Khi dự án kè và xây dựng đường dạo xung quanh Hồ Tây chuẩn bị hoàn thiện, việc quản lý và khai thác khu vực Hồ Tây như thế nào lại được đặt ra.
Trong đó quy chế quản lý hồ và khu vực phụ cận được xem như "cái gốc" để triển khai các hình thức quản lý bền vững phù hợp. Tuy nhiên, ban hành một quy chế quản lý như thế nào cho phù hợp và khả thi lại không phải là vấn đề đơn giản. Sau nhiều lần lấy ý kiến các sở, ban, ngành, quy chế quản lý Hồ Tây đang được Ban quản lý dự án XDHTKTXQ Hồ Tây hoàn thiện để chính thức ban hành trong năm 2008.
Những quy định cụ thể về mọi mặt
Với diện tích gần 530ha mặt nước, quanh khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận có tới 64 di tích, trong đó 25 di tích lịch sử đã được xếp hạng. Nhưng những năm gần đây môi trường hồ bịô nhiễm, cảnh quan quanh hồ cũng đang bị phá vỡ. Nước thải của các nhà hàng, cư dân xung quanh hồ, các nhà máy, khách sạn, du thuyền... chảy tự nhiên vào hồ không qua xử lý. Nhiều điểm rác đổ trực tiếp xuống hồ hoặc thành các đống lưu cữu ở ven hồ ngay tại các di tích đình, đền, miếu, phủ.
Theo thống kê của quận Tây Hồ, hiện có 6 đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ trên mặt nước Hồ Tây với các phương tiện nhà nổi, sàn nổi, tàu và cầu tàu. Do chưa có quy chế quản lý Hồ Tây thống nhất, nên các công trình đang được khai thác, sử dụng không có sự đồng bộ về quy hoạch, cao thấp khác nhau, tập trung với số lượng lớn tại bờ hồ phía đường Thanh Niên. Các công ty chỉ quan tâm đầu tư mở rộng kinh doanh, ít lo tới việc đảm bảo vệ sinh môi trường. Một số công ty không có chức năng kinh doanh dịch vụ, địa điểm hoạt động chỉ là địa điểm tạm thời nhưng vẫn ký kết khai thác kinh doanh dịch vụ ăn uống, gây phức tạp trong quản lý.
Theo dự thảo quy chế quản lý Hồ Tây và phụ cận đưa ra, việc quản lý hồ được triển khai trên nhiều mặt như: quản lý và xử lý chất thải; quản lý khai thác mặt nước Hồ Tây; quản lý khai thác, tổ chức các hoạt động kinh doanh tại khu vực hồ; quản lý xây dựng theo quy hoạch; quản lý về đất đai, cảnh quan môi trường; quản lý, bảo tồn các di tích văn hoá lịch sử; quản lý về vui chơi giải trí..., với mục đích bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực, ngăn ngừa và giảm những tác động xấu đến môi trường Hồ Tây. Nghiêm cấm việc vứt chất thải, rác thải xuống hồ và khu vực công cộng, nước thải phải được đưa vào hệ thống thoát nước chung, không thải trực tiếp xuống hồ.
Mọi hoạt động cải tạo, xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Tây, không gây tác động xấu đến môi trường, cảnh quan Hồ Tây và các di tích lịch sử, văn hoá xung quanh. Nghiêm cấm việc xây dựng, cải tạo công trình trái phép, không phép, sai quy hoạch kiến trúc gây tác động xấu đến môi trường, cảnh quan Hồ Tây và các di tích lịch sử văn hóa xung quanh hồ.
Khi xây dựng các công trình nằm trong những khu đất giáp hồ trong phạm vi từ mép hè đường dạo trở vào tối thiểu là 30m, phải tuân thủ các điều kiện như chiều cao của công trình tối đa là 12m, mật độ xây dựng không quá 30% nhằm mục đích duy trì tỷ lệ công trình thấp tầng và cảnh quan xung quanh hồ. Ưu tiên đầu tư, tôn tạo, trùng tu và bảo tồn các di tích văn hoá lịch sử khu vực xung quanh hồ, nghiêm cấm tình trạng xâm phạm, lấn chiếm các di tích văn hoá lịch sử. Đối với các công trình di tích chưa được xếp hạng, trong phạm vi 20 mét đến tường rào công trình không được xây dựng công trình cao tầng...
Nên quy về một mối
Sau khi quy chế hoàn thành và đưa vào thực hiện, trách nhiệm của UBND quận Tây Hồ nặng nề hơn. Quận có trách nhiệm thống nhất quản lý bền vững khu vực Hồ Tây bằng việc như xây dựng kế hoạch ứng phó và khắc phục sự cố môi trường tại khu vực.
Phối hợp với các sở, ngành như sở TN-MT tiến hành quan trắc định kỳ chất lượng môi trường khu vực hồ, để đưa ra các biện pháp hỗ trợ bảo vệ môi trường khu vực. Phối hợp với Sở NNPTNT thống nhất về các chủng loại thuỷ sản được phép nuôi trồng và khai thác tại hồ. Thống nhất quản lý, điều phối việc khai thác và sử dụng mặt nước Hồ Tây...
Tại các cuộc lấy ý kiến về dự thảo quy chế này vừa qua, nhiều người cho rằng, việc quan trọng trước tiên là phải quy việc quản lý Hồ Tây về một mối để khắc phục tình trạng "cha chung không ai khóc" hiện nay. Hiện Hồ Tây chịu sự quản lý của nhiều đơn vị như quận Tây Hồ quản lý địa bàn, Sở TN-MT quản lý chất lượng nước hồ, Sở GTVT quản lý các phương tiện trên hồ, Sở NNPTNT quản lý nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, Sở Thương mại (trước khi sát nhập) quản lý việc cấp phép kinh doanh...
Và chính việc rất nhiều ngành tham gia quản lý đã dẫn đến việc Hồ Tây như một quả chanh bị vắt cho kiệt nước do việc xuất hiện quá nhiều các công trình xây dựng, kinh doanh trên mặt hồ. Thành phố sẽ giao việc quản lý toàn diện Hồ Tây cho một đơn vị duy nhất là quận Tây Hồ, các sở, ban ngành khác chịu trách nhiệm hướng dẫn và tiến hành thanh, kiểm tra công tác quản lý hồ.
Như vậy các tổ chức, các nhân trước khi triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng mới hoặc mở rộng, thử nghiệm khoa học… tại khu vực Hồ Tây phải được phép của UBND quận Tây Hồ.
Để hoàn thiện lần cuối, trong thời gian tới, ban soạn thảo quy chế tiếp tục lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý chuyên ngành và người dân trước khi ban hành và đưa vào triển khai chính thức vào cuối năm 2008. Hy vọng, cùng với dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây và việc quận Tây Hồ đang cùng các sở, ngành xử lý dứt điểm những vi phạm trên mặt nước Hồ Tây, quy chế quản lý Hồ Tây và vùng phụ cận sẽ giúp gìn giữ cho cảnh quan và môi trường Hồ Tây được sạch đẹp hơn.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: