Top

Bỏ hoang đất "vàng"

Cập nhật 11/11/2008 13:00

"Nhiều hộ gia đình chúng tôi đã mất hết đất nông nghiệp, không có đất sản xuất, phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Vậy mà, thu hồi đất nông nghiệp của chúng tôi lại bỏ hoang như thế này đây. Hơn 10 năm qua, cứ để dân trồng lúa thì có hơn không…" - một người chạy xe ôm tại ngã ba Phan Bội Châu - Nguyễn Du (TP Tam Kỳ - Quảng Nam) bức xúc.

Nằm trên các trục đường chính của TP Tam Kỳ (Quảng Nam) như: Phan Bội Châu, Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Nguyễn Hoàng,… hàng loạt khu đất "vàng" rộng mênh mông có giá trị hàng chục tỉ đồng được bàn giao cho các cơ quan, đơn vị xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng, làm nổi bộ mặt của thành phố, bị bỏ hoang cho cỏ mọc, hoặc xây dựng một công trình tạm bợ với mục đích chiếm dụng đất…

Điểm mặt các công ty bỏ hoang đất "vàng"

Đi trên đường Phan Bội Châu, ai cũng tiếc rẻ khi nhìn 2 lô đất: Số 2 và số 3, rộng hàng ngàn m2 thuộc phường Tân Thạnh, bị bỏ hoang cho cỏ mọc gần 10 năm nay. Khu đất này đã được Công ty Khoáng sản Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là Công ty CP kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam) thuê xây dựng trụ sở làm việc theo Quyết định 1307/QĐ - UB ngày 5/5/1999, nhưng sau hơn 7 năm, công ty này vẫn chây ì, chưa làm thủ tục thuê đất.

Để quản lý sử dụng đất đai theo đúng Luật Đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng, tránh lãnh phí, ngày 29/6/2006, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định cho phép Công ty TNHH Hiếu Hưng Yên đầu tư xây dựng Showroom Honda. Công ty TNHH Hiếu Hưng Yên có trách nhiệm lập đầy đủ thủ tục đúng quy định, triển khai đầu tư xây dựng công trình theo đúng Điều lệ quản lý xây dựng, đúng tiến độ, quy mô đầu tư đã cam kết. Tuy nhiên, đến nay công ty này vẫn chưa đầu tư xây dựng một hạng mục công trình nào.

Đáng tiếc nhất, khu đất "vàng" rộng mênh mông tại ngã ba Phan Bội Châu - Nguyễn Du, đối diện với Trung tâm Thương mại Tam Kỳ, với vị trí đắc địa là vậy nhưng sau gần 10 năm không sử dụng và một lần đổi chủ, nay vẫn một ao bèo và vườn hoang đầy rác thải.

Tại Quyết định số 111/QĐ-UB ngày 11/1/1994, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) cấp cho Công ty Da giày Quảng Nam 15.750m2 đất ở 954 Phan Châu Trinh với mục đích sản xuất, kinh doanh.

Ngày 22/5/1999, UBND tỉnh Quảng Nam có thông báo chuyển hình thức từ giao đất sang thuê đất, sau đó Công ty Da giày Quảng Nam này lập dự án xây dựng khách sạn, dịch vụ. Tháng 11/2003, UBND tỉnh đồng ý cho công ty này triển khai dự án nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy gì; còn mặt bằng cho các cá nhân, tổ chức khác thuê sử dụng, trông thật nhếch nhác và lãng phí.

Cũng trên đường Phan Châu Trinh, ngày 9/9/2004, UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích 7.662m2 để xây dựng Công viên công nghệ thông tin Quảng Nam. Đây là khu đất rất đẹp của TP Tam Kỳ, nhưng nhiều năm qua, chủ đầu tư dự án Công viên công nghệ thông tin Quảng Nam chỉ xây dựng được 2 dãy nhà thực hành tin học diện tích hơn 300m2, còn lại đất đai bị bỏ hoang và làm kho chứa vật tư...

Nhiều công ty khác được giao đất "vàng" để xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh doanh rồi bỏ hoang như: Công ty Vật tư bảo vệ thực vật, giống cây trồng và Thú y tỉnh được thuê 648m2 đất từ năm 1998 để xây dựng trụ sở, kho chứa hàng, cho đến nay đất vẫn bỏ hoang; Công ty TNHH Trang trí nội thất Bảo Bình thuê 1.218m2 đất tại khối 2 phường Tân Thạnh, hiện nay còn bỏ trống…

Lãng phí, xót của…


Để có được các khu đất vàng như trên, trước đó, hàng ngàn hộ dân phải di dời nhà cửa, nhường đất sản xuất. Nhiều khu đất nguyên là vựa lúa của người dân, như tại khu đất rộng hàng ngàn mét vuông được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Hiếu Hưng Yên xây dựng trụ sở kinh doanh, hiện đang bỏ trống; hay như khu đất "vàng" bỏ hoang tại ngã ba Phan Bội Châu - Nguyễn Du;…

Một người chạy xe ôm tại ngã ba Phan Bội Châu - Nguyễn Du bức xúc: "Đây nguyên là ruộng lúa của chúng tôi, chấp hành chủ trương giải toả để xây dựng cơ sở hạ tầng cho thành phố, nhiều hộ gia đình chúng tôi đã mất hết đất nông nghiệp, không có đất sản xuất, phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Vậy mà, thu hồi đất nông nghiệp của chúng tôi lại bỏ hoang như thế này đây. Hơn 10 năm qua, cứ để dân trồng lúa thì có hơn không…".

Đời sống của nhiều hộ dân khi bị giải tỏa trắng hoặc mất đất sản xuất đã gặp không ít khó khăn, người dân phải bươn chải nhiều nghề hoặc tha phương để tìm kế sinh nhai, trong khi đó nhiều dự án san nền trên đất lúa lại bị bỏ hoang từ năm này qua năm khác...

DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân