Top

"Không cần Thủ đô lớn về số lượng mà về chất lượng"

Cập nhật 10/05/2008 16:00

"Vấn đề chỉ là thời gian chín muồi hay chưa và cách thức thực hiện thế nào. Cơ quan đưa ra tờ trình ắt cũng đã phải tính trước tới những tình huống có lợi hoặc bất lợi. Và mỗi đại biểu QH, họ nhìn nhận và đánh giá số liệu đó như thế nào", TS Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế QH nhận định về những tranh luận xung quanh việc mở rộng Hà Nội.

Phát triển không gian Thủ đô hay địa giới hành chính?

Chủ tịch UBND TP.HN Nguyễn Thế Thảo mới đây có phát biểu, bộ máy mới của Thủ đô sau mở rộng sẽ hoạt động vào đầu tháng 7, mọi việc đã chuẩn bị chỉ còn chờ Quốc hội thông qua. Nhưng UB Pháp luật là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra lại đề nghị hoãn thông qua phương án. Vậy các ĐBQH hiện còn đang băn khoăn điều gì từ tờ trình của Chính phủ?

Phát triển thủ đô là chủ trương đúng nhưng vấn đề cần bàn đó là phát triển không gian thủ đô hay địa giới hành chính? Tờ trình vừa qua vẫn chưa nêu hết được những tác động xung quanh việc mở rộng địa giới HN.

Mở rộng thủ đô theo nghĩa có tác động lớn, quan trọng về kinh tế - văn hóa - xã hội tới các vùng lân cận và cả nước là quan điểm thống nhất. Điều khiến ĐBQH còn băn khoăn đó là chúng ta thường quen đồng nhất việc mở rộng không gian kinh tế chính trị văn hóa thủ đô với việc mở rộng địa giới hành chính. Băn khoăn nữa là chưa biết cách thức thực hiện thế nào.

Việc Thủ tướng phê duyệt bản Quy hoạch mở rộng vùng Thủ đô ngày 5/5/2008 nhằm định hướng Hà Nội nên là Thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, xung quanh nó là các vệ tinh thuộc khái niệm vùng Thủ đô. Như vậy, Hà Tây là 1 tỉnh thuộc vùng Thủ đô chứ không phải sáp nhập Hà Tây về Thủ đô Hà Nội. ĐBQH có bị lẫn lộn điều này?

Nhiều nước trên thế giới không đưa phát triển kinh tế thành trọng tâm của phát triển  thủ đô. Nhìn các nước khác, phát triển tuần tự từ kinh tế nông nghiệp lên công nghiệp, sau đó là tự động hóa và kinh tế tri thức. Điển hình như Paris và London.

Hay như Mỹ và Đức, sau 1945 người ta xây dựng thủ đô trên quan điểm khác hẳn. Washington cũng như Bon đều không phải trung tâm kinh tế của Mỹ và Đức.

So với Los Angeles, Seattles hay San Francisco, thì Washington hoàn toàn không phải là nơi mà người dân có mức thu nhập cao nhất. Mỗi nước đều có bước đi phù hợp với tình hình kinh tế và không gian phát triển.

Chúng ta không cần phải trở thành một thủ đô to lớn, vĩ đại về số lượng mà nên cân nhắc về mặt chất lượng.

"Công khai bước đi để người ta biết quy hoạch đó"

Vậy theo ông, trong quy hoạch của Thủ đô HN hiện nay còn phải thay đổi vấn đề gì?

Có một điều quan trọng trong tờ trình là Hà Nội hiện đang có 3,4 triệu dân và 2 triệu người vãng lai đến lao động. Phải phân tích được là HN năm 1954 chưa đến 700 dân. Vậy HN đã làm được những gì để tiếp nhận thêm 2,7 triệu dân như hiện nay. Tỷ lệ khu đô thị như thế nào? Tỷ lệ nhà ở như thế nào? Tỷ lệ bệnh viện, trường học ra sao?

Còn với 2 triệu vãng lai, tại sao họ vào HN? Có phải vì quy hoạch các khu công nghiệp đều tập trung ở HN không? Hay là do  tất cả bộ máy hành chính, công ty, doanh nghiệp đều đặt ở trung tâm nên họ vào hết HN?

Từ những năm 1980 đã có quy hoạch Hà Nội. Nhưng chúng ta vẫn chưa hề có một đánh giá sâu sắc rằng tại sao việc mở rộng địa giới lên Xuân Hòa (Vĩnh Phúc, PV) lại thất bại. Tại sao quy hoạch phát triển lên Xuân Mai - Hà Tây lại không thực hiện được. Nhưng bây giờ lại quay trở về đúng quy hoạch mở rộng lên Xuân Mai.

Tại sao, 26 năm về trước chúng ta lại không thực hiện được quy hoạch này mà bây giờ lại làm y như vậy? Có điều gì cụ thể ở đây về điều kiện thực hiện cần phải trao đổi hay không? Cần phân tích rõ.

Việc mở rộng ra cần thống nhất quan điểm, còn phương án cụ thể như thế nào sẽ bàn sau.

Yêu cầu đầu tiên là phải có quy hoạch cụ thể, sau đó phân bước đi cụ thể. Và điều quan trọng là cần phải công khai bước đi để người ta biết quy hoạch đó. Người dân muốn phát triển, ổn định.

