Top

Sếp bị bắt, lỗ triền miên: Tháo chạy khỏi Địa ốc Dầu khí

Cập nhật 27/06/2015 10:59

Với số vốn điều lệ “khủng”, sự chống lưng của công ty mẹ lớn, Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (PVL) “hùng hổ” bước vào thị trường BĐS. Thế nhưng, giờ đây chính BĐS đang giết chết PVL.

Góp vốn khủng ôm mộng đại gia

CTCP Địa ốc Dầu khí tiền thân là CTCP Bất động sản điện lực dầu khí khí Việt Nam, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập bao gồm TCTCP xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), TCT tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC), CTCP Đầu tư phát triển đô thị và KCN Sông Đà, TCTCP Phong Phú.

Với số vốn điều lệ “khủng”, sự chống lưng của ông lớn, PVL “hùng hổ” bước vào thị trường BĐS TP.HCM với 2 dự án Petro Vietnam Landmark (phường An Phú, quận 2) và Petrovietnam Green House (phường Linh Tây, quận Thủ Đức).

Ngoài ra,  theo báo cáo thường niên năm 2011, công ty này cũng có hàng loạt các dự án khác với quỹ đất lên đến hàng trăm hecta như dự án Khu Công nghiệp Khoái Châu, Hưng Yên (250 ha); Khu Đô thị sinh thái Điện lực Dầu khí, Thạch Thất, Hà Nội (198 ha); Khu đô thị Phước Khánh, Nhơn Trạch, Đồng Nai (54,8 ha).

Với mác “dầu khí”, PVL như một đại gia lớn trong lĩnh vực BĐS. Tuy nhiên, từ khi thị trường nhà đất đóng băng PVL tuột dốc không phanh. Điểm qua 2 dự án căn hộ của PVL là Petrovietnam Landmark tại quận 2 và Green House ở Thủ Đức thôi cũng đã thấy được sự bê bết trong đầu tư BĐS của doanh nghiệp này.

PVL đặt nhiều tham vọng trong lĩnh vực BĐS

Năm 2011, PVL gây chú ý trên thị trường khi thông báo chào bán căn hộ PetroVietnam Landmark với mức giá 15,5 triệu đồng/m2, trong khi giá mua là 21,36 triệu đồng/m2, tương ứng giảm gần 30%.

Nguyên nhân việc phải bán giảm giá được công ty giải trình là do áp lực thị trường. Năm 2011, thị trường trầm lắng, lãi suất vay vốn cao, nguyên vật liệu tăng giá liên tục đã đẩy nhiều DN xây dựng và kinh doanh BĐS nói chung và PVL nói riêng lâm vào giai đoạn khó khăn. Ngoài ra, chính sách vĩ mô đang tạo áp lực khiến chủ đầu tư giảm giá bán căn hộ hoặc đưa ra những phương thức thanh toán linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, PVL đang phải chịu áp lực tài chính. Để đầu tư cho dự án PetroVietnam Landmark, PVL đã vay Ngân hàng Liên Việt  (nay là NH Bưu điện Liên Việt) 100 tỉ đồng, hạn trả nợ là ngày 23/11. Đến hạn trả nợ, lãi suất sẽ tăng 25%/năm, phạt quá hạn 150%, tương đương lãi suất 35%/năm và lãi gộp PVL phải thanh toán khoảng 40%/năm.  Nếu không thu xếp được dòng tài chính, PVL sẽ không đủ khả năng thanh toán khoản vay 100 tỉ đồng cho Ngân hàng Liên Việt đúng hạn, sẽ làm tê liệt quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.

Năm 2010, PVL đã mua 139 căn hộ từ dự án PetroVietnam Landmark từ PVC Land với giá 346 tỷ đồng, đến nay, Địa ốc Dầu khí đá bán được 138 căn với nhiều giá khác nhau và thu theo tiến độ. Căn cứ vào thực tế chuyển nhượng công ty xác định khoản lỗ là 45,1 tỷ đồng khi bàn giao căn hộ.

Trong khi đó, Dự án Green House cũng chẳng kém cạnh gì về mặt tai tiếng. Được khởi công xây dựng từ tháng 7/2010, dự kiến hoàn thành sau 2 năm xây dựng. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong tầng hầm và móng, dự án bị “trùm mền” đến nay. Cuối năm 2012, vì không còn khả năng tiếp tục xây dựng, PV Land đã công bố bán tháo dự án này thông qua hình thức bán đấu giá với mức giá khởi điểm 51 tỷ đồng.

Theo Địa ốc Dầu khí, Công ty đã đầu tư 162,34 tỉ đồng vào dự án; nếu bán thành công với giá khởi điểm đưa ra, theo dự kiến Công ty sẽ lỗ khoảng 112,34 tỉ đồng. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn chưa tìm được người mua. Tuy nhiên, đến tháng 8/2014, ban lãnh đạo mới lại quyết định tiếp tục triển khai dự án.

Kinh doanh bê bết

Điểm lại trong quá khứ, sau khi đủ tiêu chuẩn có lãi 2 năm liên tiếp (2008 và 2009) để lên sàn vào 2010, thì cũng vào năm này đánh dấu sự trượt dốc không phanh của PVL.

Tính đến cuối năm 2013, PVL đã có 2 năm lỗ liên tục. Lỗ lũy kế kết thúc quý II/2014 ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét đã lên đến 188 tỉ đồng, tương đương 37% vốn điều lệ (500 tỉ đồng).

PVL rơi vào diện kiểm soát từ 27/5/2014 do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2012 và 2013 tại báo cáo tài chính hợp nhất là số âm. Với kết quả này, PVL đối mặt với khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc. Tháng 4/2015, PVL ra khỏi diện bị kiểm soát chuyển sang diện cảnh báo.

Từ giữa năm 2012 đến nay, hàng loạt các cổ đông lớn đã “tháo chạy” khỏi PVL như TCTCP Phong Phú, PVFC. Ngay cả chính PVX công ty mẹ của PVL, đầu năm 2014 cũng đã lên tiếng sẽ thoái sạch vốn.

Bên cạnh khoản lỗ lũy kế PVL phải đối mặt hàng tá những khó khăn nối đuôi nhau. Năm 2014, hàng chục khách hàng mua nhà dự án PetroVietnam Landmark thông qua PVL đã phải lặn lội ra tận Hà Nội để đòi nhà. Một lượng tiền lớn bị “ứ đọng” tại dự án này khiến cho PVL gặp vô vàn khó khăn. Kể từ năm 2012 trở lại đây, dự án này đã trở thành tâm điểm của các dự án chậm tiến độ liên tục bị khách hàng “đội đơn” khiếu nại từ Nam chí Bắc.

Mới đây, PVL đã phê duyệt phương án chuyển nhượng quyền sử dụng đất và toàn bộ quyền sở hữu tài sản trên đất tại khu đất có tổng diện tích hơn 2,800 m2 của Tòa nhà Trung tâm thương mại và khách sạn Quỳnh Lưu Plaza cho đối tác.

Đầu năm nay, ông Hoàng Ngọc Sáu, Chủ tịch HĐQT PVL đã bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước bối cảnh làm ăn thua lỗ, gặp nhiều khó khăn trong triển khai các dự án đầu tư, hàng loạt sự kiện biến động nhân sự những năm qua, PVL đang đứng trước nhiều khó khăn.

DiaOcOnline.vn - Theo Vef