Top

Không yên tâm bấm nút vì đề án xây dựng quá vội vàng…

Cập nhật 08/05/2008 16:00

Theo chương trình kỳ họp Quốc hội (QH), ngày 13.5 tới, Chính phủ sẽ báo cáo trước QH đề án và các tờ trình về việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số tỉnh. Theo đó, toàn bộ diện tích của tỉnh Hà Tây và một phần địa giới của một số tỉnh: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hòa Bình... sẽ được sát nhập vào Hà Nội. Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn một số đại biểu QH về chủ trương này

Nhà sử học Dương Trung Quốc:

Đừng biến thủ đô thành nơi thử nghiệm cho một ý chí

Tôi nghĩ rằng mở rộng hay không mở rộng là nhu cầu phát triển nội tại của Hà Nội. Hà Nội hiện nay có rất nhiều mặt phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng chứa đựng rất nhiều vấn đề. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì đô thị phải hiện đại; nhưng chúng ta chưa có cơ chế và con người để làm được điều đó. Đến bây giờ chúng ta cũng chưa có chính quyền đô thị sau bao nhiêu năm xây dựng. Nhiều vùng ở thủ đô vẫn như là ở ngoại tỉnh thôi.

Vậy với một tỉnh có 920 km2 như hiện nay mà chúng ta còn đang bề bộn như thế này, mà chỉ với một chữ ký rồi có thông báo của ông bộ trưởng Nội vụ là 1.7 này chúng ta làm luôn thì cái gì sẽ xảy ra? Sự hỗn loạn xảy ra là điều chắc chắn.

* Đã có nhiều ý kiến cho rằng đề án này thực chất mới chỉ là một ý tưởng, chứ chưa phải là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học, thấu đáo. Nhưng vì sao nó lại đạt được sự nhất trí từ các bộ, ngành, hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố để trình ra QH nhanh như vậy?



Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Mọi người dân quan sát việc thông qua kế hoạch này đều thấy có gì đó không bình thường. Cá nhân tôi đánh giá việc này hệ trọng không kém gì việc vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, và cũng tự hỏi tại sao nó lại diễn ra một cách đơn giản như vậy.

Tại sao các cuộc họp về việc này của hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tây, Hà Nội... đều trong tình trạng bất thường? Mặc dù các văn bản mà đại biểu QH nhận được không đến nỗi chỉ là một vài trang, nhưng cũng có thể thấy đó không phải là những luận chứng khoa học, chưa đủ sức thuyết phục mà mới chỉ thể hiện một ý chí. Chính vì thế mà bảo bình luận, ủng hộ hay không ủng hộ rất khó. Có chăng là sự ủng hộ một ý chí thôi.

* Đây không phải là lần đầu tiên có việc sáp nhập các phần địa giới hành chính các địa phương khác vào Hà Nội. Việc sáp nhập lần này có lặp lại những thất bại của những lần tách, nhập trước đây?

Tôi nhìn vấn đề này theo con mắt của người chép sử thì việc tách nhập đã có không ít sai lầm. Kể cả sai lầm trên những phần mà chúng ta đã từng tách ra nhập vào rồi. Thế mà trong đề án không hề tổng kết những bài học trong quá khứ để có thể tránh khỏi những sai lầm. Không nên biến thủ đô là nơi thử nghiệm nặng nề cho một ý chí. Nhất là vào thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long như thế này.

* Theo ông, việc mở rộng phạm vi địa giới hành chính có giải quyết được những vấn đề bức xúc hiện nay của Hà Nội?

Nếu đọc trong văn bản thì tôi cảm thấy tư duy của các nhà thiết kế là sự pha loãng. Dùng không gian để pha loãng những vấn đề của Hà Nội. Nhưng đó là tư duy không biện chứng và không tưởng. Như nói là nhờ sự mở rộng như thế nên cây xanh trong thành phố sẽ nhiều hơn, mặt bằng để xây dựng đường sá nhiều hơn. Nhưng điều đó là lý thuyết thôi. Cái đó không phải là pha loãng nữa mà nó là sự biến dạng. Điều đó không ai có thể lường trước được. Có những yếu tố vận động theo quy luật của nó chứ không theo như ý muốn của chúng ta.

Có những vấn đề không nảy sinh trong nhiệm kỳ của người thiết kế mà nảy sinh trong nhiệm kỳ của người thừa kế. Nhưng hình như tư duy nhiệm kỳ và những lợi ích của nó là những động lực hiện vẫn cứ tác động vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Rất khó hãm cái phanh đó lại. Và điều đó tôi cho rằng có phần nào phiêu lưu.

* QH có vai trò gì trong việc xem xét, phê chuẩn kế hoạch này, và những nghị quyết của hội đồng nhân dân Hà Tây hay Hà Nội có giá trị pháp lý gì trong việc hợp nhất Hà Nội và Hà Tây?

Ông bộ trưởng Nội vụ có khẳng định: tất cả quy trình này là phù hợp với quy định pháp lý, không cần lấy ý kiến của dân vì các vị đại biểu hội đồng nhân dân là đại diện của dân rồi! QH cũng là đại diện của dân rồi. Nhưng cách nói như thế là ngụy biện. Và chúng tôi không dám đảm nhận chức trách quan trọng như thế. Nếu như dự án này được chuẩn bị thật kỹ, được cung cấp cho chúng tôi trước, thì trong các cuộc tiếp xúc với cử tri, chúng tôi sẽ hỏi dân, hỏi các nhà chuyên môn, các tổ chức nghề nghiệp - xã hội. Và có cơ sơ để bấm nút thông qua hay không thông qua.

Đến đây chúng tôi mới nhận văn bản ấy, cho dù nó cũng không đến nỗi một vài trang. Nhưng dẫu sao chúng tôi cũng không thể yên tâm trong vai trò đại diện của dân trong việc quyết định này được. Việc này đòi hỏi QH ra nghị quyết xong rồi mới tổ chức xây dựng đề án. Nhưng người ta lại làm ngược, để cuối cùng QH chỉ là nơi để lợi dụng thôi, khiến QH thành ra có tầm nhìn hạn chế. Nếu biểu quyết thông qua đề án này, tôi nghĩ, đó chỉ là thể hiện sự tín nhiệm với ý chí của những người đề ra dự án, chứ không phải tín nhiệm với tính khả thi của đề án đó.

GSTS Nguyễn Minh Thuyết, phó chủ nhiệm UB Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của QH:

Một đề án chuẩn bị rất vội vàng, không nên triển khai…

Tôi không tán thành vì sự chuẩn bị đề án này rất là cập rập, rất vội vàng; và theo tôi không nên triển khai. Với quan niệm hành chính hóa rất đơn giản, người ta tính dùng mệnh lệnh hành chính giải tán cả một tỉnh có truyền thống.

Chính phủ có giao cho bộ Xây dựng xây dựng đề án quy hoạch thủ đô mở rộng. Nhưng đề án này do bộ Xây dựng làm, cho nên nó chỉ có cái tầm của bộ Xây dựng thôi. Có thể bộ đưa ra được một số định hướng về xây dựng, về quy hoạch; nhưng toàn bộ các vấn đề về kinh tế - xã hội lại chưa giải đáp được. Ví dụ như việc nhập toàn bộ Hà Tây, huyện Mê Linh của Vĩnh Phúc và 40 xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình vào Hà Nội, thì với tốc độ đô thị hóa thủ đô như vậy sẽ có bao nhiêu người dân bị mất đất? Quy hoạch họ làm nghề gì để sống? Hay là mức thu nhập bình quân đầu người của người dân Hà Nội theo tính toán là 1.500 USD/năm trước khi nhập vào, thì phấn đấu đến bao giờ mức thu nhập bình quân đầu người ở Hà Nội trở lại mức ấy trong việc so sánh với TP Hồ Chí Minh và các nước khác trong khu vực?

Hàng loạt các chỉ tiêu về phát triển con người ở Hà Nội sẽ giảm mạnh. Đó là điều khó chấp nhận. Rồi đặc trưng bản sắc văn hóa của Hà Nội, Hà Tây... là thế nào, khi sát nhập tỉnh Hà Tây và các vùng khác vào thì còn có những đặc trưng chung không? Hà Tây, Hòa Bình cũng có những bản sắc văn hóa riêng.

Nhìn vào Hà Tây, Hòa Bình hiện nay ta chỉ thấy đó là quỹ đất thôi. Quỹ đất ở đó còn thênh thang thật. Nhưng thử hỏi với khả năng quản lý đô thị, xây dựng như hiện nay mà mình sử dụng được quỹ đất đó ngay thì có tiết kiệm được quỹ đất không, có xây dựng được thành một thủ đô đẹp, hiện đại không; hay để đó cho con cháu mình sau này, nó giỏi hơn mình sử dụng? Bây giờ mình làm thế rồi sau này không phá đi được, nếu có phá đi cũng hết sức lãng phí. Sự mở rộng phạm vi thủ đô quá trớn cũng sẽ gây ra lãng phí. Việc mở rộng thế này thì từ khâu tổ chức nhân sự đến đầu tư xây dựng trụ sở… làm lãng phí vô cùng.

Tôi thấy lạ là hội đồng nhân dân Hà Nội họp biểu quyết thông qua 100%, nhưng sau đó lại có 4 ông đại biểu phát biểu trên báo là chủ trương mở rộng này là sai. Hỏi thế tại sao các anh lại bỏ phiếu tán thành thì họ bảo là ở trong tình thế đó phải thế! Thế chắc gì mấy chục ý kiến của các vị đại biểu hội đồng nhân dân là thành thực hết? Tôi cho là nếu không tổ chức được trưng cầu dân ý cũng nên thăm dò dư luận, vì việc mở rộng phạm vi thủ đô mà tới 3 - 6 lần là một chuyện đại sự. Xóa cả một tỉnh trong lịch sử không phải là câu chuyện nhỏ.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị