Top

Khốn khổ sống trong tòa nhà hơn 10 năm chưa có sổ đỏ giữa lòng Hà Nội

Cập nhật 07/06/2017 13:58

Mặc dù đã nộp tiền sử dụng căn hộ từ năm 2004, nhưng đến nay, 45 hộ dân ở tại tòa nhà Sông Đà (ngõ 165 Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng căn hộ. Việc bị “treo” sổ đỏ kéo theo nhiều phiền toái, thiệt thòi trong quá trình trở thành “công dân Thủ đô” của các cư dân.


Cư dân tòa nhà Sông Đà - Cầu Giấy bức xúc vì hơn chục năm nay "sống lậu" giữa Thủ đô.

Khổ đủ đường vì không có sổ đỏ

Ngày 4.6, báo Lao Động đã có bài phản ánh bức xúc của 45 hộ dân về việc hơn 10 năm qua, họ vẫn chưa được cấp sổ đỏ, trong khi hợp đồng ghi rõ: "Sau 12 tháng vào ở, chủ đầu tư phải có nghĩa vụ làm Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho các cư dân".

Việc phải sống "lậu" trong căn nhà không có sổ đỏ khiến 45 hộ gia đình không khỏi lo lắng. Nhiều lần họ yêu cầu chủ đầu tư bàn giao hồ sơ để tự đi làm sổ đỏ nhưng không được đáp ứng.

Bà La Thúy Phương - Tổ phó Tổ dân phố số 20, phường Dịch Vọng (cư dân tòa nhà Sông Đà) - cho hay, thời gian gần đây rộ lên thông tin chủ đầu tư cầm cố sổ đỏ của dân để phục vụ mục đích cá nhân. “Liệu có khả năng chủ đầu tư nợ thuế sử dụng đất nên mang sổ đỏ của dân đi cắm ngân hàng? Nếu không tại sao họ không bàn giao hồ sơ cho chúng tôi?”, bà Phương đặt nghi vấn.

Cùng với nỗi bức xúc vì bị “treo” sổ đỏ là nỗi thống khổ của người dân khi việc giải quyết thủ tục hành chính trở nên khó khăn.

Cư dân tại tòa nhà Sông Đà cho biết, nhiều hộ dân muốn vay tiền trả nợ, kinh doanh hoặc chuyển nhượng đành “bó tay” vì chưa có sổ đỏ. Thành thử dù có nhà hợp pháp nhưng họ ấm ức vì không thể thế chấp; các hợp đồng mua bán cũng không được công chứng “đàng hoàng” mà phải dùng giấy viết tay theo kiểu “amateur".

Không dám đi cầu thang máy “cùi bắp”

Theo các hộ dân, vấn đề vệ sinh, cầu thang, chất lượng nhà ở cũng khiến họ không hài lòng. Cô La Thúy Phương cho hay, cách đây không lâu, ai vào đây cũng "quở" tòa nhà quá bụi bẩn, nhem nhuốc, bởi ban quản lý tòa nhà không dọn dẹp. Thời điểm đó, cô Phương phải đứng ra thu tiền các hộ gia đình để thuê một công ty vệ sinh vào dọn dẹp. “Hôm đầu dọn dẹp phải huy động 3 xe rác cỡ lớn chở mới hết”, cô Phương nói.

Bên cạnh đó, cầu thang máy “cùi bắp” lên xuống nhầm tầng là “chuyện thường ngày ở chợ”. Anh Dũng, một hộ dân chia sẻ: “Có lúc tôi chọn lên tầng 9 nhưng đến tầng 11 nó mới chịu dừng. Nhiều người sợ hãi không dám sử dụng nên chọn đi cầu thang bộ. Tuy nhiên, để leo được mười mấy tầng tòa nhà cũng bở hơi tai”.

Các hộ gia đình ở tòa nhà Sông Đà cho rằng, kể từ khi tòa nhà được bàn giao, đưa vào sử dụng, đến nay đã phát sinh một số vấn đề vi phạm như chủ đầu tư không phân tách rõ ràng các diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng với các hộ dân. Toàn bộ khu vực sân của tòa nhà là diện tích sở hữu chung đã bị chiếm dụng để trông giữ ôtô trái phép.


Tầng 1 được cơi nới thành quán cà phê, gây mất trật tự tòa nhà.

“Xe ôtô đỗ tràn lan ở sân, trẻ em không có chỗ vui chơi, phải đi bộ ra công viên Cầu Giấy rất xa. Chúng tôi nhiều lần đề nghị phía Công ty Sông Đà 1 cho các hộ dân 2 cột để xe nhưng họ không đồng ý. Mỗi khi lấy xe phải mất 15-20 phút mới lấy được”, ông Phùng Văn Ổn (số nhà 8E) bức xúc.

Theo chia sẻ, chủ đầu tư còn cơi nới một phần tầng 1 để xây dựng quán cà phê âm nhạc thu lợi nhuận. Được biết, quán cà phê này hoạt động rất muộn, thường xuyên gây ồn ào khiến những hộ dân sống ở tầng 2, tầng 3 mất ăn mất ngủ.

Trước những khó khăn, vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ cũng như bức xúc của người dân về chất lượng dịch vụ của tòa nhà Sông Đà, bà Trần Mai Phương – Phó Chủ tịch phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) - cho hay, sẽ báo cáo sự việc này với Đảng ủy phường Dịch Vọng để tháo gỡ những thắc mắc của 45 hộ gia đình ở tòa nhà Sông Đà.

Bà Phương chia sẻ: “Chủ đầu tư là những người làm việc trực tiếp tại tòa nhà, hơn ai hết phải thấu hiểu những nỗi niềm của người dân. Nếu phía Công ty CP Sông Đà 1 phối hợp tốt với cư dân thì sẽ không có sự bức xúc như ngày hôm nay”.

Liên quan đến những dấu hiệu vi phạm của chủ đầu tư trong việc quản lý vận hành và sử dụng tòa nhà Sông Đà, ông Lê Minh Hải – Phó trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy - cho biết, cần phải xem xét, nghiên cứu tính chất pháp lý, mục đích sử dụng, công năng của tòa nhà này mới đủ cơ sở để kết luận có vi phạm hay không.

Ông Hải nhấn mạnh: “Trước ngày 12.6, phía công ty phải cung cấp hồ sơ pháp lý tòa nhà lên Phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy để thẩm tra”.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động