Top

Hà Nội: Ký túc xá nghìn tỷ bỏ hoang

Cập nhật 04/04/2016 09:24

Sau gần 6 năm triển khai, dự án khu ký túc xá tập trung Pháp Vân-Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được đầu tư gần 1.900 tỷ đồng mới thu hút được rất ít sinh viên. Nhiều tòa nhà thi công dang dở, cỏ hoang, rác thải phủ kín lối vào…

Hàng nghìn phòng tại KTX Pháp Vân đã xây xong nhưng chưa có sinh viên ở.

Khu ký túc xá (KTX) Pháp Vân-Tứ Hiệp là một trong hai dự án KTX tập trung quy mô lớn và hiện đại bậc nhất tại Hà Nội được khởi công xây dựng năm 2009. Khác với viễn cảnh một dự án KTX hiện đại hàng đầu cả nước với hàng vạn sinh viên, trước mắt chúng tôi là 5 tòa nhà bỏ hoang lạnh lẽo, cây leo bám cả lên các vách cửa sổ chưa lắp kính. Trong đó 4 tòa nhà đã hoàn thiện phần xây thô, trát ngoài và một tòa nhà đã hoàn thiện toàn bộ. Do bỏ hoang lâu ngày nên toàn bộ phần bên ngoài các tòa nhà xây dở dang, cỏ mọc ngập đến ống chân, rác thải đổ thành đống bốc mùi hôi thối.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, khu KTX Pháp Vân-Tứ Hiệp gồm có 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6) được khởi công từ tháng 9/2009. Theo thiết kế, khu KTX này có khả năng đáp ứng chỗ ở cho hàng vạn sinh viên. Tuy nhiên đến nay mới có 2 toàn nhà đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong đó 1 tòa nhà mới vỏn vẹn có khoảng 15% sinh viên (so với công suất thiết kế) đến ở và 1 tòa nhà thì chưa có sinh viên nào đến ở sau 1 năm đưa vào khai thác. Ngoài ra, còn 3 tòa nhà xây dựng dở dang. Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, tiến độ xây dựng đã bị chậm so với kế hoạch lên tới 3 năm do việc bố trí vốn bị chậm và không phù hợp về thời điểm. Dự án được lập và triển khai trong giai đoạn có biến động lớn về giá các vật liệu xây dựng dẫn đến tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh tăng thêm, từ gần 1.500 tỷ đồng lên gần 1.900 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại KTX Pháp Vân, giá thuê và tiện nghi sinh hoạt, an ninh trật tự khá tốt nhưng sinh viên vẫn không mặn mà khi chuyển đến đây. Nguyễn Hồng Nam, sinh viên Đại học kinh tế quốc dân cho rằng, lý do khiến sinh viên không muốn chuyển đến ở đó là phải đi lại xa trường, không thuận tiện cho việc học thêm tiếng Anh. “Các trung tâm tiếng Anh, tin học đều nằm ngay sát cổng trường. Em chuyển về đây đi lại bằng xe buýt cũng mất khoảng 1 giờ mỗi ngày, cả đi và về. Buổi tối học thêm ở trung tâm về cũng thấy ngại”, bạn Nam chia sẻ.

Theo bạn Thanh Lan, sinh viên Đại học Xây dựng, việc ăn ở xa trường khiến nhiều người ngần ngại vì các tuyến xe buýt về KTX còn ít, phải chờ lâu. Ngoài ra, nhiều khi muốn tham gia các hoạt động ngoại khóa, giao lưu của trường sau giờ học, vào buổi tối cũng gặp khó khăn. “Đúng là thuê nhà cạnh trường điều kiện kém hơn nhiều so với ký túc xá Pháp Vân nhưng em chấp nhận vì thấy tiện lợi”, bạn Thanh Lan nói.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong