Top

Khu công nghiệp phía Nam: Tăng tỷ lệ lấp đầy nhờ "sóng FDI"

Cập nhật 04/04/2016 14:48

Các khu công nghiệp (KCN) phía Nam đang đón nhận luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.


Đều đặn nhận vốn ngoại

Cụ thể, trong 128 triệu USD vốn đầu tư thu hút được vào các Khu chế xuất - Khu công nghiệp (KCX - KCN) của TP.HCM khoảng 2 tháng đầu năm, khối FDI vẫn tiếp tục dẫn đầu với 80 triệu USD; 48 triệu USD còn lại thuộc về vốn nội.

Trong 80 triệu USD nói trên, có 2 dự án cấp mới chiếm 35,6 triệu USD, 7 dự án điều chỉnh tăng thêm chiếm 44,4 triệu USD. Ở khu vực cấp mới, tiêu biểu có dự án đầu tư của Công ty TNHH Yazaki Eds Việt Nam với số vốn đầu tư là 35,5 triệu USD; ở khu vực điều chỉnh tăng vốn, có dự án đầu tư mở rộng của Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts (Vietnam) với số vốn tăng thêm 30 triệu USD.

Cả hai dự án trên đều đến từ Nhật Bản, chuyên về công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô.

Ban Quản lý các KCX - KCN của TP.HCM (HEPZA) cho biết, định hướng của các KCX - KCN TP.HCM trong năm 2016 là chú trọng thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực kỹ thuật cao, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các ngành cơ khí, điện - điện tử và hóa chất.

Trong 17 KCX - KCN hiện hữu tại TP.HCM, chỉ còn KCN Cơ khí ô tô, KCN Tân Phú Trung, KCN An Hạ, KCN Hiệp Phước (giai đoạn 2) có tỷ lệ đất cho thuê còn tương đối nhiều, khoảng từ 70% - 85%, số còn lại hầu như đã lấp đầy hoặc còn rất ít, không quá 15% diện tích.

“Trong quy hoạch phát triển công nghiệp TP.HCM đến năm 2010 có tính đến năm 2020 xác định quỹ đất KCX, KCN tập trung là 7.000ha, trong đó đã khai thác 4.000ha, diện tích đất còn lại là 3.000ha. Nghĩa là quỹ đất của các KCX - KCN cũng còn tương đối dồi dào. Nền kinh tế nội địa Việt Nam đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng nhanh và bây giờ chính là thời điểm lý tưởng để đầu tư”, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban Quản lý HEPZA nhận định.

Cũng nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu tháng 3/2016, UBND tỉnh Bình Dương đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 28 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 682 triệu USD. Trong đó, có 19 dự án cấp mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 541 triệu USD, số còn lại là các dự án điều chỉnh tăng vốn.

Trong số các dự án mới được cấp phép vào Bình Dương, các nhà đầu tư đến từ Đài Loan dẫn đầu về số vốn (204 triệu USD), tiếp theo là Singapore (188 triệu USD), Hàn Quốc (65 triệu USD), Nhật Bản (54,5 triệu USD)...

Lý giải việc dòng vốn của các doanh nghiệp (DN) Đài Loan rót mạnh vào Bình Dương, ông Ngô Kiến Hoành, Chi hội trưởng Chi hội Thương gia Đài Loan tại tỉnh Bình Dương, cho biết, hạ tầng tốt, môi trường đầu tư thuận lợi và việc đón đầu các cơ hội từ TPP là những yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư Đài Loan.

Trong số các dự án trong lĩnh vực dệt may của Đài Loan được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, có không ít dự án có quy mô vốn lớn. Đơn cử, dự án của Công ty TNHH Công nghiệp Delicacy Việt Nam có vốn đăng ký đầu tư lên đến 100 triệu USD.

Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, 3 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng vốn của các dự án FDI (tính đến ngày 18/3/2016) là 488 triệu USD, tăng 311% so với cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý, các dự án mới tập trung vào các KCN bên ngoài TP.Biên Hòa như: KCN Long Đức, KCN Long Thành, KCN Bàu Xéo...

Theo Ban Quản lý KCN tỉnh Đồng Nai (DIZA), nguyên nhân nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào tỉnh là do các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là TPP, nhiều tập đoàn FDI lớn trên thế giới đã đến đầu tư ở các KCN tại Đồng Nai nhằm liên kết, đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất nguyên liệu, hàng hóa để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cần đòn bẩy từ bất động sản nhà ở

Hiện tại, “tam giác phát triển” trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương trở thành điểm đến nổi bật của các DN FDI, bởi hạ tầng kết nối ngày một hoàn thiện.

Về vấn đề này ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai, cho biết: “Có khoảng 300 DN Hàn Quốc đã đầu tư vào Đồng Nai với tổng vốn hơn 5 tỷ USD và trong thời gian tới sẽ còn nhiều DN Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào tỉnh. Hạ tầng các KCN tại Đồng Nai hoàn chỉnh và đều được kết nối với các trục giao thông chính, việc lưu thông vận chuyển hàng hóa thuận lợi và đây là điều luôn được các nhà đầu tư đánh giá cao”.

Tuy nhiên, tại cuộc họp gần đây giữa DN nước ngoài với lãnh đạo TP.HCM, một số DN có nhà máy ở các KCN Đồng Nai lẫn TP.HCM cho rằng, cùng với hạ tầng, các địa phương cũng cần tìm giải pháp để kích các khu đô thị nhà ở, thương mại đã được phê duyệt ở các khu như Nhơn Trạch, Long Thành,... phát triển mạnh mẽ hơn nữa để thu hút người dân về sinh sống.

Đây sẽ là “điểm cộng” cho các KCN trên địa bàn khi nhà đầu tư đi tìm kiếm địa điểm đặt nhà máy. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp KCN TP.HCM cho rằng, để thu hút nhà đầu tư và tăng tỷ lệ lấp đầy trong các KCN - KCX, giữa nhà đầu tư hạ tầng KCN và địa phương cũng nên xem xét đến yếu tố dành quỹ đất với những chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất... trong khu để xây dựng nhà ở, các tiện ích thiết yếu cho công nhân, đặc biệt ở những nơi có tỷ lệ dân nhập cư cao như TP.HCM, Đồng Nai hay Bình Dương.

DiaOcOnline.vn - Theo DNSG