Top

KCN, Cụm Công nghiệp đồng bằng sông Cửu Long: Bức xúc tình trạng lãng phí đất đai

Cập nhật 09/01/2009 11:20

Những năm gần đây, các Khu Công nghiệp, Cụm Công nghiệp (KCN-CCN) ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển khá nhanh. Đây là tín hiệu cho thấy cơ cấu kinh tế các tỉnh, thành đã và đang chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Các KCN- CCN mọc lên nếu được các công ty, doanh nghiệp sử dụng để sản xuất, kinh doanh sẽ không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho mỗi địa phương, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho người dân. Thế nhưng, một số KCN-CCN ở ĐBSCL hiện nay vẫn trong tình trạng còn bỏ trống, gây lãng phí lớn cho Nhà nước và nhân dân.

Chưa sử dụng hết đã xây dựng mới

Theo thống kê sơ bộ, ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiện có 111 KCN-CCN với tổng diện tích hơn 24.000 ha, vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện chỉ có 5 KCN hoạt động khá tốt là Trà Nóc 1 (TP Cần Thơ), Mỹ Tho (Tiền Giang), Thuận Đạo (Long An), Sa Đéc (Đồng Tháp) và Hòa Phú (Vĩnh Long). Các KCN còn lại đều rơi vào tình trạng thu hút rất ít nhà đầu tư, thậm chí có nơi đang bị bỏ hoang.

KCN Trần Quốc Toản (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) được xây dựng từ năm 2002 trên diện tích 140 ha. Đến nay, dù 40% diện tích đất đã được triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, nhưng chỉ mới có một vài nhà máy đi vào hoạt động. Toàn bộ KCN rộng mênh mông là một rừng cỏ sậy, lau lách cao lút đầu người...

Được biết, theo quy hoạch tỉnh Đồng Tháp sẽ có tới 18 KCN nhưng ngoài KCN Sa Đéc hoạt động hiệu quả, những KCN còn lại đến nay vẫn chưa thể lấp đầy. KCN Cao Lãnh xây dựng đã 3 năm nhưng đến nay vẫn là bãi đất đá ngổn ngang.

Tại tỉnh Sóc Trăng, KCN An Nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 178 ha sau một thời gian dài xây dựng, đến nay mới có 17 doanh nghiệp thuê 82,9 ha đất.

Tại An Giang, trong khi các KCN như Bình Long (huyện Châu Phú), Bình Hòa (huyện Châu Thành) đất đai phần lớn bỏ trống, lèo tèo vài nhà máy, tỉnh vẫn tiếp tục xây dựng KCN Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên) và tiếp tục bỏ trống.

Được biết, theo quy hoạch từ nay đến năm 2010, các địa phương vùng ĐBSCL sẽ xây dựng thêm 44 KCN-CCN tập trung với diện tích 17.870 ha, nâng tổng số lên 155 KCN - CCN với tổng diện tích gần 42.000 ha.

Những năm gần đây, các địa phương vùng ĐBSCL liên tục mở các hội nghị mời gọi đầu tư vào các KCN-CCN; thậm chí, nhiều địa phương cùng đồng loạt “trải thảm đỏ” để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp vào làm ăn, như: công bố hạ giá hoặc miễn, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ chi phí đào tạo lao động, cho nợ tiền sử dụng đất... Thế nhưng, sau những nỗ lực đáng ghi nhận đó, diện tích các KCN- CCN vẫn không thể lấp đầy.

Một nguyên nhân quan trọng khiến các KCN-CCN ở ĐBSCL không thể lấp đầy diện tích là do hệ thống đường giao thông, cảng vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu ở vùng này vẫn còn nhiều khó khăn, trắc trở. Hàng hóa xuất khẩu từ ĐBSCL vẫn phải trung chuyển lên các cảng tại TP Hồ Chí Minh, làm gia tăng chi phí và thời gian. Vì thế, các địa phương dù “trải thảm đỏ” cũng chưa thể hấp dẫn các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Lãng phí đất đai: “Chưa biết hồi kết!”

Một nghịch lý đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL là: trong khi diện tích đất ở nhiều KCN-CCN vẫn chưa sử dụng hết thì lãnh đạo nhiều địa phương vẫn muốn tiếp tục xây dựng thêm các KCN-CCN mới. Tại Diễn đàn Kinh tế các tỉnh ĐBSCL (MDEC năm 2008) vừa qua tại TP Cần Thơ, đại diện một số địa phương đã đề nghị Chính phủ tiếp tục cho phép dành thêm quỹ đất nông nghiệp làm KCN- CCN.

Biện giải lý do xin xây dựng thêm KCN-CCN, đại diện các địa phương cho rằng kinh tế ĐBSCL muốn phát triển thì phải có các KCN-CCN. Tuy nhiên, phát triển các KCN-CCN theo hướng nào, lĩnh vực nào là lợi thế, ứng dụng thành tựu công nghệ nào là hợp lý, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao... thì lãnh đạo nhiều địa phương vẫn chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.

Bên cạnh tình trạng một số KCN-CCN với diện tích bị bỏ trống khá lớn thì công tác giải phóng mặt bằng ở một số KCN-CCN cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân: phần lớn đều xuất phát từ việc bồi thường chưa thỏa đáng cho người dân, đặc biệt là công tác tổ chức tái định cư ở hầu hết các địa phương hiện vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập.

Một cán bộ Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP Cần Thơ nhận định rằng công tác giải phóng mặt bằng, lãng phí đất đai tại các KCN-CCN ở ĐBSCL chẳng khác nào “chuyện dài nhiều tập” và... “chưa biết hồi kết”!

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP Cần Thơ, nhận xét: Đất KCN chậm đưa vào khai thác, sử dụng đã gây lãng phí lớn tiền của Nhà nước và nhân dân. Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng, việc thu hút các nhà đầu tư đối với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL càng trở nên khó khăn hơn.

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu luồng cho tàu có tải trọng từ 5.000 - 10.000 tấn trở lên vào cảng Cái Cui và cảng Cần Thơ. Chừng nào “nút thắt” này chưa được mở thì việc thu hút các nhà đầu tư gặp khó khăn và tình trạng lãng phí đất ở các KCN-CCN vùng ĐBSCL vẫn còn tiếp diễn.

Theo tính toán của nhiều ban quản lý các KCN-CCN ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL, để có một hec-ta đất sạch giao cho nhà đầu tư, chi phí bình quân không dưới 4 tỉ đồng. Tính ra, với khoảng 10.000 ha đất KCN-CCN đang bị bỏ trống nhiều năm qua, các tỉnh, thành trong vùng đã lãng phí hàng chục ngàn tỉ đồng.

Câu hỏi đặt ra: Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước tình trạng lãng phí này? Theo một cán bộ của Viện Nghiên cứu ĐBSCL thuộc Trường Đại học Cần Thơ, việc quy trách nhiệm lãng phí đất đai ở các KCN-CCN cho từng cá nhân là việc rất khó thực hiện và chưa từng có trong tiền lệ.

Như vậy, chuyện lãng phí đất đai ở các KCN-CCN vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục xảy ra, nếu các địa phương trong vùng vẫn tiếp tục phong trào đua nhau phát triển các KCN-CCN mà không tính toán kỹ lưỡng tới hiệu quả kinh tế- xã hội.

Ngoài ra, việc phát triển các KCN- CCN ồ ạt, không theo quy hoạch chung sẽ tác động không nhỏ tới môi trường, đất sản xuất nông nghiệp. Thực tế ở nhiều địa phương đã cho thấy, việc phát triển các KCN- CCN chỉ thực sự hiệu quả khi đất đai, các nguồn tài nguyên khác và nguồn nhân lực được khai thác, sử dụng hợp lý, đem lại ngân sách cho nhà nước, tạo việc làm cho nhiều người dân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Bộ TN-MT