Top

Giá đất quá cao, nhà đầu tư nản chí

Cập nhật 22/04/2008 15:00

Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay cả nước đã có 8.737 dự án đầu tư vào thị trường bất động sản du lịch với tổng số vốn khoảng 104 tỉ USD.

Nguồn vốn đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Nga và một số nước Bắc Âu đang đổ ồ ạt vào lĩnh vực bất động sản du lịch vì họ cho rằng đây là một thị trường giàu tiềm năng. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế cho rằng VN vẫn chưa gỡ được những rào cản đối với các nhà đầu tư.

Một mình một giá

Theo ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dịch vụ và Tư vấn bất động sản CBRE VN, với những lợi thế riêng về vị trí địa lý và bờ biển dài, VN là một trong những tâm điểm thu hút đầu tư bất động sản du lịch tại châu Á. Tuy nhiên, giá đất tại VN còn chưa hợp lý, quá cao so với các nước trong khu vực.

Đây là một trong những trở ngại lớn đối với sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch cũng như dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Trước khi chính thức quyết định bỏ vốn đầu tư vào một thị trường nào đó, bất kỳ nhà đầu tư nào cũng phải suy đi tính lại khả năng và mức độ thu lời của dự án. Ở đâu giá đất đai hợp lý có khả năng thu lời cao hơn thì họ sẽ đến đó.

“Nếu công ty của chúng tôi có ý định đầu tư vào VN thì chúng tôi sẽ phải tìm hiểu rất kỹ về thị trường này, đồng thời phải so sánh giá cả đất đai với các nước bên cạnh. Hiện nhiều nhà đầu tư đã có sự so sánh và nếu giá đất tiếp tục đứng ở mức cao như hiện nay thì tôi e rằng sức cạnh tranh của thị trường bất động sản du lịch của VN sẽ giảm, một số nhà đầu tư sẽ quay lưng với thị trường VN” - ông Marc Townsend nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Kenneth Atkinson, Giám đốc điều hành Grant Thoron VN, nhận định giá thuê, mua bất động sản tại VN hiện đang quá “căng” và trong tình trạng “một mình một giá” so với các nước trong khu vực. “Để có đất đầu tư xây dựng, các DN phải bỏ ra một khoản tiền quá lớn. Hiện số lượng nhà đầu tư trong nước đủ lực để tham gia thị trường rất hiếm hoi mà chủ yếu chỉ dựa vào nguồn tài chính đi vay tại các ngân hàng. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, Chính phủ VN lại đang siết chặt tín dụng đối với các DN bất động sản. Như vậy, vô tình miếng mồi ngon này lại tự chui vào túi một số DN nước ngoài” - ông này cảnh báo.

Nhiều thách thức

Tại diễn đàn cơ hội đầu tư vào bất động sản du lịch do Công ty Phú Quốc Land tổ chức mới đây, nhiều nhà đầu tư đã thể hiện rõ kỳ vọng giá đất sẽ hợp hợp lý và có tính cạnh tranh hơn nhờ vào đợt giảm nhiệt của thị trường lần này. Tuy nhiên, họ lại e ngại vấn đề hạ tầng kém phát triển và thủ tục đầu tư rườm rà sẽ làm cản sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch.

Một nhà đầu tư nước ngoài cho biết ông rất quan tâm đến việc đầu tư vào các dự án về du lịch tại Phú Quốc (Kiên Giang) nhưng sau nhiều lần tìm hiểu, ông đã quyết định thôi không đầu tư chỉ vì việc đi lại từ đất liền ra Phú Quốc quá khó khăn và tốn kém rất nhiều thời gian. Muốn bay ra Phú Quốc chỉ có một chuyến bay duy nhất trong ngày. Nếu chẳng may bị trễ chuyến thì phải chờ 3 ngày sau mới có chuyến bay tiếp theo.

Theo ông Marc Townsend, một vấn đề đang được giới đầu tư cho là “nóng bỏng” và bức xúc hiện nay là khâu thủ tục hành chính. Để có được đất thực hiện dự án, DN phải mất 3-4 năm, sau đó lại phải mất thêm trên dưới 3 năm nữa để hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng. Quá trình để có được đất “sạch” khiến các nhà đầu tư quá mệt mỏi. Một thời gian quá dài như vậy là một thách thức lớn đối với DN và cũng đã làm mất đi khá nhiều cơ hội làm ăn của họ.

Hãy nhìn “anh hàng xóm”

“Đất nước của các bạn rất đẹp! VN rất duyên dáng và khơi gợi trí tò mò của tôi. Nhưng tôi đến VN chỉ một lần, và tôi không muốn quay lại lần thứ hai. Mọi thứ ở VN đều quá đắt đỏ... Nhiều người thích ở khách sạn 5 sao, nhưng tôi không dám thích vì nó quá đắt” - một khách du lịch nói.

Theo giám đốc một công ty tư vấn bất động sản, nguyên nhân của thực trạng trên là do giá thuê phòng ở VN quá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện giá thuê phòng một đêm tại các khách sạn 5 sao ở VN dao động trong khoảng trên dưới 200 USD/phòng, cá biệt có những trường hợp lên tới 230-250 USD/phòng. Trong khi đó, tại Kuala Lumpur (Malaysia), giá thuê cao nhất và chất lượng nhất cũng chỉ 129 USD/phòng/đêm. Không thể đổ lỗi du khách quá đông, đồng thời cũng không thể quy “tội” cho số lượng khách sạn quá ít.

Hiện tại, cả nước đã có trên 9.000 khách sạn và ước tính đến năm 2010, cả nước sẽ có khoảng 13.500 khách sạn, với số phòng chuẩn tương ứng đạt trên 270.000 phòng. Theo đánh giá của các chuyên gia, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại VN đang “dựa hơi” vào chất lượng dịch vụ để đẩy giá thành lên cao mà không hề ngó ngàng gì sang các nước “hàng xóm”. Tuy nhiên, chính điều này đã kìm chân du khách quốc tế, khiến họ ngại đến VN.

Theo thống kê, năm 2008 số lượng du khách quốc tế đến VN ước đạt khoảng 5,5 triệu - 6 triệu người. Mới nghe qua, con số này tưởng như quá lớn nhưng thực tế lại chỉ bằng lượng khách của Thái Lan năm 1983. Nghĩa là khoảng cách giữa hai nền du lịch đang ở độ dài thời gian của 25 năm.

Giá cả bất hợp lý không chỉ riêng thị trường nhà nghỉ, khách sạn mà giá văn phòng, căn hộ cho thuê cũng tiếp tục đứng ở mức cao so với các thị trường khác. Tìm căn hộ cho thuê với giá hợp lý tại các quận 1, 2, 3... là việc làm rất khó. Trong khi đó, các nhà bán lẻ lại phải đối mặt với giá thuê mặt bằng tăng trên 40% tại quận 1. Thực tế cho thấy, nhiều công ty đa quốc gia đã lắc đầu với giá thuê 50 USD/m2 ở Việt Nam.


Theo Người Lao Động