Quy hoạch tới đây, đầu tiên phải xác định mở rộng Thủ đô theo pháp lệnh Thủ đô và quyết định của Bộ Chính trị là một trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, sau đó mới đến kinh tế.

Có thể thời gian tới không đặt bài toán HN là đầu tàu kinh tế cho cả nước vì HN hiện đã thua TP.HCM và tốc độ phát triển sẽ thua Thanh Hóa khi Thanh Hóa phát triển Nghi Sơn.

Như vậy, trên cơ sở những định hướng đã có và quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ khi quy hoạch vùng Thủ đô và vùng động lực kinh tế đồng bằng Bắc Bộ, là những thứ đã có, chúng ta phải xem xét quy hoạch phát triển Hà Nội trên nền đã thông qua.



Hà Nội nên là Thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, xung quanh
nó là các vệ tinh thuộc khái niệm vùng Thủ đô. (Ảnh:IE)


Nhưng cơ quan soạn thảo đề án chưa tính tới việc tham khảo ý kiến chuyên gia và người dân?

- Hình thức thông tin của cơ quan quản lý người dân đã đúng chưa. Bản thân người dân đã có trách nhiệm gì với chỗ ở của mình chưa? Chưa ai nói QH sẽ thông qua, sắp tới bàn thảo, có thể thông qua hoặc không. Điều đó phụ thuộc vào thảo luận tới đây tại Hội trường, người hỏi và người được giao phân công chủ trì đề án giải trình và độ giải trình thuyết phục.

Trong bối cảnh lạm phát đang yêu cầu tiết kiệm chi cho đầu tư công, thì tới đây, ngân sách cho kế hoạch mở rộng sẽ được tính thế nào?

- Trong bối cảnh đang tiết kiệm chi cho đầu tư công thì đặt vấn đề này ra đã hợp lý hay chưa? Trừ trường hợp Chính phủ đã có một nguồn chi nào đấy dự phòng và bảo rằng cần phải làm và Chính phủ có thể cân đối được thì lúc đó chúng ta có thể xem xét thêm. Đây sẽ là những vấn đề cần trao đổi.

Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển

-Vẫn còn nhiều tồn tại trước mắt của Hà Nội như bảo tồn khu phố cổ, bài toán giao thông, quy hoạch đô thị... theo ông, HN nên tập trung xử lý những vấn đề này trước hay tính việc mở rộng địa giới?

- Vấn đề mâu thuẫn đầu tiên ở HN là giữa bảo tồn và phát triển. Nhiều năm nay đã có ban quản lý khu phố cổ nhưng chưa có được phương án nào bảo tồn mà thuyết phục được người dân lẫn nhà khoa học.

Do đặc thù  chiến tranh, HN ngày càng thu gọn lại so với thời trước. Trong quá trình này, chỗ nào cần bảo tồn, chỗ nào để người dân tự phát triển đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Chưa kể trong thời đại phát triển, dân số tăng, nhu cầu tăng. Và quy hoạch thì phải luôn tính đến nhu cầu của người dân.

Chẳng hạn ở HN, xe ô tô tư nhân, cấm hay không cấm. Vì khi quy hoạch, phát triển các khu vực chưa lường đến trước tình huống có ô tô. Hiện tình trạng giao thông tĩnh là thấp nhất. Không thể nói là không thể cho người dân mua ô tô. Buộc người làm quy hoạch phải nhìn lại là quy hoạch thế nào? Vậy có cho phá nhà thấp tầng xây thành nhà cao tầng không? Mật độ phương tiện giao thông lưu thông trên đường xá cũ được làm trước đó, đến nay làm có  đạt yêu cầu nữa không. Ùn tắc xảy ra là tất yếu.

Tổ chức mạng lưới giao thông vận tải ở HN lẫn TP.HCM đều không đạt yêu cầu.



Mật độ phương tiện giao thông lưu thông trên
đường xá cũ, ùn tắc xảy ra là tất yếu.(Ảnh: IE)


Nếu đề án chưa được thông qua tại kỳ họp này, sẽ có những phương án gì cần tính tới?

- Nói là không thông qua thì hơi sớm. Nếu không thì sẽ chuẩn bị được, trên tinh thần làm sâu và rõ thêm những gì chưa giải thích. Vấn đề ở đây chỉ là thời gian chín muồi hay chưa và cách thức thực hiện như thế nào. Cơ quan đưa ra tờ trình ắt cũng đã phải tính trước tới những tình huống có lợi hoặc bất lợi khi soạn thảo đề án. Và mỗi đại biểu QH, họ nhìn nhận và đánh giá số liệu đó như thế nào.

Vậy ông có bấm nút thông qua hay không và ông sẽ phát biểu gì tại hội trường?

- Tôi đã đọc tờ trình, nghiên cứu và thấy có nhiều vấn đề cần hỏi cơ quan hữu quan. Nhưng hiện tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời. Nếu khi đã có câu trả lời, thấy nó hợp lý, có cơ sở khoa học thì đại biểu sẽ đồng ý.

Nhưng điều cần phải bàn thảo với nhau đó là cách làm như thế nào thì hợp lý, có phải chúng ta làm một cách cơ học hay không? Nếu nhập cơ học thì phải xem lại. Còn nếu có lộ trình, làm từng bước thì rất nên thực hiện.

Theo Vietnam Net