Top

TP. HCM: Làn sóng dự án bất động sản rầm rộ ăn theo “cơn sốt” hạ tầng

Cập nhật 07/06/2017 13:55

UBND TP. HCM vừa kiến nghị Thủ tướng chấp thuận 12 dự án hạ tầng trọng điểm, với tổng vốn đầu tư lên đến 59.723 tỷ đồng. Cùng với những dự án hạ tầng lớn đang triển khai, thông tin này tiếp tục lan rộng làn sóng các dự án “ăn theo”.


Ảnh minh họa.

Tại khu Đông TP. HCM, thông tin khởi công đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành, 800 tỷ đồng, do liên doanh Tiến Phước - Keppel Land làm chủ đầu tư đã góp phần tích cực tăng thanh khoản, giá bán các dự án dọc theo tuyến giao thông này.

Theo ghi nhận, lượng khách hàng quan tâm cũng như giá bán thứ cấp các dự án nơi tuyến đường song hành đi qua như: Lakeview City (Q.2), Palm City (Q.2), Homyland 2 (Q.2)… đều tăng đáng kể. Dự án Homyland Riverside (Q.2) với trị trí chiến lược có 220m mặt tiền đường dẫn vào đường song hành, cũng được hàng trăm khách hàng đặt mua dù chủ đầu tư chưa công bố mở bán chính thức.

Không chỉ những dự án đã khởi công mà cả những dự án còn chưa được thông qua, hoặc chưa có chủ đầu tư… nhưng cũng đã có hiệu ứng mạnh đối với thị trường. Điển hình như dự án xây cầu nối khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi vào Đảo Kim Cương (Q.2), mới chỉ được TP.HCM kiến nghị lên Thủ tướng, nhưng đã trở thành “đòn bẩy” để môi giới thúc đẩy việc “chốt khách”.

Đặc biệt, phân khúc đất nền ở một số khu vực tại TP.HCM, thời gian qua, đã lên cơn sốt bởi những dự án hạ tầng “trên giấy”. Để chấn chỉnh tình trạng “sốt ảo”, gây bất ổn thị trường, UBND TP. HCM đã công bố thông tin chính thức về các dự án hạ tầng. Theo đó, TPHCM cho biết dự án xây cầu Bình Khánh nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ mới có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với dự án Marina City trên địa bàn huyện Cần Giờ, UBND TP. HCM đã từ chối thực hiện. Còn dự án đường trên cao từ huyện Củ Chi về trung tâm mới chỉ là ý tưởng của một doanh nghiệp, chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, việc hạ tầng đến đâu, giá bất động sản tăng đến đó là chuyện không phải bàn cãi. Tuy nhiên, từ khi xin phép dự án, đến khi được chấp thuận, bố trí được nguồn vốn là câu chuyện rất dài.

“Chủ đầu tư có đủ lực để triển khai dự án đúng tiến độ đặt ra hay không cũng là vấn đề cần quan tâm. Do vậy, khách hàng cần thận trọng, không nên theo tâm lý đám đông, nghe có dự án là đầu tư “ăn theo” mà phải tìm hiểu kỹ” - ông Châu nói.

Ông Cao Văn Tuấn, Tổng Giám Đốc Liên Minh Land, cho rằng, hạ tầng giao thông là vấn đề nóng của TP.HCM. Có rất nhiều dự án được đề xuất nhưng không phải dự án nào cũng khả thi và tìm được chủ đầu tư đủ lực ở thời điểm này. Việc triển khai các dự án BT như đường song hành cao tốc TP. HCM - Long Thành, với chủ đầu tư có tài chính mạnh sẽ là giải pháp tốt khi nhiều dự án ở thành phố đang trong tình trạng “đói vốn”.

Nói về các dự án được ưu tiên thực hiện trong tình trạng hiện nay, Tiến sỹ Đinh Thế Hiển cho rằng, sẽ phải dựa trên nguyên tắc, dự án nào có tính lan tỏa chung, phục vụ cho sản xuất kinh doanh sẽ được ưu tiên. Ví dụ như việc mở rộng đường Quốc lộ 1 để lưu thông hàng hóa; mở rộng cảng do đường đang bị ùn tắc hoặc cảng vượt công suất… Còn những dự án mang tính giao thông, mở rộng khu đô thị mới như Cần Giờ, cầu qua đảo Kim Cương thì phải xếp vào cuối cùng.

“Với những người đầu tư ăn theo hạ tầng, đầu tư những khu vực nào sau này hạ tầng tốt mà giá đất lên là hợp lý, không có vấn đề gì. Vấn đề là việc đầu tư dùng vốn dài hạn của mình hay là lướt sóng với vốn vay. Nếu chúng ta thấy vùng đó đón đầu quy hoạch để nhảy vào mua nhưng nguồn vốn đó không phải là vốn dài hạn mà là vốn vay thì nguy cơ đối đầu với rủi ro rất cao. Nếu dự án hạ tầng đó không triển khai thì hoàn toàn mất vốn trong vài ba năm, ông Hiển khuyến cáo.

DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