Chúng tôi đến xã Yên Bình (Lương Sơn, Hòa Bình) đúng ngày ĐBQH bấm nút thông qua đề án mở rộng Thủ đô. Theo đó, từ 1/8, toàn bộ diện tích đất tự nhiên của xã sẽ thuộc địa giới HN. Không khí mua bán quyền sử dụng đất ở khu vực này, vì thế cũng tấp nập hơn.
Thế nhưng, hơn 30 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu ở thôn Dân Lập của xã này đang đội đơn khắp nơi, vì quyết định thu hồi hơn 71.000 m2 trên diện tích đất của dân đang sinh sống ổn định để giao cho Cty cổ phần thương mại quốc tế Thành Như (HN) làm DA biệt thự, nhà vườn, trái với chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đơn trình bày, những năm 1988-1989, hàng chục hộ dân đã đến mảnh đất bỏ hoang tại khu Lô cốt (xã Yên Bình) để khai khẩn, trồng cây và làm nhà.
Tiếp xúc PV, ông Đặng Văn Quý (46 tuổi, thôn Dân Lập), nói: “Năm 1989, gia đình tôi cùng một số hộ dân khác ra mảnh đất này khai hoang và đã được chính quyền xã Yên Bình cho phép. Suốt 20 năm qua, chúng tôi đã bỏ mồ hôi, công sức để khai khẩn đất hoang, xây dựng nhà cửa và ở ổn định từ đó đến nay”.
Về việc này, ông Trần Văn Vũ - Phó chủ tịch UBND xã Yên Bình có văn bản xác nhận: “Ông Quý có diện tích đất (khoảng 1.920 m2) ghi trong bản khai hoang từ năm 1989 là đúng”. Ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Yên Bình, cho biết thêm: Việc khai hoang của các hộ dân trên mảnh đất thuộc khu Lô cốt là đúng sự thực. “Do vậy, chúng tôi đã từng làm công văn kiến nghị UBND huyện Lương Sơn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ nhưng vẫn chưa được chấp thuận?” - Ông Hà nói.
Làm việc với PV, ông Bùi Quang Khành - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hòa Bình cho biết: Ông đã từng đi kiểm tra khu vực này nhưng không thấy có nhà ở. Khi PV đưa ra các bức ảnh chụp nhà ở của người dân (trong đó có cả những ngôi nhà tầng đã rêu phong), ông Khành hứa sẽ kiểm tra lại để có chính sách đền bù thỏa đáng cho người dân. Cũng theo ông Khành, nếu đất của những hộ dân này ở ổn định từ đó đến nay mà không có tranh chấp thì đủ điều kiện cấp sổ đỏ…
Làm trái chỉ đạo của Thủ tướng?
Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao đang xảy ra tranh chấp mà UBND tỉnh Hòa Bình vẫn thu hồi đất để giao cho một Cty tư nhân làm DA, ông Bùi Quang Khành nói: “Đơn vị quân đội trên cũng không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của mình”.
Như vậy, cứ theo lời của ông Khành thì cả hai bên đang tranh chấp đều không đủ giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp. Nhưng xét thực tế, các hộ dân ở đây đã khai hoang và ở ổn định từ năm 1989 đến nay, theo Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định 84/2007/NĐ-CP (ngày 25/5/2007 của Chính phủ) thì diện tích này có đủ điều kiện để cấp sổ đỏ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích hơn 71.000 m2 này từng được UBND tỉnh Hòa Bình chủ trì thực hiện giải phóng mặt bằng và đền bù. Tuy nhiên, sau 2 năm, việc giải phóng đền bù không thành vì nhiều vướng mắc, ngày 21/3/2008, UBND tỉnh lại ra quyết định giao cho Cty CP thương mại quốc tế Thành Như làm DA biệt thự, nhà vườn.
Điều đáng nói, trước đó 17 ngày, ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có Chỉ thị (số 260) nêu rõ, các DA quy hoạch liên quan việc bố trí không gian HN thuộc địa giới HN mở rộng được lập nhưng chưa được phê duyệt thì tạm dừng lại.
Đối với các đồ án quy hoạch, các DA khu đô thị, khu dân cư và các DA khác liên quan việc bố trí không gian HN thuộc địa giới HN mở rộng được lập từ sau ngày Chỉ thị này có hiệu lực, khi xem xét phê duyệt phải được sự chấp thuận của Bộ Xây dựng.
Mặt khác, quyết định của UBND tỉnh Hòa Bình có thể sẽ đẩy hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Vì thế, UBND tỉnh Hòa Bình cần xem xét lại việc giao đất cho Cty cổ phần thương mại quốc tế Thành Như, trước khi quá muộn.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: