Đó là quan điểm của các chuyên gia tại buổi tọa đàm có chủ đề: “Thị trường bất động sản: Hiện trạng và giải pháp kinh doanh” do Báo Đầu tư tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua.
Là một chuyên gia hoạt động lâu năm trong lĩnh vực đất đai, nhận định về sự suy giảm của thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua, GS - TS. Đặng Hùng Võ cho rằng, đây là lần đầu tiên có sự suy giảm tại tất cả các phân khúc thị trường. “Thị trường bất động sản nước ta hiện đang thể hiện đầy đủ các đặc trưng của một nước đang phát triển và có nền kinh tế chuyển đổi”, ông Võ nói, “Đây cũng chính là cơ hội để thiết lập lại thị trường bất động sản”.
Theo ông Võ, thị trường bất động sản suy giảm như hiện nay có nguyên nhân trước hết từ các cơ chế, chính sách quản lý đất đai còn nhiều bất cập trong một thời gian dài. Có một thời, nhà đầu tư chỉ cần “xin” được đất làm dự án là đã có lợi nhuận rất lớn. Vì vậy, các chủ đầu tư tìm đủ cách, kể cả phải chi những khoản “bôi trơn” để có đất. Tiếp đó, các nhà đầu tư lại vay vốn của ngân hàng (vốn ngắn hạn, có lãi suất cao) để đổ vào các dự án bất động sản lẽ ra cần những khoản đầu tư dài hạn. Dễ kiếm lợi nhuận nên các chủ đầu tư không quan tâm đến việc tạo ra sản phẩm chất lượng tốt với giá thành hợp lý nhất.
Vì “cứ mua được là có lãi” nên các nhà đầu tư thứ cấp lại tiếp tục vay vốn ngân hàng đổ vào mua các sản phẩm bất động sản, kể cả các sản phẩm hình thành trong tương lai. Vòng xoáy đó như những cơn sóng, mà cơn sau còn cao hơn cơn trước, đã đẩy giá bất động sản trong một thời gian dài lên cao ngất mà không cần quan tâm đến nhu cầu và sức mua thực thụ của người tiêu dùng.
Những tư duy lệch lạc từ nhiều phía kể trên lại gặp lúc nền kinh tế rơi vào khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, theo ông Võ, đã khiến thị trường bất động sản nước ta “tuột dốc không phanh” và cho đến nay vẫn chưa xác định được điểm dừng. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giải cứu thị trường bất động sản như “mở van tín dụng”, nhưng theo ông Võ, “đừng loay hoay với giải pháp tín dụng nữa mà phải tìm cách huy động được nguồn vốn trong dân mới là bền vững”.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội đã đưa ra các con số để chứng minh thị trường bất động sản không đóng băng như nhiều người nghĩ. “Trong quý II/2012, tại Hà Nội, các phân khúc văn phòng, bán lẻ, căn hộ cho thuê vẫn có giao dịch tăng so với quý trước đó, nhưng giá lại giảm. Phân khúc căn hộ và đất nền, biệt thự thì cả giao dịch và giá đều giảm”. Ông Trung cho rằng, những dự án có vị trí tốt, chủ đầu tư uy tín và tiến độ triển khai đảm bảo vẫn thu hút được sự quan tâm và xuống tiền của khách hàng.
Chủ đầu tư các dự án cần tự tìm lối ra cho mình, thay đổi sản phẩm, phương thức bán hàng để đáp ứng nhu cầu của thượng đế, thay vì ngồi chờ cứu cánh từ chính sách. Cả hai chuyên gia trên đều nhất trí rằng, để thiết lập lại thị trường bất động sản, trước hết, các nhà đầu tư phải biết thay đổi tư duy, bởi trong suốt một thời gian dài, họ chỉ làm và bán cái mình có, mà không cần biết người tiêu dùng cần gì. Hai ông còn đưa ra lời khuyên “nếu không làm được thì đừng cố mà hãy chuyển cho những người khác có năng lực thực hiện”.
Thời điểm này, tại Savill, nhiều khách hàng nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia vẫn đưa đơn đặt hàng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Song theo lời ông Trung, họ không vì giá rẻ mà đặt bút ký hợp đồng mua dự án, mà chú ý nhất đến yếu tố khả thi, sinh lời của dự án.
Về nghịch lý tồn tại trên thị trường bất động sản hiện nay, người mua đã nộp phần lớn tiền mua căn hộ cho chủ đầu tư nhưng chờ dài cổ, dự án không được triển khai, trong khi ở một số dự án chung cư đã hoàn thành, khách hàng không chịu đến nhận, theo ông Võ và ông Trung, đây là biểu hiện sinh động và rõ nét nhất về những “lỗ hổng” trong quy định pháp luật về bất động sản hiện nay. Với những quy định không rõ ràng về mặt pháp lý giữa bên mua và bên bán như hiện nay, rủi ro pháp lý sẽ nghiêng nhiều hơn về người mua.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: