Top

"Lách" luật bằng trái phiếu

Cập nhật 14/05/2008 09:00

Để có vốn đầu tư các dự án bất động sản (BĐS) nhưng không đụng đến quy định phải "xây xong phần móng" mới được huy động vốn, nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu dự án.

Huy động vốn chóng vánh

Ngày 24.5 tới, Công ty TNHH Hai Thành và Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương tín (Sacomreal) tổ chức bốc thăm chọn căn hộ thuộc dự án khu căn hộ Phú Lợi 1 (Q.8, TP.HCM). Để liên kết đầu tư vào khu căn hộ này, Sacomreal đã phát hành 100 tỉ đồng trái phiếu từ cuối tháng 1.2008 với kỳ hạn 6 tháng.

Lãnh đạo Sacomreal cho biết: "Thời gian phát hành trái phiếu được tính toán để khi trái phiếu đáo hạn cũng là lúc dự án Phú Lợi 1 xây xong phần móng dự kiến vào tháng 7.2008. Sacomreal cũng quy định mỗi trái chủ sở hữu 1 trái phiếu (mệnh giá 500 triệu đồng) được ưu tiên mua một căn hộ". Các trái chủ mua trái phiếu của dự án này được giảm giá 5% trên giá trị căn hộ và hưởng lãi suất 8,8%/năm.

Tháng 3.2008, Sacomreal cũng phát hành lượng trái phiếu 750 tỉ đồng có mệnh giá 1,5 tỉ đồng/trái phiếu để liên kết với một chủ đầu tư triển khai dự án khu căn hộ Phú Mỹ (Q.7, TP.HCM). Người sở hữu một trái phiếu cũng được mua căn hộ tại dự án Phú Mỹ kèm với chính sách giảm giá 8% trên giá trị căn hộ.

Ông Đặng Hồng Anh, Tổng giám đốc Sacomreal cho biết: "Vốn huy động từ trái phiếu được sử dụng đầu tư xây dựng dự án có quy mô trên 1.000 căn hộ. Mức lãi suất trái phiếu là 12%/năm". Tương tự như trái phiếu Phú Lợi 1, kỳ hạn của trái phiếu Phú Mỹ được tính toán trùng với thời gian dự án xây xong phần móng vào tháng 11.2008, lúc này các trái chủ sẽ ký hợp đồng mua căn hộ. Ông Đặng Hồng Anh cho biết thêm: "Giữa tháng 5.2008, Sacomreal sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư cho dự án khu căn hộ Phú Lợi 2".

Nhiều chủ đầu tư các dự án khác như Công ty cổ phần phát triển BĐS Phát Đạt cũng đang tính đến khả năng phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư các dự án tại quận 7 (TP.HCM) như The EverRich II có tổng vốn đầu tư 7.500 tỉ đồng, The EverRich III tổng vốn đầu tư 9.000 tỉ đồng... Công ty Dệt Thành Công cũng có kế hoạch huy động vốn từ trái phiếu chuyển đổi để đầu tư xây dựng các dự án Thành Công Tower 1, Thành Công Tower 2 và Thành Công Tower 4...

Cần có quy định bảo hộ quyền của trái chủ

Đề cập đến việc một số doanh nghiệp huy động vốn bằng phát hành trái phiếu dự án, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng: "Trong lúc khó khăn về vốn, ngân hàng thắt chặt việc cho vay BĐS thì huy động trái phiếu là cách làm mới. Tuy nhiên, trái phiếu chỉ là hình thức vay tín chấp, người mua chỉ tin tưởng vào uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Do vậy, sau này khi việc huy động vốn bằng trái phiếu phát triển rộng rãi, cần phải có quy định cụ thể về bảo hộ quyền lợi của các trái chủ để phòng khi có trục trặc xảy ra tại các dự án, phát sinh tranh chấp thì cơ quan chức năng có căn cứ để giải quyết. Cũng nên có quy định để các doanh nghiệp huy động vốn bằng trái phiếu sử dụng đúng mục đích vào dự án".

Ông Võ Đình Quốc - Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư BĐS An Bình nhận định: "Sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp huy động vốn bằng trái phiếu dự án hoặc trái phiếu doanh nghiệp. Các dự án được triển khai bằng nguồn vốn từ trái phiếu sẽ tạo "sức bật" mới cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, các trái chủ cần yêu cầu doanh nghiệp có cam kết chặt chẽ khi mua trái phiếu để bảo hộ quyền lợi cho mình. Nếu không, khi có tranh chấp xảy ra, các trái chủ sẽ bị thiệt thòi quyền lợi".

Theo Thanh Niên