Top

Hòa Bình: Hơn 20 năm sống “ôm” nghĩa địa

Cập nhật 24/03/2009 16:25

Nhà ở ngay sát nghĩa địa. Không có nước sạch, nước sinh hoạt là nước giếng khơi có váng màu vàng, tanh hôi. Nhưng họ vẫn phải sống. Có người đã chịu cảnh đó trên 20 năm nay. Đó là thực trạng ở xóm Tân Sinh, xã Thống Nhất, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Mộ lấn nhà dân

Dẫn chúng tôi ra vườn, ông Trần Trọng Nghĩa chỉ cho tôi những ngôi mộ san sát nhau cách nhà ông đang ở chỉ khoảng 50m. Ông bơm nước giếng lên rồi đưa cho chúng tôi ngửi. Nước tuy trong nhưng vẫn thoang thoảng mùi ngái ngái tanh.

Ông cho biết, mùa này còn đỡ, chứ vào mùa khô nước càng tanh hơn. Ngoài ô nhiễm nguồn nước thì gia đình ông thường xuyên phải chịu cảnh nghe tiếng than khóc, tiếng kèn trống...

Nước giếng nhà ông Trần Trọng Nghĩa ở xóm Tân Sinh bị ô nhiễm do cách nghĩa địa chỉ có chừng 50m Ông Lê Mạnh Lung, năm nay đã 73 tuổi, là một trong những người đầu tiên sống ở đây. Trước năm 1975, ông giải ngũ về công tác tại thị xã Hòa Bình, rồi về đây để an cư. Năm 1986, do nghĩa địa trung tâm thị xã Hòa Bình ở tổ 10, phường Chăm Mát quá chật hẹp nên thị xã đã quy hoạch nơi đây làm nghĩa địa mới.

Do không có quy hoạch chi tiết từ đầu nên việc chôn cất người chết không theo một trật tự nào. Ai xin được chỗ đất nào thì chôn chỗ đó. Nhiều ngôi mộ còn được chôn sát đường đi vào nhà người dân. Hiện tại trên đồi là nghĩa địa, bên dưới là vườn và nhà của ông Lung. Ngôi mộ gần nhất bây giờ cách nhà ông đang ở khoảng 30m.

Ông Lung cho biết, vào dịp cuối năm, nhiều gia đình tiến hành bốc mộ cho người thân. Công việc đó thường tiến hành vào ban đêm và lúc trời gần sáng, là lúc gia đình ông đang có giấc ngủ ngon nhất. “Và hầu như ngày nào gia đình tôi cũng phải chứng kiến cảnh đó. Có đêm 2-3 đám bốc mộ thì gia đình tôi phải “nếm” đủ”.

Chưa kể, khi bốc mộ, nhiều vật dụng chôn cùng người chết không được xử lý mà vứt bừa bãi ở mặt đất, mưa xuống trôi khắp vườn, có khi vào tận sân nhà.

Nhiều năm nay, ông Lung đã làm đề nghị được di chuyển ra khỏi nơi đây nhưng cả xã và chính quyền TP. Hòa Bình vẫn không có hồi âm. Trong khi đó, gia đình ông đã phải bỏ đi 2 cái giếng nước. Nước giếng ở đây đào lên đều có màu vàng và mùi tanh nên không ai dám dùng. Ông đã phải vay hơn 13 triệu đồng để đầu tư ống nước sạch từ trại giam Hòa Bình sang.

Khổ nỗi, ở trong nghĩa địa, bán nhà cũng không ai mua mà tiền mua đất để chuyển chỗ ở mới thì không có. Giờ đây, ông chỉ mong mảnh đất của nhà ông bị “dính” quy hoạch, để được đền bù di chuyển đi nơi khác.

Trước năm 1975, xóm Tân Sinh, xã Thống Nhất đã có người sinh sống. Chủ yếu là bộ đội giải ngũ hoặc những người dưới xuôi lên khai hoang. Năm 1986, thị xã Hòa Bình đã quy hoạch nghĩa địa nhân dân ngay tại khu đồi đất của xóm. Lúc này nhà ở và vườn của 39 hộ ở dưới đã “ôm” trọn nghĩa trang. Càng ngày mộ càng “mọc” lên nhiều và đang dần chiếm đất của những người đang sống.

“Đong” từng ngụm nước



Nghĩa địa ở trên, nhà dân ở dưới
hứng trọn nguồn nước ô nhiễm.

Hiện tại đang có 6 hộ thuộc xóm Tân Sinh ở gần khu nghĩa địa nhất. Và ảnh hưởng lớn nhất đối với họ là nguồn nước sinh hoạt. Tại đây, chỉ duy nhất hộ ông Lung có nguồn nước máy.

Nhiều hộ gia đình như ông Nghĩa do không có tiền mua ống lắp nước, phải đi mua nước máy ở những hộ ở bên ngoài, cách nhà khoảng hơn 1km đường đồi, giá mua 1.000đ/can.

Bà Lê Thị Tỵ, cạnh nhà ông Nghĩa, sống ở đây từ năm 1977 cho biết, gia đình bà phải đi mua 2.000đ/gánh nước. Giá nước mua cao nhưng nhiều khi đi mua họ không muốn bán. Lý do là khi dùng nhiều thì các hộ bán phải trả tiền nước giá cao. Mua được nước đã khó, việc chuyên chở càng khó khăn hơn.

Do địa hình toàn đường đồi nên không thể gánh mà phải chở bằng xe máy, tiền xăng còn nhiều hơn tiền mua nước. Nghĩa địa cũng đang tiến dần về gần nhà bà, chỉ còn cách chừng 20m. Bà Tỵ cho biết thêm, ở đây hầu hết các hộ tự lo nước sạch.

Năm ngoái, chương trình nước sạch cho mỗi hộ vay 4 triệu đồng để mua ống rồi tự lo chi phí dẫn về nhà. Nhưng muốn lắp ống nước về tận nhà thì mỗi hộ phải đầu tư hơn 10 triệu đồng mới đủ trong khi sống trong nghĩa địa hầu hết đều là cán bộ, gia đình nghèo nên không ai đủ khả năng.

Bà Nguyễn Thị Hương - Trưởng xóm Tân Sinh - cho biết, xóm toàn những người sống chủ yếu dựa nào nông nghiệp hoặc cán bộ về hưu có thu nhập thấp nên không có điều kiện để tự chuyển đi nơi khác ở. Các hộ muốn bán nhà, đất để chuyển đi nhưng chẳng ai mua. Dân sống càng ngày càng khổ.

Năm trước, trong xóm có gia đình tổ chức đám cưới cho con nhưng cỗ cưới thừa hơn 20 mâm. Lý do là nhiều người không dám đến ăn vì sợ ngồi gần nghĩa địa và nguồn nước nghĩa địa.

Cứ thế, cuộc sống của dân ở xóm nghĩa địa cứ lặng lẽ dần và điều mà người dân tại đây mong muốn nhất bây giờ là chính quyền TP Hòa Bình sớm có kế hoạch di dời dân ra nơi ở mới.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng