Top

Khóc ròng với chung cư tái định cư Sài Gòn – Kỳ 1: Bỏ hoang vì…dân chê

Cập nhật 04/04/2016 14:19

Cơ sở vật chất xuống cấp, rác tràn ngập, cư dân ở nhà đẹp nhưng thất nghiệp, cuộc sống bấp bênh, không có tiền trả căn hộ,… là tất cả các vấn đề đang khiến người dân ở các chung cư tái định cư đang khóc ròng.

Chung cư tái định cư Vĩnh Lộc B được đầu tư hơn 1 ngàn tỷ đồng nhưng đa số các căn đang bỏ hoang - Ảnh: Vũ Phượng

Giải tỏa, thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo mội trường và bố trí chung cư tái định cư (CCTĐC) cho bà con là một chủ trương đúng của chính quyền TP.HCM. Thế nhưng, thực tế cuộc sống khiến người dân đang "khóc ròng" vì những thay đổi lớn đến đời sống của họ, đặc biệt là khi chiếc "cần câu cơm" của các hộ nghèo tái định cư bị treo lại là vấn đề mà chính quyền nên lưu tâm, sớm tháo gỡ.  

Hầu hết các hộ dân ở CCTĐC Vĩnh Lộc đều là người dân ở khu vực giải tỏa để thực hiện các dự án cải tạo môi trường, kênh thoát nước  như: cải tạo bờ kênh Tân Hóa – Lò Gốm, dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên.

Từ đó thấy được thực tế rằng, những hộ ở trong CCTĐC hiện nay đa phần là những gia đình có điều kiện khó khăn, diện tích phần đất ở chỉ khoảng trên dưới 10 mét vuông, còn lại là phần nhà sàn lấn ra kênh. Thu nhập chủ yếu của người dân khi chưa chuyển về chung cư dựa vào việc buôn bán hoặc làm thuê, làm mướn.

Cư dân thất nghiệp hàng loạt

Mặc dù là một buổi sáng trong tuần nhưng nhiều cư dân tại CCTĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) vẫn ngồi “ngáp ruồi” đợi qua ngày. Không khí đìu hiu, vắng vẻ, trống hoắc bao trùm lên cả khu chung cư gồm 45 block.

Chị Lê Như Ngọc (ngụ block B1.2) thở dài nói: “Trước nhà tôi ở bờ kênh quận 8, chồng làm phụ hồ còn tôi làm thuê cho quán phở gần đó. Giờ về đây nhưng các công trình chồng làm vẫn ở bên quận 8, đi làm xa vậy, vừa mệt mà trừ xăng xe cũng chẳng còn là bao”.

Nhiều cư dân không thể đi làm vì quá xa trung tâm - Ảnh: Vũ Phượng

Chị Ngọc nói thêm, ám ảnh nhất là cảnh chở con đi học từ Bình Chánh đến quận 8. Vì quá xa nên trong giờ con học phải đi lòng vòng đợi tới giờ chở con về. Đây không chỉ là nỗi ám ảnh của chị Ngọc, mà còn là điều nỗi lo thường trực của rất nhiều gia đình khác.

Ngồi chờ khách trên chiếc xe wave đã cũ, anh Nguyễn Hoài Nam (ngụ block A2.3) chia sẻ: “Nhà đẹp thì đẹp thiệt mà không biết làm gì để ăn. Trước chạy xe ôm ngay quận 12 còn có đồng ra đồng vô, đến giờ ra tít ngoài này, chung cư chẳng có ai, cứ đậu xe đây chờ, có khi cả ngày mới được một cuốc. Xưa ở kênh Tân Hóa – Lò Gốm nhà nhỏ, nước hôi nhưng mà thu nhập ổn định.”.

Nhiều hạng mục trường học tại chung cư vẫn đang trong quá trình hoàn thiện - Ảnh: Vũ Phượng

Chưa hết, những hộ bốc thăm trúng căn ở tầng trệt còn có thể buôn bán, tưởng rằng sẽ ổn định cuộc sống hơn, nhưng thực tế vì dân không ở nên việc kinh doanh buôn bán luôn trong tình trạng ế ẩm.

Chị Nguyễn Vân Anh (ở tầng 3, block B1.1) cho biết, khi mới chuyển sang chung cư, chị tiếp tục nghề cũ là bán bún bò, nhưng cả ngày chỉ bán được khoảng 20 tô, được một tuần thì… dẹp tiệm.

Không chỉ chị Vân Anh mà rất nhiều người dân khác muốn tiếp tục công việc buôn bán như cũ nhưng cũng đành bó tay vì không có khách.

Chính vì vậy, nhiều hộ đã bán lại căn hộ hoặc bỏ đó để về gần nơi ở cũ thuê nhà và tiếp tục làm ăn buôn bán.
 

Bỏ hoang nên xuống cấp?

Đại diện Ban quản lý cho biết, CCTĐC Vĩnh Lộc B được xây dựng với vốn đầu tư 1.062 tỷ đồng trên tổng diện tích 31ha, chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2010.

Toàn chung cư có 1.939 căn hộ nhưng chỉ có 306 hộ đang ở, nghĩa là vẫn còn tới 1.633 căn đang trống để chờ dân vào ở.

Cư dân tại chung cư Vĩnh Lộc B hiện nay toàn bộ cư ngụ tại các dự án cải tạo bờ kênh Tân Hóa – Lò Gốm, dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên,…

“Nhiều dự án thành phố chuyển về mấy trăm hộ một lần, nhưng thực tế chỉ vài chục hộ vào ký giấy nhận nhà. Do họ không đủ chi phí để trả tiền nhà, thậm chí nhiều hộ vào ký trả góp nhưng bỏ giữa chừng cả 6 tháng nay. Chúng tôi đang xin ý kiến sở để giải quyết, vì theo luật là 3 tháng chúng tôi có quyền cưỡng chế nhà rồi”, vị đại diện nói.
 


1633/1939 căn hộ đang bỏ hoang - Ảnh: Vũ Phượng

Vấn đề tiền nhà cũng làm không ít người dân phải bó tay vì “không có việc làm, tiền ăn còn không có lấy đâu mà đóng!”.

Theo ghi nhận, sau gần 6 năm hoạt động, CCTĐC Vĩnh Lộc B hiện còn 23 block chưa có người ở, bụi bám khắp các tay vịn cầu thang, mạng nhện giăng khắp nơi, rác vương vãi toàn bộ khu vực. Nhiều nơi cỏ mọc um tùm, trâu bò tìm đến ăn.

Nhiều block bị sụt lún khiến người dân hoang mang - Ảnh: Vũ Phượng

Ông Nguyễn Văn Minh (ngụ block B1.1) kể, trong vòng một năm bảo trì không biết bao nhiêu lần, từ việc tường thấm nước cho tới sụt lún.
“Nghĩ sao bao nhiêu nhà ở trên mà dưới chân tòa nhà nhìn thấy kẽ hở nứt toác vài phân. Kêu bảo trì thì chỉ tới trát xi măng để che kẽ hở cho người dân khỏi thấy, được vài bữa rồi đâu cũng vào đó”, ông Minh bức xúc.

Đáng chú ý là ngay từ phía đường dẫn vào chung cư chưa được rải nhựa, ngày nắng thì bụi bay tứ tung, ngày mưa thì sình lầy. Nhiều người dân cho biết, tại đoạn đường này xe máy bị chài bánh, hay thủng lốp là điều bình thường.

Đường vào chung cư vẫn chưa trải nhựa - Ảnh: Vũ Phượng

Từ các thực tế trên đặt ra vấn đề, đến khi nào người dân Sài Gòn ở CCTĐC mới hết khổ và an tâm với cuộc sống mới, đảm bảo thu nhập và hòa nhập với môi trường mới vẫn là câu hỏi lớn cần có sự trợ sức từ chính quyền.

Hơn nữa, trong khi nhiều người không có nhà ở thì ở đây còn rất nhiều căn bỏ hoang. Vậy giải pháp nào để người dân an tâm khi vào ở tại CCTĐC, đây vẫn là câu hỏi lớn mà thiết nghĩ các cơ quan chức năng và chính quyền TP.HCM cần xem xét để giúp bà con an sinh và tránh lãng phí đất đai và bỏ hoang căn hộ.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên