Top

Không đồng ý phương án huy động vốn của các hộ kinh doanh để xây dựng chợ Mơ

Cập nhật 15/05/2008 16:00

Trong 2 ngày 14 và 15/5, Hội đồng GPMB quận Hai Bà Trưng đã tổ chức họp công khai và chính thức công bố các văn bản pháp lý và dự thảo phương án hỗ trợ tới hơn 1.200 hộ kinh doanh phải di dời bàn giao mặt bằng phục vụ dự án xây dựng chợ truyền thống và trung tâm thương mại chợ Mơ. Một số thắc mắc, kiến nghị của các hộ kinh doanh cũng được đại diện UBND quận Hai Bà Trưng kịp thời giải đáp.

Ngay trong ngày 14 và 15/5, bản dự thảo phương án đã được BQL chợ Mơ phát tới từng hộ kinh doanh. Và theo Thông báo số 89/TB-UBND của UBND quận Hai Bà Trưng, trong các ngày từ 16 đến 18/5, Tổ công tác và BQL chợ Mơ tiến hành thu lại bản dự thảo phương án, trong đó có cả các phần ý kiến đóng góp, kiến nghị của các hộ. Qua đó, Hội đồng GPMB và BQL chợ sẽ trả lời các thắc mắc, đồng thời phúc tra các trường hợp còn vướng mắc để hoàn chỉnh phương án hỗ trợ. Sau đó, từ ngày 19 đến 31/5, các phương án này sẽ được trình UBND quận phê duyệt.

Về thời gian di dời cụ thể sẽ chia làm 4 đợt, mỗi đợt khoảng 300 hộ. Theo kế hoạch của UBND quận Hai Bà Trưng, thời gian tổ chức bốc thăm vị trí kinh doanh tại chợ tạm, chi trả tiền hỗ trợ và di chuyển bắt đầu từ ngày 25/5 và kết thúc vào ngày 25/6 để đến ngày 27/6 có thể bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là Tổng Công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam-VINACONEX.

Cũng trong buổi họp các hộ kinh doanh ngày 14/5, một số thắc mắc về chợ tạm chật hẹp, gần sông Kim Ngưu ô nhiễm, mức hỗ trợ còn thấp hay mong muốn được góp vốn xây dựng chợ truyền thống… đã được các hộ gửi tới các cơ quan chức năng.

Về vấn đề chợ tạm, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó chủ tịch thường trực UBND quận Hai Bà Trưng khẳng định: "Đây là sự cố gắng rất lớn của chính quyền TP, quận và nhà đầu tư trong điều kiện quỹ đất trên địa bàn quận không còn điểm nào khác để làm chợ tạm. Việc xây dựng chợ tạm chỉ nhằm giải quyết một phần nguyện vọng được tiếp tục kinh doanh trong thời gian xây dựng Trung tâm thương mại chợ Mơ của bà con tiểu thương. Tuy nhiên, do điều kiện chợ tạm không đảm bảo đầy đủ về diện tích, vệ sinh môi trường… nên quận không khuyến khích việc kinh doanh tại chợ tạm".

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và nhà đầu tư, các hộ kinh doanh có quyền không lựa chọn không ra kinh doanh tại chợ tạm để được nhận các khoản kinh phí hỗ trợ theo quy định. Khi đó, các hộ này sẽ được nhận các khoản kinh phí hỗ trợ theo quy định để tự tìm địa điểm phù hợp để duy trì việc kinh doanh cho tới khi được tái bố trí vào chợ truyền thống trong Trung tâm thương mại chợ Mơ.

Đối với kiến nghị nâng cao mức hỗ trợ và mong muốn được tham gia cổ phần xây dựng chợ truyền thống, cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, hơn 1.200 hộ kinh doanh chỉ là người thuê địa điểm kinh doanh theo hợp đồng trả tiền hàng tháng (hết hạn hợp đồng tháng 5/2008) hoặc theo vé chợ. Chiếu theo quy định của Luật Đất đai và các quy định hiện hành của Chính phủ và TP thì các hộ kinh doanh không phải là người bị thu hồi đất. Do đó không được hưởng quyền lợi của người bị thu hồi đất khi áp dụng chính sách GPMB.

Đề nghị được tham gia cổ phần cũng không được chấp thuận bởi UBND TP, quận và nhà đầu tư VINACONEX không có chủ trương huy động góp vốn bằng hình thức cổ phẩn của các hộ kinh doanh của các hộ kinh doanh đang thuê địa điểm tại đây để đầu tư xây dựng chợ truyền thống và trung tâm thương mại…

Theo Kinh Tế Đô Thị