Top

Thị trường nhà đất

Mọc như nấm, chết như rạ

Cập nhật 23/09/2012 08:15

Gần 200 sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội và TPHCM đã “mất tích” do ngưng hoạt động hoặc chuyển địa điểm khác mà không thông báo

“Lên đời” từ những điểm môi giới nhà đất nhỏ lẻ, có thời điểm các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) mọc như nấm sau mưa và tha hồ hốt bạc từ những dự án đua nhau mở bán, huy động vốn. Tuy nhiên, khi thị trường BĐS suy thoái thì thời hoàng kim dường như đã qua và các sàn BĐS hiện nay đang chết như rạ.

Đóng cửa, đổi nghề

Từng chạy theo phong trào sàn BĐS đạt chuẩn, sàn Neoland (trụ sở ở quận Tân Phú - TPHCM) cũng đã chạy vạy khắp nơi để có được “chứng nhận”. Tuy nhiên, giờ đây, sàn BĐS của công ty này chỉ còn là một văn phòng nhỏ đặt tại một dự án chung cư, nhân viên giao dịch thì chỉ còn vài người. Vị giám đốc của sàn này than thở: “Hiện chúng tôi chỉ xử lý các hợp đồng mua bán trước đây mà dự án chưa giao nhà chứ có sản phẩm đâu mà bán!”. Đó chỉ là một trong những hình ảnh hiện nay của các sàn BĐS được lập ra nhằm “chạy” chủ trương về Luật Kinh doanh BĐS, buộc các chủ dự án khi bán ra thị trường phải thông qua sàn.


Trong khi nhiều sàn giao dịch bất động sản của công ty môi giới đóng cửa thì sàn của các chủ đầu tư vẫn hoạt động tốt Ảnh: TẤN THẠNH

Một số sàn BĐS còn thê thảm hơn khi buộc phải đóng cửa, còn lãnh đạo thì đổi nghề. Điển hình như sàn BĐS N. tại quận 9 - TPHCM. Sau buổi khai trương hoành tráng cách đây chưa đầy một năm, sàn BĐS này đã đóng cửa hoạt động. Giám đốc sàn BĐS N. từng tự tin khi đại diện bán hàng cho nhiều dự án từ trong Nam ra ngoài Bắc. Trong ngày thanh lý hợp đồng thuê nhà để chuyển về bán văn phòng phẩm với vợ, ông tâm sự: “Thị trường BĐS gặp khó khăn trong thời gian dài, nhiều văn phòng nhà đất, sàn BĐS nợ đọng đối tác lên tới hàng tỉ đồng. Không thể duy trì hoạt động, nhiều trung tâm, văn phòng nhà đất phải đóng cửa như một giải pháp tốt nhất nếu không muốn thua lỗ thêm. Sàn của tôi đóng cửa sau khi đã cầm cự hơn một năm qua, nhân viên cứ rơi rụng dần...”.

Hiện đa phần sàn BĐS rơi vào cảnh “án binh bất động”, nhiều sàn treo biển cho thuê, bán phở, bán bia... Sàn BĐS T.P trên đường Đồng Đen, quận Tân Bình - TPHCM lọt thỏm trong những quán nhậu, qua thời kỳ sốt nóng của thị trường giờ chỉ còn lại tấm biển lớn treo cao trước cửa, còn phía dưới là tấm biển nhỏ với dòng chữ “Quần áo xuất khẩu đại hạ giá”. Chủ sàn BĐS TP cho biết: “Trước đây, sàn có hàng chục nhân viên được trải rộng ở tầng 1 lên đến cả tầng 2, làm không hết việc nhưng từ cuối năm 2011, chúng tôi phải giảm dần số nhân viên và nay chỉ còn hai vợ chồng. Gọi là mở cửa giao dịch chứ thực ra mấy tháng nay chỉ mở cửa để đấy”.

Vẫn tiếp tục đăng ký !

Trong báo cáo gửi UBND TPHCM, Sở Xây dựng nhìn nhận rằng hoạt động của các sàn BĐS trên địa bàn hiện vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Dù thị trường còn gặp khó khăn nhưng từ đầu năm đến nay, tại TPHCM tiếp tục có 26 sàn BĐS đăng ký hoạt động, nâng tổng số lên 414 sàn. Trong số đã đăng ký, hiện có 358 sàn BĐS hoạt động, 56 sàn ngưng hoạt động hoặc chuyển địa điểm khác mà không thông báo với các cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, các sàn BĐS chỉ phát triển mạnh về số lượng, chất lượng dịch vụ còn thấp. Hiện hoạt động của các sàn đang bị thả nổi, tình trạng giao dịch BĐS không thông qua sàn chiếm đến 50% số lượng giao dịch trên thị trường. Phần lớn các sàn BĐS do chủ đầu tư tự thành lập để bán sản phẩm của mình chưa đáp ứng đúng những yêu cầu về quản lý theo quy định...

Trong khi đó, theo báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội, có 122 trên tổng số 500 sàn BĐS không hoạt động tại TP và hơn 200 sàn BĐS không có bất kỳ giao dịch nào thành công. Phần còn lại chỉ thực hiện một vài giao dịch thành công. Trong 122 sàn ngừng hoạt động, nhiều sàn không tìm được địa chỉ, không tồn tại dù đăng ký kinh doanh vẫn còn.

Anh Lâm Hùng, giám đốc một sàn BĐS từng có văn phòng đạt chuẩn của Bộ Xây dựng tại Hà Nội, cho biết tùy vào quy mô, một sàn cần trung bình khoảng 300 – 400 triệu đồng/tháng để trang trải chi phí mặt bằng và lương nhân viên kinh doanh. Với chi phí hằng tháng như vậy và phần trăm hoa hồng được hưởng 2%- 3%/căn hộ, sàn BĐS cần có ít nhất khoảng 20 giao dịch thành công trong một tháng. Hiện nay, kiếm được 5-10 giao dịch căn hộ thành công trong một tháng là một ước mơ không dễ thực hiện .

Cả nước hiện có 913 sàn giao dịch BĐS đã đăng ký và hoạt động nhưng qua thống kê của Bộ Xây dựng, trong tổng số 557 sàn BĐS được kiểm tra, chỉ có 15% đủ điều kiện hoạt động và tương đối minh bạch.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động