Tham gia đấu thầu qua mạng, nhà thầu không cần đi lại để mua hồ sơ mời thầu. Ảnh: Đức Thanh |
Giảm thiểu chi phí giao dịch cho cả bên mời thầu và nhà thầu là lợi ích thấy ngay được từ hoạt động đấu thầu qua mạng.
UBND TP. Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam vừa được Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện thí điểm đấu thầu qua mạng đến hết năm 2013.
Thời gian tới, con số 600 nhà thầu, 1.700 bên mời thầu đã đăng ký tham gia đấu thầu điện tử được hưởng lợi từ cơ chế minh bạch, công khai của hình thức đấu thầu này sẽ tiếp tục được mở rộng, trước khi hình thức này được áp dụng rộng rãi vào năm 2015. Quan trọng hơn, sức ép từ yêu cầu thực hiện đầu thầu qua mạng sẽ buộc chủ đầu tư các dự án công khó thoái thác nghĩa vụ công khai và minh bạch hoạt động đấu thầu của mình.
Bà Nguyễn Thu Hiền, Trưởng ban Đấu thầu, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội cho biết, trong 2 năm thực hiện thí điểm trước (2010-2011), riêng Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội đã thực hiện đấu thầu qua mạng thành công 14 gói thầu. Năm 2012, con số này là 15 gói. “Với hình thức đấu thầu này, thông báo mời thầu, phát hành hồ sơ mời thầu được đăng tải cùng lúc trên hệ thống. Nhà thầu có thể truy cập hệ thống để biết kết quả ngay”, bà Hiền phân tích.
Như vậy, lợi ích đầu tiên được tính đến, đó là nhà thầu không cần đi lại để mua hồ sơ mời thầu và nộp hồ sơ dự thầu. Có nghĩa là, những rủi ro và cả chi phí đi lại, giao dịch ngoài luồng thường phát sinh khi mua hồ sơ, giảm đi đáng kể.
Đặc biệt, theo bà Hiền, hệ thống đấu thầu điện tử có thể tự động hóa các quy trình đấu thầu bắt buộc, do đó, cả bên mời thầu và nhà thầu không thể can thiệp vào quy trình này như cách làm truyền thống. Sự tiếp xúc, trao đổi trực tiếp giữa bên mời thầu và nhà thầu cũng giảm đi đáng kể, đảm bảo công tác bảo mật trong xét thầu.
Ông Phan Đức Học, Giám đốc Ban quản lý Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng TP. Thái Bình (Thái Bình) cho biết, với gói thầu san nền trị giá 30 tỷ đồng vừa được thực hiện đấu thầu qua mạng, Ban quản lý chỉ mất có 16 ngày để lựa chọn nhà thầu từ 3 đơn vị đăng ký.
“Gọn nhẹ cho nhà thầu. Bên mời thầu cũng không phải tổ chức mở thầu rình rang. Hồ sơ lữu trữ nhẹ nhàng hơn rất nhiều”, ông Học hài lòng với kết quả thu được.
Rõ ràng, ngân sách nhà nước cũng hưởng lợi lớn, bởi theo tính toán của một số quốc gia như Hàn Quốc, Singapore, chi phí từ việc áp dụng đấu thầu qua mạng tiết kiệm từ 3-20% giá trị gói thầu so với hình thức đấu thầu truyền thống.
Tuy nhiên, điều kiện đủ để hoàn tất quá trình áp dụng rộng rãi đấu thầu qua mạng lại đang gặp không ít khó khăn. Hiện tại, hạ tầng mạng và trình độ công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, cũng như cơ quan quản lý nhà nước chưa đồng đều, chưa đáp ứng đủ yêu cầu đấu thầu qua mạng.
Hơn thế, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận, đấu thầu qua mạng có thể ảnh hưởng tới quyền quyết định, quyền lợi cục bộ của một số cá nhân. Do đó, một số người không nhiệt tình tham gia, hoặc viện những lý do khó khăn về công nghệ thông tin để chậm trễ việc triển khai. Một số chủ đầu tư sẽ ngần ngại thực hiện do mất đi những lợi ích nhất định. “Quan điểm của chúng tôi là, hạ tầng kỹ thuật có thể hoàn thiện dần, song khó khăn đến từ nhận thức chưa thông suốt từ các bộ, ngành, chủ đầu tư mới thực sự là rào cản lớn”, ông Tăng nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: