Tại những vùng bị thu hồi đất làm dự án ở Long An hiện nay, đội quân nông dân thất nghiệp ngày càng đông do không còn đất sản xuất và tiền đền bù giải tỏa đã tiêu xài hết.
Đến xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc - Long An vào những ngày tháng 4 này, chúng tôi không còn thấy cảnh nông dân chuẩn bị vật tư cho vụ hè thu hay tất bật nuôi trồng thủy sản như trước nữa. Bởi, tại đây đã có trên 1.800 ha đất nông nghiệp được quy hoạch chuyển giao xây dựng hạ tầng công nghiệp, sân golf và các khu đô thị sinh thái. Hàng ngàn nông dân giờ không còn kiếm sống được bằng nghề trồng lúa, nuôi tôm cá... ngay trên mảnh đất cha ông mình để lại.
Đất hẹp, người đông, dự án nhiều
Tại Long An, huyện Cần Giuộc được xem là điển hình của việc đất hẹp, người đông, dự án nhiều. Cần Giuộc - một trong những huyện có mật độ dân số cao nhất Long An, bình quân 788 người/km2, cao gấp 2,5 lần so với mật độ bình quân của tỉnh, gấp 3 lần so với cả nước. Đã vậy, Cần Giuộc cũng là một trong những huyện có nhiều dự án nhất của tỉnh Long An.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2010, tại huyện này sẽ triển khai cùng lúc 50 dự án với tổng diện tích trên 6.000 ha. Chưa dừng lại ở đó, hiện Cần Giuộc vẫn đang tiếp tục xin UBND tỉnh Long An cho phép điều chỉnh bổ sung quy hoạch sử dụng đất thêm 2.490 ha nữa để thực hiện những dự án đô thị, nhằm mục đích đến năm 2020 huyện này trở thành một “trung tâm công nghiệp, đô thị lớn”.
Mục tiêu là vậy, nhưng Cần Giuộc hiện chưa giải được bài toán một khi đô thị hóa thì hàng chục vạn nông dân phải sống ra sao. Trong khi đó, biểu hiện nhà đầu tư xin dự án nhằm để dành đất ngày càng rõ ràng. Cần Giuộc hiện là địa phương có nhiều dự án “xé rào” nhất ở Long An, do chưa được phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch mà đã triển khai thực hiện, gây bức xúc cho người dân địa phương. Điều đáng nói là ở những dự án “xé rào” này đều chiếm dụng hàng trăm hecta, thậm chí lên đến gần 2.000 ha đất trồng lúa. Chẳng hạn, chỉ dự án khu dân cư - công nghiệp - cảng ở Cần Giuộc đã chiếm đến 1.935 ha đất.
Nỗi khổ tái định cư
Có mặt tại ấp 5, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, chúng tôi mới tận mắt chứng kiến nỗi khó khăn của nông dân bị thu hồi đất làm khu công nghiệp (KCN). Một tấm biển to đùng vẽ chi tiết dự án KCN đã gỉ sét, không còn đọc được chữ nữa như minh chứng cho việc dự án này đã “treo” trong một thời gian khá dài. Theo người dân địa phương, dự án KCN tại ấp 5, xã An Nhựt Tân được tỉnh phê duyệt từ năm 2002, chủ đầu tư là Công ty Thép Long An, song công ty này không triển khai mà đến năm 2007 giao lại cho Công ty Hào Vương.
Thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp tấm biển vẽ chi tiết dự án KCN, một thanh niên vội đi đến, nói lớn: “Bà con chúng tôi rất bức xúc về KCN này. Từ khi tấm biển được dựng lên, cuộc sống chúng tôi bị xáo trộn hoàn toàn. Đã 6 năm rồi, chúng tôi có thấy nhà máy, xí nghiệp nào mọc lên đâu? Đã vậy, tỉnh còn cho mở rộng dự án từ 119 ha lên 200 ha, đẩy thêm hàng trăm hộ nông dân ra khỏi ruộng đồng, không biết làm gì để sống”.
Một nhóm người đang dời đồ đạc trong nhà ra khỏi khu quy hoạch, thấy chúng tôi cũng xúm lại than phiền. Ông Dương Văn Non phàn nàn: “Khổ lắm, cứ làm dự án thế này, bà con nông dân chúng tôi mất mười nhưng nhận lại chưa được một. Hiện chúng tôi đang phải tự tìm đất cất nhà vì chưa biết được tái định cư ra sao”.
Theo ông Non, một công đất của người dân tại đây cặp Tỉnh lộ 832 chỉ được đền bù tối đa 110 triệu đồng, trong khi đó giá thực tế thấp nhất cũng 400 triệu đồng. Cách Tỉnh lộ 832 chừng 50 m, giá đền bù giảm dần từ 90 triệu đồng xuống còn 40 triệu đồng/công đất. Trong khi đó, một nền đất tái định cư chỉ rộng 80 m2 (5 m x 16 m) cho người dân có nhà, đất bị quy hoạch giải tỏa được nhà đầu tư bán đến 70 triệu đồng. “Nhiều hộ nông dân nhận tiền đền bù một công đất không mua đủ một cái nền để tái định cư. Làm dự án, làm KCN mà để người dân khổ như thế này thì còn ý nghĩa gì? Chi bằng giữ nguyên cánh đồng lúa ngày nào, chúng tôi thấy còn tốt hơn nhiều”- ông Non bộc bạch.
Không nghề nghiệp, núi tiền cũng hết
Đến xã Long Hậu, chúng tôi hỏi nhiều thanh niên về dự định tương lai của họ một khi không còn gắn với ruộng đồng nữa. Phần lớn đều thẫn thờ nói chỉ biết phó mặc cho thời gian đưa đẩy tới đâu thì tới. Cũng có một số người hy vọng sẽ được tuyển dụng vào làm việc tại các KCN, sân golf, khu đô thị sinh thái... Thậm chí, có thanh niên tỏ vẻ rất lạc quan: “Mai này khi sân golf ở Long Hậu đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ được tuyển vào đó chăm sóc cỏ vì chính quyền địa phương đã từng nói một sân golf cần đến 1.000 lao động làm mỗi một việc là bảo vệ thảm cỏ. Việc này chúng tôi thấy dễ làm, không cần phải qua học hành gì”.
Tuy nhiên, những người lớn tuổi thì dè dặt hơn: “Chúng tôi thấy không yên tâm chút nào. Giờ đây đất trồng lúa, nuôi heo, thả cá không còn, bà con nông dân chưa biết sống bằng cách gì đây”. Bà Nguyễn Thị Nương lo lắng: “Nếu bảo vào KCN làm công nhân thì chỉ có những người trẻ, lớn tuổi như tôi ai nhận làm gì, có nhận cũng không đủ sức khỏe để làm. Khi người dân chúng tôi bị thu hồi đất, nhà đầu tư đưa một cọc tiền, song không nghề nghiệp thì có ôm cả núi tiền cũng sẽ hết”.
“Lạm phát” dự án
Ông Ngô Hải Phong, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, nhận xét Long An hiện đang lâm vào cảnh “lạm phát” những dự án vô bổ. Chỉ tính 13 dự án sân golf và 12 dự án khu đô thị sinh thái tại Long An đã ngốn hết của nông dân trên 13.000 ha đất trồng lúa, đẩy hàng ngàn người ra khỏi ruộng đồng. “Gần ta, Philippines đang lâm vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng cũng chính vì lấy quá nhiều đất nông nghiệp làm sân golf, làm khu đô thị sinh thái. Đây là bài học mà tỉnh Long An cần xem xét rút kinh nghiệm trong thời điểm hiện nay. Tôi không hiểu tại sao khi phê duyệt dự án, UBND tỉnh không sớm nhận ra những hệ lụy của việc lấy quá nhiều đất nông nghiệp để làm những việc mà nông dân không hề được hưởng lợi?” - ông Phong băn khoăn.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: