Top

Đua lướt sóng đất nền, người mua ngậm trái đắng

Cập nhật 07/06/2017 10:03

Đầu năm 2017, thị trường bất động sản (BĐS) đất nền tại nhiều vùng ven Tp.HCM xuất hiện cơn sốt ảo. Giới môi giới, cò đất đưa ra nhiều thông tin trái chiều khiến giá đất liên tục tăng cao. Có nhiều nơi giá đất liên tục tăng trung bình mỗi tháng 10%.

Theo các chuyên gia BĐS, biên độ tăng này là rất lớn nếu xét trong thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên, sau thời gian tăng cao do sốt ảo, nhiều người mua nhà nhằm mục đích lướt sóng đã phải ngậm trái đắng khi cơn sốt ảo “hạ nhiệt”.

Trước thông tin sốt ảo đất nền vùng ven, Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) đã liên tục đưa ra những lời cảnh báo, biện pháp gửi các cơ quan chức năng nhằm hạn chế “sốt giá ảo” đất nền. Trên thực tế, nhiều khách hàng vì tin lời cò đất và giới môi giới nên đã ôm đất mà không nắm kỹ thông tin nên giờ phải ngậm trái đắng khi cơn sốt ảo chấm dứt.

Mua xong, bán không nổi

Trao đổi với phóng viên, anh D. (quận 9, Tp.HCM) – một người thường xuyên “lướt sóng” dự án đất nền – cho biết: Đầu năm 2017, khi cơn sốt đất nền bùng lên, anh có mua hai suất đất nền tại dự án Spring City (xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) của công ty Cổ phần BĐS Vạn An Phát đầu tư. Lúc mua, do tin tưởng vào lời hứa hẹn của nhân viên môi giới là có thể bán “lướt sóng” sau 2 – 3 tuần và cam kết bán lại nếu khách hàng có nhu cầu.

Song cho đến nay, hai suất đất nền của anh chẳng những không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn mà trái lại, số tiền anh đầu tư vào đó vẫn chưa biết ngày nào thu hồi nổi. “Dù chấp nhận chịu lỗ nhưng vị trí khu đất tôi mua không được thuận lợi nên ít người mua”, anh D. nói.

Trong khi đó, nhờ phía môi giới bán cũng không được, họ đưa ra đủ mọi lý do để thoái thác. Còn trao đổi với chủ đầu tư, họ cho biết không có chính sách bán hàng đầu tư lướt sóng với bất kỳ dự án nào.

Như vậy, rõ ràng trong cơn sốt ảo đất nền vừa qua, giới đầu nậu và cò đất là bên thủ lợi, còn người chịu thiệt chính là khách hàng, người đầu tư lướt sóng.

Trước đó, nhiều chuyên gia BĐS cũng đã đưa ra lời khuyên, cơn “sốt giá ảo” đất nền sẽ tác động tiêu cực đến thị trường BĐS, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều người không tin vẫn ôm mộng làm giàu, nay cơn sốt ảo đã tan nên khách hàng chịu lỗ là điều đương nhiên.

Để bán được sản phẩm, giới đầu cơ, cò đất sẵn sàng đưa ra những thông tin “trên trời” thu hút người mua. Nhưng một khi sản phẩm đã được bán ra, trách nhiệm sẽ không còn là vấn đề để họ quan tâm đến. Thực tế, sau cơn sốt ảo đất nền vừa qua, người đầu tư lướt sóng có thêm bài học mới là không nên tin vào giới đầu cơ, cò đất.

Cơn “sốt giá ảo” đất nền tác động tiêu cực đến thị trường BĐS, làm méo mó thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Không nên tin cò đất

Trong vai người mua đất nền, nhóm phóng viên tìm đến phường Thạnh Xuân, quận 12. Đây là một trong những nơi “có giá” trong cơn sốt đất nền vừa qua. Ngay khi có mặt, chúng tôi đã được một cò đất tên H. dẫn đi xem một số dự án đất nền đang được triển khai.
Chỉ vào một khu đất, H. chào mời: “Vị trí khu đất này nằm gần đường Thạnh Xuân 25, đường vào rộng rãi, 400 triệu một nền là giá khá bèo. Giá đất nền ở đây đang tăng chóng mặt lắm, anh nên chọn mua ngay không hết. Hôm qua vừa có khách vào lấy 5 nền luôn. Anh quyết định mua ngay đi, nhỡ không mai anh quay lại là hết đó”.

Thấy khách còn chần chừ, H. tiếp tục: “Anh cứ mua đi, chỉ cần đặt cọc 50 triệu, tháng sau anh thanh toán hết là có sổ ngay trong tay. Còn nếu anh muốn đầu tư thì bán chạy lắm. Chỉ trong tháng, anh bán lướt sóng cũng kiếm được mấy chục triệu một nền”.

Còn tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, cơn sốt đất nền cũng kéo theo một lực lượng cò đất, giới đầu cơ tập trung về đây. N. – một cò đất – cho biết, đầu năm đến nay cũng kiếm được một mớ (tiền thu được từ việc làm cò đất) nhờ đất nền sốt giá.

N. tiết lộ: tuần trước giới thiệu được cho ông khách mua lô đất 1,2 tỷ đồng, ông đặt cọc 100 triệu đồng, vừa sáng nay ông báo bán được 1,4 tỷ đồng. Ông hứa cho 20 triệu khi thực hiện xong hợp đồng này.

N. cho biết thêm, chỉ cần biết thông tin, giới thiệu khách hàng thật hay, nhiều lúc ăn tiền lời chênh lệch. Còn không, cứ kiếm tiền cò mỗi bên cũng được 5 – 10 triệu đồng.

“Muốn kiếm chênh lệch phải bỏ tiền ra, tìm những lô đất có giấy tờ đầy đủ, nằm gần mặt đường, có thể buôn bán để người ta dễ chấp nhận. nhiều lúc đặt cọc 50 triệu đồng nhưng hôm sau bán lại mình cũng thu được cả trăm triệu đồng”, N. nói.

Khi được hỏi, nếu người mua không bán lại được thì thế nào, N. trả lời: “Đó là việc của họ, mình nói là nói vậy nhưng họ quyết định mua mà. Nên dù bán được hay không, mình vẫn có lời, còn họ cũng không làm gì được mình”.

Theo một chuyên gia BĐS, giá đất nền đang tăng chóng mặt khiến nhiều người đầu tư hám lợi nhanh chóng nhập cuộc. Thậm chí, có không ít người chấp nhận vay ngân hàng để đầu tư lướt sóng.

“Tin vào cò, tin vào giới đầu cơ, chỉ thiệt cho khách hàng mà thôi. Bởi vì, giới đầu cơ thường có vốn lớn, nắm trong tay một lượng lớn nền đất và muốn tạo cơn sốt giá để ra hàng._Khi sản phẩm đã được bán ra, giới đầu cơ thu lợi còn khách hàng và dân lướt sóng phải chấp nhận ôm đất “chịu lỗ” mà không thể làm gì”, chuyên gia này chia sẻ.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh