Nhiều người nhận xét mối quan hệ của thị dân ngày càng lỏng lẻo, lạnh nhạt, thậm chí hầu như không có sự liên hệ tình cảm nào ngoài những giao tiếp vì công việc...
Xu hướng đô thị hóa với tốc độ rất nhanh đang khiến nhiều vùng nông thôn có diện mạo là đô thị, những đô thị nhỏ bỗng chốc trở thành thành phố với dáng vẻ hiện đại và những thành phố lớn ngày càng phình to.
Quan hệ ngày càng lỏng lẻo
Nhiều người nhận xét mối quan hệ của thị dân ngày càng lỏng lẻo, lạnh nhạt, thậm chí hầu như không có sự liên hệ tình cảm nào ngoài những giao tiếp vì công việc hoặc nhu cầu giao dịch tối thiểu. Đó là vì thị dân từ nhiều nguồn gốc, mang những đặc trưng văn hóa vùng miền khác nhau, phương thức kinh tế và vị thế xã hội khác nhau... nhưng tụ cư trong một thời gian quá ngắn trong một không gian khác với không gian làng quê quen thuộc nhiều đời. Nhưng sự đa dạng này lại làm nên sự đa dạng về lối sống, văn hóa.
Xu hướng đô thị hóa đã nhanh chóng biến một vùng xa như Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) thành khu trung tâm sầm uất Ảnh: LÊ SƠN
|
TS Vương Tiến Hải, chuyên gia phát triển nguồn nhân lực:
Cần thời gian!
Nếu nói ở đô thị mối quan hệ giữa những cá nhân không còn nhiều ràng buộc về quan hệ huyết thống như ở nông thôn thì chưa hẳn đúng. Bởi, có những cộng đồng dân cư đã sống rất lâu đời với nhau ở một nơi và nơi ấy dần đô thị hóa thì người ta vẫn duy trì những phong tục tập quán, vẫn gắn chặt với nhau trong quan hệ huyết thống chứ không như những đô thị mới mà dân cư tập trung từ nhiều nguồn. Xu hướng đô thị hóa là tất yếu của sự phát triển và vì thế, sự giao thoa về văn hóa và các hoạt động kinh tế - xã hội cũng là tất yếu. Dân tứ xứ tập trung với nhau ở cùng một đô thị, tuy không cùng huyết thống nhưng về lâu dài, thế hệ này qua thế hệ khác thì dần dần “trước lạ, sau quen” người ta vẫn gắn bó với nhau. Dĩ nhiên là cần thời gian và có sự chọn lọc chứ không vì sức ép về huyết thống hay họ tộc như ở làng xã.
Bà Lê Thị Tho, cán bộ hưu trí quận Thủ Đức, TP HCM:
Vẫn chọn cuộc sống ở đô thị
Hàng chục năm sống và làm việc tại các đô thị, cái được là công ăn việc làm thuận lợi nhưng tôi vẫn cảm thấy khó hòa nhập thật sự, vẫn có cảm giác tạm bợ dù có những nơi đã định cư ổn định với thời gian khá dài hơn 10 năm liền như TP HCM. Hễ có điều kiện là tôi quay về quê hương ở miền Trung và sau mỗi lần về là thấy mình như khỏe hẳn ra, như được tiếp thêm sức mạnh. Nhưng có thể vì rời quê hương khi đã lớn tuổi (25 tuổi), đã định hình về suy nghĩ nên cảm giác thế, chứ con cháu của tôi sinh ra ở đô thị thì đâu có vậy. Tất nhiên, ở đô thị va chạm với người lạ nhiều nên trong quan hệ cũng phải có cân nhắc nhưng không vì thế mà ít tình cảm hay lạnh nhạt với nhau nếu mình chủ động sống vui vẻ với mọi người. Cho nên, tôi vẫn chọn cuộc sống ở đô thị vì những tiện dụng của nó.
L.Sơn ghi
Phát triển không thể thiếu văn minh
Có nhiều định nghĩa khác nhau về một đô thị nhưng cộng đồng nhân văn được xem là một đô thị hiện đại và được ưa chuộng. Sẽ là khập khiễng khi quá chú tâm để xây nhiều tòa cao tầng, sơn phết thật đẹp, lộng lẫy, nguy nga. Sẽ là bất thường khi nhiều người thích ánh đèn đêm, công viên rộng nhưng quên đi những điều rất bình thường trong mối quan hệ của con người và con người trong một đô thị. Bắt đầu bằng những biểu hiện của một vài khu phố, phường để thấy có nhiều điều còn trăn trở. Không hiếm trường hợp cha mẹ phải giải thích cho con cái hoặc vội vã bịt tai trẻ vì những lời tục tĩu, những trận cãi nhau hoặc phải làm cho chính mình và con cô đơn ngay trong xã hội thu nhỏ để an toàn tương đối khi quá nhiều thách thức ở bên ngoài.
Một xã hội hiện đại và văn minh cần bắt đầu từ con người. Nhân lực là tài sản quý nhất là vậy. Nếu có những con người văn minh và hành động văn minh thì các mối quan hệ xã hội được cải tiến, con người bước sang một đẳng cấp mới. Điều này cần được thực thi khi dựa trên sự tác động đồng bộ về nhận thức, thái độ và hành vi của mỗi cá nhân. Làm được điều này một cách hiệu quả khi mỗi người cần được giáo dục, được khuyến khích để tự nguyện song song với việc sẽ “kiềm chế” bản thân bằng cách áp chuẩn những chuẩn mực trong xã hội hiện đại...
Điển hình từ hành vi giao thông đến những hành vi quan hệ công cộng của con người hay những hành vi khác ở đô thị đều cần được thực thi theo một quy chuẩn. Không thể không nghiêm khắc với những hành vi vi phạm giao thông đã tạo nên những “nếp ì” trong văn hóa giao thông đô thị. Cần gia tăng sự quan tâm cũng như mức độ xử phạt với những hành vi liên quan đến ứng xử khi lưu thông trên đường phố như việc lấn tuyến, chạy quá tốc độ, đặc biệt là bấm còi inh ỏi hay lấn vạch trắng, chạy lên lề đường... Những hành vi được tạo lập một cách rất tự nhiên này cần được quan tâm giáo dục hay điều chỉnh.
Hành vi của con người trong mỗi xã hội, đặc biệt ở đô thị, cần được hình thành và hướng dẫn một cách bài bản. Việc xây dựng các khu dân cư hay quy hoạch các cộng đồng cần thực hiện một cách đồng bộ. Độ sâu sắc của người quản lý hay người quy hoạch và phát triển đô thị khi biết nhìn về quan hệ giữa con người với con người, hành vi của con người, những quan hệ ứng xử cần được xem là tiêu chí phát triển. Một thành phố hiện đại, một đô thị phát triển không thể thiếu tính văn minh. Đó mới là sự phát triển bền vững và đẳng cấp đích thực.
Sẽ không thể đo đếm được về sự đầu tư cho con người, cho cộng đồng. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng chính sự đầu tư đích thực để dựng xây một cộng đồng con người hướng đến tiêu chí văn minh, thanh lịch là một sự lựa chọn lâu dài và đích thực. Vì một cộng đồng nhân văn sẽ hướng về con người, cho con người và do con người tạo nên để con người thụ hưởng. Điều này là thách thức trong một xã hội khi sự hiện đại, sự vội vã và những giá trị nhân bản chưa thực sự đặt đúng chỗ. Đổi thay và quan tâm thích đáng - nhu cầu này là một áp lực cho những điều chỉnh các quan hệ và ứng xử trong đô thị hiện nay.
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn
(Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam)
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: