Top

Huy động nguồn tài chính cho phát triển đô thị

Cập nhật 11/11/2008 16:00

Ngày 10/11, tại Hà Nội, Hiệp hội các đô thị Việt Nam khai mạc hội thảo với chủ đề “Quản trị địa phương và tự chủ tài chính”.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều vụ chức năng thuộc các Bộ: Xây dựng, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước cùng Chủ tịch UBND một số thành phố và chuyên gia nước ngoài.

Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, tất cả các đô thị Việt Nam đều có sự phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt trên 10%, dẫn đầu cả nước và trong từng địa phương.

Đời sống của cư dân đô thị được nâng lên rõ rệt với thu nhập bình quân hàng năm của đa số các thành phố, thị xã đều đạt trên 1.000 USD/người; một số thành phố lớn đạt từ 1.500 đến 2.000 USD/người; bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại.

Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa quá nhanh và còn mang tính tự phát nên chính quyền các đô thị đang phải đối mặt với nhiều bức xúc, khó khăn trên tất cả các lĩnh vực môi trường, nguồn nước, không khí, nhà ở, hạ tầng...

Hiện nay, một bộ phận dân cư đô thị vẫn đang phải sống trong các khu nhà “ổ chuột” và thất nghiệp, mặc dù chính quyền các đô thị đã rất nỗ lực giải quyết các vấn đề này nhưng vẫn “lực bất tòng tâm” do nguồn tài chính quá hạn hẹp.

Các đại biểu tập trung thảo luận làm thế nào để huy động mọi nguồn lực tài chính cho xây dựng và phát triển đô thị. Các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng lãnh đạo một số đô thị trình bày tham luận về kinh nghiệm, thực tiễn và hiệu quả trong việc huy động các nguồn tài chính phục vụ công cuộc đô thị hóa.

Hầu hết các ý kiến cho rằng: Huy động vốn cho phát triển đô thị là một nhu cầu rất cần thiết trong quá trình đô thị hóa hiện nay. Tuy nhiên, đây là một công việc tương đối linh hoạt và nhạy cảm, phải đảm bảo tính chặt chẽ về pháp lý, tính đồng thuận và sự ủng hộ cao của người dân đô thị. Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra một số vấn đề liên quan như: Phân cấp tài chính cho chính quyền địa phương khi thực hiện các công trình đô thị hóa; tăng cường trong quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị của thành phố Hà Nội; những vấn đề cơ bản về tài chính đô thị trong thời kỳ đổi mới... Các chuyên gia đến từ Đức cũng chia sẻ bài học kinh nghiệm về chính trị và tài chính của các đô thị Cộng hòa liên bang Đức.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong