng 8.5, khi chị đang đi chợ thì nhận được điện thoại của chồng báo vừa sạt lở lớn vào tận thềm nhà. Thế là chị hớt hơ hớt hải chạy về dọn đồ để chạy nạn mấy hôm mà vẫn chưa xong.
Chị Phượng rưng rưng kể, gia đình có 4 người, không có công ăn việc làm. Chị hàng ngày đi bán lẻ ở chợ, tích cóp nhiều năm mới được hơn 100 triệu đồng để sửa nhà. Vừa sửa xong chưa được 2 tháng thì xảy ra sạt lở. Giờ nhà vẫn nằm đó nhưng chính quyền bảo không được ở vì nguy hiểm tính mạng, phải di dời khẩn cấp.
Liền kề là nhà bà Huỳnh Thị Hà (63 tuổi) cũng bỗng dưng trở thành “vô gia cư” sau vụ sạt lở đó. Bà Hà giọng xót xa: “Nhà thì vẫn còn đó mà sợ nó xuống sông bất cứ lúc nào nên chúng tôi phải ra thuê trọ. Muốn liều ở lại, chính quyền không cho”. Nói rồi bà Hà dẫn chúng tôi vào tận trong nhà xem những vết nứt xé trên tường sau vụ sạt lở. “Sáng nay (11.5) nó tiếp tục lở thêm 1 đoạn dài, ăn sâu thêm vào nhà 7 hộ chúng tôi. Định cư mấy đời ở đây rồi. Vậy mà, bỗng chốc thành vô gia cư, đau lắm” - bà Hà than thở. Về những nhà liền kề khác bị sạt lở, cửa đóng then cài - bà Hà thông tin “họ đã di dời đi thuê trọ rồi”. Rời khu vực sạt lở, chúng tôi thấy nhiều hộ liền kề đang chủ động đập bỏ bớt một phần mái che trước nhà để giảm thiểu trọng lượng với hy vọng hạn chế sạt lở bởi 1 đường nứt dài ngay trước thềm nhà đang ngày một hở rộng ra.
Bất an, lo sợ, vẫn phải liều
Những ngày giữa tháng 5 này, nhiều hộ dân thuộc ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang sống bên bờ sông Cái Côn vẫn phải bám trụ lại căn nhà nằm chới với bên sông sau vụ sạt lở lớn hôm 4.5 vừa qua. Ông Nguyễn Văn Ba (59 tuổi) mất hẳn phần mái che xuống sông, kể: “Hôm đó, tầm khoảng 2 giờ rưỡi sáng, nghe tiếng rắc rắc, cả xóm giật mình chạy ra khỏi nhà để giữ tính mạng thì chỉ ít phút sau, 1 mảng đất lớn, rộng gần chục mét, dài khoảng ba chục mét đổ ập xuống sông”. Hôm sau, cán bộ đến kiểm tra, bảo nên đập bỏ bớt một phần phòng khách để giảm trọng lượng, hạn chế sạt lở thêm nên ông Ba đập một nửa phòng khách, gạch vụn còn dồn lại 1 đống lớn ngay giữa nhà.
Lần sạt lở này, đối với hộ chị Nguyễn Thị Ngọc và hộ anh Nguyễn Văn Bình ở bên cạnh thì “không còn gì để mất”. Bởi, lần sạt lở trước, vào tháng 7.2017 cả 2 hộ đều mất nhà, phải di dời tìm nơi ở khác sau khi nhận hỗ trợ ban đầu mỗi hộ 5 triệu đồng, cùng với lời hứa từ chính quyền là sẽ được hỗ trợ thêm 20 triệu để tái định cư. Thế nhưng, sau gần 1 năm mất nhà, 2 hộ này vẫn chưa nhận 20 triệu như đã hứa. Đang đi giúp việc thuê, được hàng xóm báo tin có nhà báo về ghi nhận tình hình sạt lở, chị Ngọc chạy vội về giọng chua xót: “Khổ lắm. Gần 1 năm qua, tui phải đi ở nhờ nhà bà con. Cái bàn thờ của chồng cũng phải gửi sang nhà hàng xóm”.
Anh Nguyễn Văn Đua (35 tuổi) nhà vừa bị ảnh hưởng nặng do sạt lở, nứt vào tận hiên kể rằng, sau hôm sạt lở, lãnh đạo huyện, tỉnh có về kiểm tra nhưng cũng chưa nói gì đến việc phải di dời, hay bao giờ sẽ kè bờ sông chống sạt lở. “Chúng tôi mong nhà nước kè kiên cố bờ sông để tránh sạt lở tiếp, hoặc được di dời đến nơi ở mới. Chứ chỉ được 20 triệu thì không thể làm được nhà. Do vậy, chúng tôi buộc phải liều tiếp tục sống tại đây, dù luôn bất an, lo sợ” - anh Đua lo lắng.
Tại phường Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ, ngày 7.5 vừa qua cũng xảy ra 1 vụ sạt lở khiến nhà ông Nguyễn Văn Ni đổ hẳn xuống sông khi chưa kịp di chuyển tài sản ra ngoài. Rất may, mọi người trong nhà kịp thoát ra ngoài trước miệng hà bá. Hộ bà Đỗ Thị Cui ở bên cạnh, do sạt lở đe dọa, đã phải tháo dỡ nhà cửa, tài sản chạy nạn. Qua kiểm tra, chính quyền thông tin, có 17 hộ dân gần khu vực sạt lở bị đe dọa trực tiếp cần phải xem xét, tính đến phương án di dời, bởi đường nứt dài hơn 70 mét dọc bờ sông đang từng ngày, từng giờ đe dọa.
Sạt lở khiến nhà ông Ba bị hư hỏng nặng. Ảnh: TRẦN TUẤN
|
Trông chờ nguồn vốn để tái định cư khẩn cấp
Ông Trần Văn Tám - Phó chủ tịch UBND phường Thành Phước - thông tin, vụ sạt lở ở tổ 2, khóm 1 hôm 8.5 dài 40m, sâu 5m khiến 7 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Ngoài ra, khu vực này đã xuất hiện vết nứt dài 230m ảnh hưởng đến 52 hộ dân liền kề dọc bờ sông. Ông Tám còn cho biết, hồi giữa năm 2017, tại khóm 3 của phường này xảy ra vụ sạt lở lớn khiến hơn 30 hộ dân phải di dời đến nơi tái định cư. Khu vực sạt lở đó hiện vẫn đang tiếp tục sạt lở thêm nhưng chưa có dự án kè bờ sông.
“Chúng tôi vẫn đang chờ chỉ đạo của cấp trên về phương án hỗ trợ, tái định cư đối với 7 hộ dân ở khóm 1 vừa phải di dời khẩn cấp. Để hạn chế sạt lở tiếp tục đe dọa các hộ khác thì cần phải kè bờ sông. Vừa rồi, tôi xem thông tin thấy Thủ tướng đồng ý trích ngân sách chống sạt lở những điểm cấp bách cho ĐBSCL. Hy vọng nguồn vốn này sớm được trích một phần thực hiện dự án kè chống lở và tái định cư cho địa phương” - ông Tám kỳ vọng.
Ông Trần Thanh Phong - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mái Dầm - thông tin, vụ sạt lở hôm 4.5 ở ấp Phú Thạnh dài 28m, sâu 7m ảnh hưởng đến 5 hộ dân. Trước đó, vào năm 2017, khu vực này cũng xảy ra sạt lở ảnh hưởng đến 9 hộ. “Cả khu vực dọc bờ sông với 132 hộ dân đều nằm trong diện nguy cơ sạt lở cao, cần phải di dời. Từ nhiều năm nay, chính quyền đã đề nghị di dời toàn bộ các hộ dân ở đó đến nơi an toàn, nhưng do chưa có vốn nên chưa triển khai được” - ông Phong chia sẻ.
Ông Phong cũng xác nhận, đúng là có 2 hộ dân bị mất nhà do sạt lở từ năm 2017 ở ấp Phú Thanh đã được chính quyền thị trấn làm hồ sơ để được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ theo quyết định 1776 của Chính phủ, nhưng đến nay vẫn chưa được nhận tiền, lãnh đạo huyện Châu Thành nói rằng, đang chờ tỉnh cấp kinh phí. “Đúng là những hộ phải di dời mà được hỗ trợ 20 triệu thì không thể đủ làm nhà. Đó cũng là lý do hiện nay nhiều hộ thuộc diện phải di dời nhưng họ không đi mà chấp nhận nguy hiểm bám trụ lại tại vùng sạt lở” - ông Phong cho biết.
Ngày 9.5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL về tình hình sạt lở. Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, ĐBSCL hiện có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 149km cần xử lý cấp bách với nguồn kinh phí khoảng 6.990 tỉ đồng. Thủ tướng cho rằng, sau khi có Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, đã bố trí kế hoạch vốn trung hạn, để xử lý trước mắt 17/42 vị trí đặc biệt nguy hiểm. Còn lại 25 điểm đặc biệt nguy hiểm cần giải quyết bổ sung ngân sách để hỗ trợ theo cơ chế chống thiên tai cấp bách. Thủ tướng quyết định bố trí bổ sung một khoản từ dự phòng ngân sách hỗ trợ cho các tỉnh ĐBSCL làm các công trình cấp bách, quan trọng và bố trí một khoản từ nguồn ODA để lập quỹ chống biến đổi khí hậu ĐBSCL. Bên cạnh đó, tìm các nguồn lực khác bổ sung vào quỹ này.
Đồng Tháp: Kiến nghị xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư để di dời khẩn cấp trên 2.400 hộ dân
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh bị sạt lở hơn 36km bờ sông, ăn sâu vào bờ từ 0,5 - 30m, tăng 8,3km so với cùng kỳ 2016. Số điểm đang sạt lở và có nguy cơ sạt lở là 66 điểm, tăng 10 điểm so với cùng kỳ 2016. Theo thống kê, sạt lở thường diễn ra ở những khu vực cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định.
Tính đến cuối năm 2017, các địa phương trên địa bàn Đồng Tháp đã di dời 258 hộ đến nơi an toàn. Mặc dù sạt lở chưa ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng thiệt hại về vật chất ước khoảng 30 tỉ đồng, tăng 19 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2016.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh kiến nghị bổ sung ngân sách trung ương cho tỉnh Đồng Tháp năm 2018 với số tiền 54,7 tỉ đồng để hoàn trả tạm ứng ngân sách tỉnh trong hỗ trợ các hộ dân di dời khẩn cấp đến nơi ở an toàn. Tỉnh cũng kiến nghị trung ương xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư để di dời khẩn cấp trên 2.400 hộ dân đang nằm trong vành đai sạt lở đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào. Kinh phí thực hiện khoảng 657 tỉ đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: