Top

Hà Nội đề xuất đánh thuế 10% giá trị với biệt thự hoang:

Liệu có khả thi?

Cập nhật 27/08/2012 08:20

Trước thực trạng biệt thự bỏ hoang, UBND TP.Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính mức xử phạt 10-20 triệu đồng/căn và đánh thuế 5% trên tổng giá trị hợp đồng nếu biệt thự bỏ hoang 3 tháng; tính thuế 10% tổng giá trị biệt thự nếu bỏ hoang 1 năm.



Các biệt thự bỏ hoang đang làm nham nhở bức tranh đô thị. Ảnh: Bình An

Trao đổi với một số chuyên gia BĐS, ý kiến phản hồi về đề xuất này phần lớn là phân vân, thậm chí nghi ngờ về tính khả thi. PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch CLB BĐS - xung quanh vấn đề này.

* Ông đánh giá thế nào về các đề xuất của TP.Hà Nội về xử lý biệt thự bỏ hoang?

- Tôi cho rằng, chủ trương này nếu thực hiện được thì cái được lớn nhất là làm đẹp bộ mặt đô thị. Tuy nhiên ở quan điểm cá nhân, tôi cho rằng muốn tạo được sự đồng thuận cần phải xác định được rõ đâu là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng các biệt thự bỏ hoang hiện nay.

Nên có một tổ chức để thẩm định tại sao có tình trạng bỏ hoang này. Xem xem những biệt thự trong các khu đô thị đã hoàn thành rồi mà vẫn bỏ hoang thì lý do vì sao. Ở đây cần xác định trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, về các cơ quan quản lý nhà nước hay là của khách hàng.

Trước hết với chủ đầu tư, phải xem hợp đồng mua bán mà chủ đầu tư ký với khách hàng có cam kết cụ thể sau bao lâu phải hoàn thiện nhà hay không? Nếu không cam kết cụ thể ngay từ đầu vấn đề này thì lỗi thuộc về chủ đầu tư.

Trong trường hợp chủ đầu tư làm đúng, nhưng lại không thể kết nối hạ tầng với khu vực xung quanh để người dân có thể về ở được thì lúc đó lỗi lại là của cơ quan quản lý nhà nước.

Tôi ví dụ, cả dự án đã hoàn thiện, có thể đi vào sử dụng nhưng thiếu trường học, chợ, bệnh viện... thì cũng giống như cô gái đẹp nằm giữa cánh đồng, nếu ở trường hợp này chúng ta vẫn cứ “đè” người mua nhà ra đánh thuế thì liệu họ có “tâm phục khẩu phục” hay không?

Còn trường hợp hạ tầng đã được kết nối, chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các cam kết với khách hàng, các điều khoản về thời gian hoàn thiện nhà đã quy định rõ ngay từ đầu, thì lúc đó lỗi mới thuộc về người mua nhà.

Lúc này sẽ phải căn cứ vào các điều khoản trong hợp đồng như quá thời hạn bao lâu không hoàn thiện thì chủ đầu tư sẽ phạt mức phạt ra sao; thậm chí nếu chủ nhà vẫn không chấp hành thì chủ đầu tư có thể thanh lý hợp đồng để bán cho người khác để đảm bảo diện mạo đẹp cho khu đô thị như thế nào...

Tuy vậy theo tôi biết thì phần lớn các dự án khu đô thị mới hiện nay đều không ghi cam kết bắt buộc thời gian hoàn thiện.

* Như vậy, theo ông, nếu chủ đầu tư và khách hàng ký cam kết ngay từ đầu về tiến độ hoàn thiện thì việc đánh thuế từ 5% đến 10% tổng giá trị biệt thự bỏ hoang như đề xuất là hợp lý?

- Thực tế tôi cho rằng việc đánh thuế này cần phải xem xét thật kỹ vì khi mua nhà, người mua đã làm nghĩa vụ thuế với Nhà nước, đã đóng 10% thuế GTGT, nộp đầy đủ tiền sử dụng đất thì mới được cấp sổ đỏ. Như vậy, họ có đủ 3 quyền là: Quyền định đoạt; quyền sở hữu và quyền sử dụng.

Họ có thể ở hay không là theo nhu cầu của họ. Không thể đánh thuế họ thêm nữa được, thế là thuế chồng thuế. Bản thân chủ đầu tư khi xây dựng khu đô thị cũng đã làm đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, từ thanh toán từng kilogram sắt, thép, ximăng cho các nhà thầu cũng đã bao gồm chi phí nộp thuế, hay các khoản nộp tiền chuyển đổi quyền đổi mục đích sử dụng đất; tiền thuế sử dụng đất...

* Tuy nhiên, mục đích của đề xuất này là nhằm chống đầu cơ BĐS, thưa ông?

- Tôi biết mục đích là vậy. Tuy nhiên, ở thời điểm này với BĐS dùng từ “đầu cơ” không chuẩn, vì bản chất của đầu cơ là khi hàng hóa ra thị trường quá khan hiếm được các tổ chức, cá nhân thu gom lại, thế mới gọi là đầu cơ. Còn bây giờ thị trường đầy hàng không bán được thì sao gọi là đầu cơ nữa.

Mặt khác, vào thời điểm thị trường BĐS đang đóng băng như hiện nay, khi đưa ra một chính sách quyết liệt như vậy liệu có đẩy thị trường rơi vào tình trạng khủng hoảng và khó khăn hơn không? Theo tôi, việc này cần phải cân nhắc.

* Nói như vậy là chúng ta sẽ bó tay với biệt thự bỏ hoang, thưa ông?

- Biệt thự bỏ hoang đa số là do đầu cơ và không có nhu cầu sử dụng. Tình trạng này không chỉ xảy ra với đất nền biệt thự, mà cả ở những dự án căn hộ lớn đã hoàn thành nhưng không thể bàn giao được cho khách hàng.

Trường hợp dự án chung cư cao cấp FLC Landmark Tower (đường Lê Đức Thọ, Từ Liêm, Hà Nội) do CTCP đầu tư tài chính Ninh Bắc làm chủ đầu tư là ví dụ. Công trình 25 tầng hơn 300 căn hộ đã hoàn thành nhưng hơn nửa năm nay bất chấp chủ đầu tư kêu gào, khách hàng vẫn không chịu nhận nhà và vừa rồi chủ đầu tư buộc phải quyết định thành lập tổ công tác để “xử lý” công nợ cho dự án.

Về mặt pháp lý, vì tất cả đã cam kết trong hợp đồng, chủ đầu tư có quyền thực hiện nghĩa vụ bán phát mại nhưng ở đây nếu không cẩn thận sẽ thành hiệu ứng xấu cho rằng chủ đầu tư thu gom hàng lại, dễ đối mặt với những phản ứng dây chuyền... Với biệt thự bỏ hoang cũng vậy, như tôi đã nói, cần xử lý như thế nào phải cân nhắc kỹ.

* Xin cảm ơn ông!


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động