Tháng 6/2010, khi dự án lọc dầu Dung Quất hoàn thành, các chuyên gia, kỹ sư lần lượt về nước, khu đô thị Vạn Tường rơi vào cảnh hoang vắng đến nay.
Tháng 2/2009, tỉnh Quảng Ngãi công bố quy hoạch chi tiết xây dựng điều chỉnh và thiết kế đô thị Khu đô thị mới Vạn Tường (Khu kinh tế Dung Quất). Khu đô thị có quy mô hơn 3.800 ha thuộc 5 xã Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Phước và Bình Trị (huyện Bình Sơn), được quy hoạch là một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Khu đô thị Vạn Tường từng được kỳ vọng là khu trung tâm dịch vụ, tài chính thương mại và du lịch vùng phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung; là đô thị kết hợp các khu sinh thái bảo tồn thiên nhiên; là khu dân cư, chuyên gia phục vụ Khu kinh tế Dung Quất.
Cuối năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi ban hành Nghị quyết công nhận Vạn Tường là đô thị loại V (diện tích 650 ha thuộc các thôn Vạn Tường, Thanh Thủy, Phước Thiện (xã Bình Hải) và thôn An Lộc (xã Bình Trị, cùng huyện Bình Sơn). Tuy nhiên sau 9 năm đầu tư, khu đô thị này đến nay vẫn dang dở, hoang hóa.
Hạ tầng đầu tư dở dang gây cảnh nhếch nhác. Ngày 20/6/2016, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi đồng ý giao UBND huyện Bình Sơn và Khu kinh tế Dung Quất lập Đề án nghiên cứu hình thành Trung tâm Chính trị - Hành chính huyện Bình Sơn tại khu đô thị Vạn Tường. Sau hai năm nghiên cứu, đến nay đề án này lại "dậm chân tại chỗ".
Trung tâm khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí TP Vạn Tường do Công ty TNHH Vạn Năm đầu tư bỏ hoang nhiều năm qua. Lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất lý giải nguyên nhân khiến hàng loạt công trình bỏ hoang tại khu đô thị Vạn Tường là do nhiều doanh nghiệp phá sản, thua lỗ; nhu cầu thị trường thấp nên doanh nghiệp dừng xây dựng.
Trung tâm vui chơi giải trí cho cán bộ, công nhân viên nhà máy đóng tàu Dung Quất từng ngày mục nát giữa khu đô thị. Nhiều năm qua, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất nỗ lực thu hút các nhà đầu tư để giới thiệu, chuyển giao các dự án dở dang nhưng chưa chuyển biến.
Khu tái định cư Tây Bắc Vạn Tường cỏ dại bao phủ khắp nơi. Cuộc sống người dân vùng tái định cư đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, phải bươn chải mưu sinh khắp nơi.
Người dân vùng tái định cư đưa ghe thúng, lưới quay về quê cũ đánh bắt cá . "Người dân địa phương đã nhường đất đai, di dời mồ mả ông, bà mang theo hy vọng khu đô thị Vạn Tường phát triển. Tuy nhiên nhiều năm dài khu đô thị vẫn trống vắng, đìu hiu gây lãng phí", chủ tịch xã Bình Trị xót xa.
Nhiều ngôi nhà cấp bốn hoang phế ở đô thị Vạn Tường. Chính quyền xã Bình Trị cho rằng khu đô thị chậm phát triển là do chính sách đất đai nơi đây chưa thông thoáng, hệ thống dịch vụ, trường học chất lượng chưa có gì... nên cán bộ, người lao động làm việc ở các cơ quan, nhà máy và người dân tại Khu kinh tế Dung Quất chưa mặn mà gắn bó định cư.
Nhiều ngôi nhà, hàng quán tạm bợ. Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, cho hay khi thành lập Vạn Tường, cơ quan chức năng chưa tính tới quy mô dân số đô thị (theo Nghị định 42/2009 là tối thiểu phải đạt 4.000 người). "Khu đô thị nằm trong Khu kinh tế Dung Quất với hàng loạt nhà máy, xí nghiệp liệu có đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường... Nếu chuyển bộ máy trung tâm hành chính huyện Bình Sơn về đây cần phải nghiên cứu, tính toán kỹ", bà Thư nói.
Lãnh đạo các xã khu Đông, huyện Bình Sơn cho rằng Bệnh viện Dung Quất được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng thiết bị y tế thiếu đồng bộ, chưa thu hút được đội ngũ y, bác sĩ giỏi về làm việc. "Mỗi lần đau ốm, chúng tôi phải vượt đường xa từ 40 km đến hơn 100 km đến khám chữa bệnh ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi hoặc ra Quảng Nam, Đà Nẵng", bà Trần Thu Hằng (ngụ xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) phàn nàn.
DiaOcOnline.vn - Theo Zing
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: