Top

Môi giới, kinh doanh bất động sản: Vẫn mạnh ai nấy làm, bất chấp quy định

Cập nhật 07/03/2016 11:23

Từ ngày 1/3 bắt buộc những người kinh doanh, môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề, tuy nhiên thực tế vẫn có nhiều người (làm nghề này) cho rằng, làm môi giới không cần học, đơn giản nó là thỏa thuận mua bán(?). Một số người được hỏi cũng thừa nhận việc thiếu chế tài, quy định khung việc khiến quy định này có cũng… như không!

Môi giới bất động sản được công nhận là một nghề (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Đ.A

Vẫn thích làm “cò bán nước bọt”

Kể từ ngày 16/2, theo Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng thì, người muốn hành nghề môi giới bất động sản (BĐS) phải thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề. Theo quy định của thông tư này, người dự thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS phải thi bắt buộc các nội dung như: kiến thức cơ sở, bao gồm pháp luật liên quan đến kinh doanh BĐS, thị trường BĐS, đầu tư BĐS, phòng chống rửa tiền trong kinh doanh BĐS và phần kiến thức chuyên môn, gồm tổng quan về dịch vụ môi trường BĐS, quy trình và kỹ năng môi giới BĐS, giải quyết tình huống trên thực tế… Thí sinh dự thi phải có đủ các điều kiện: Tốt nghiệp từ THPT trở lên; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không đang trong tình trạng chấp hành án phạt tù hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự...

Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy không phải ai trong số này cũng muốn làm nghề một cách nghiêm túc bằng cách đi học, thi để lấy chứng chỉ. Bà Nguyễn Thị Bình, đường Hoàng Công Chất, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, có tiếng ở con phố này là làm “cò nhà đất có duyên”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về việc đi học để thi lấy chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS một cách hợp pháp, bà vội xua tay: “Tôi làm môi giới nhà đất mấy chục năm, không giấy tờ gì vẫn rất có duyên với khách hàng. Có nhiều người từng nhờ tôi mua được một căn nhà sau đó có nhu cầu đổi nhà rộng hơn lại tìm đến. Làm nghề này cái chính là uy tín”.

Tuy nhiên, khi chúng tôi nói rõ về quy định bắt buộc phải có chứng chỉ mới được hành nghề môi giới một cách hợp pháp thì bà Bình miễn cưỡng: “Đến thời điểm hiện tại tôi vẫn chưa có mà cũng chưa thấy cần thiết, khi nào có người đến “gõ cửa” yêu cầu làm, tôi mới làm chắc cũng chẳng sao”. Không chỉ bà Bình mà rất nhiều người làm “cò” nhà đất tự phát cũng có suy nghĩ như vậy. Tuy nhiên, thông tin chúng tôi nhận được từ một số công ty lĩnh vực BĐS thì nhân viên của các công ty này đang được lãnh đạo sắp xếp theo từng nhóm đi học chứng chỉ môi giới BĐS.

Ông Nguyễn Huy Tưởng, Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Tưởng Phát cho biết: “Tôi rất vui khi có quy định này, tôi là người đầu tiên trong công ty có chứng chỉ. Nhân viên công ty tôi đều là những người gắn bó lâu năm nên khi có quy định bắt buộc những người làm nghề phải có chứng chỉ, tôi đã chia nhân viên thành 2 nhóm luân phiên nhau đi học”. Ông Tưởng cho rằng, trước đây môi giới BĐS không được công nhận là nghề, nhiều người làm nghề này bị gọi là “cò bán nước bọt”, bây giờ có quy định nghĩa là được công nhận, là một nghề thì không có lỳ do gì để không học. Tuy nhiên, những người suy nghĩ được như ông Tưởng không nhiều!

Nặng răn đe, nhẹ xử lý!

Theo các chuyên gia trong ngành, trước đây ai thích làm môi giới BĐS chỉ cần thuê một mặt bằng nhỏ, sau đó trưng bảng hiệu là đã có “văn phòng môi giới BĐS”. Công việc đơn giản là thỏa thuận mua bán và ăn phần trăm hoa hồng. Để bán được hàng, người hành nghề môi giới chỉ cần thuộc dự án để trình bày, dự án có bao nhiêu tòa, bao nhiêu tầng, giá cả thế nào... Hoạt động không chuyên nghiệp khiến thị trường BĐS trở nên méo mó với tình trạng đẩy giá lên quá cao, cung cấp thông tin sai lệch, phát sinh nhiều tranh chấp, thất thu thuế của Nhà nước…

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP xây dựng đầu tư phát triển Hải Phòng cho rằng: “Đây là quy định rất cần thiết trong quá trình phát triển của thị trường BĐS. Phần nào chấn chỉnh lại thị trường, lấy lại niềm tin từ người mua nhà. Xã hội vẫn nhìn người môi giới nhà đất là “cò”, làm nghề “buôn nước bọt” nhưng có quy định thì xác định đây là một nghề, chuyên nghiệp hóa loại dịch vụ này sẽ góp phần minh bạch hóa thị trường. Có nghề thì phải có chuyên môn, có kỹ năng thông qua đào tạo. Tất nhiên đây vẫn là bước đầu, để hoàn chỉnh nó còn nhiều bước nữa và cần phải có luật”.

Cũng theo ông Thành, yếu tố pháp lý xử lý hành vi vi phạm chưa đầy đủ và cũng chưa đủ mạnh để ngăn chặn hoặc xử lý theo tính chất là hình sự sẽ là hạn chế trong thị trường môi giới BĐS. Quy định này có tính chất khuyến khích động viên, đưa lực lượng này tham gia vào lĩnh vực BĐS một cách chuẩn hóa và chuyên nghiệp hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng: “Vấn đề cốt lỗi trong việc thực hiện cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS là chưa có quy định việc môi giới BĐS phải thông qua một đơn vị nào đó mà hiện tại vẫn đang theo cách làm việc giữa các cá nhân với nhau. Theo đó, tình trạng thất thoát thuế, thỏa thuận ngầm vẫn tồn tại. Hơn nữa, việc chưa có chế tài xử phạt đối với những môi giới BĐS không có chứng chỉ nên việc có chứng chỉ chưa thật sự có giá trị”.

Với quy định mới trên đây, nhân viên môi giới sẽ thực hiện mang tính chất tư vấn, định hướng và đảm bảo lợi ích pháp lý cho khách hàng về mặt mua bán. Thực hiện quy định này, hy vọng năm 2016 chất lượng nhân sự lĩnh vực BĐS sẽ được cải thiện.

Một dự án chỉ nên có một thông tin môi giới

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, trong một thời điểm, một dự án BĐS chỉ nên có một thông tin môi giới. Khi một đơn vị môi giới đã đăng ký môi giới sản phẩm này thì tất cả các đơn vị khác đều phải dừng lại thì nó mới đảm bảo BĐS minh bạch, không bị làm giá. Hiện nay là có rất nhiều kênh môi giới cho một sản phẩm nhưng không kênh nào là chính thức. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều giá cho một căn hộ, bất cập, nhưng luật không có quy định nói sai thì bỏ tù nên… xảy ra tình trạng kiện tụng, tranh chấp…



DiaOcOnline.vn - Theo Gia đình & Xã hội