Top

Hậu sốt đất ở phía tây Hà Nội

Cập nhật 18/06/2010 08:40

Cơn sốt đất tại Ba Vì và một số huyện phía tây Hà Nội thời gian qua đã để lại dư vị cả ngọt bùi lẫn đắng cay của những người trong cuộc. Cơ quan quản lý, chuyên gia và cò đất cho rằng, thị trường bất động sản Ba Vì đã xì hơi, mọi hoạt động chuyển nhượng gần như đóng cửa. Vậy, nông dân Ba Vì được gì, mất gì sau cơn sốt?

Cơ hội đổi đời

Dưới cái nắng gay gắt của trưa hè, chúng tôi tới xã Yên Bài. Khác với cảnh xe ô tô dập dìu như một tháng trước đây, cuộc sống của những người nông dân nghèo miền sơn cước yên ả. Câu chuyện bàn về đất đai không còn nóng như trước, thay vào đó là chuyện nhà ông A vừa nhập mấy chục con bò sữa, nhà bà B vừa xây xong một trại gà quy mô vài nghìn con. Thấp thoáng là một vài hộ gia đình đang xây tường bao lại vườn, sửa lại nhà và cả những chiếc tủ lạnh, xe máy mới làm thay đổi cuộc sống của một bộ phận dân cư.


Sau cơn sốt đất, vùng quê Ba Vì lại bình yên. ảnh: Thái Hiền

Thông tin sốt đất ở khu vực chân núi Ba Vì vốn được nhiều người đánh giá là cơn mưa rào thấm đất cằn Ba Vì đã rơi vào im lắng. Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài (Ba Vì) Nguyễn Văn Mể cho biết, ở Yên Bài chưa có hộ dân nào bán hết đất, một số hộ bán 1-2 sào để lấy tiền mua sắm ô tô làm dịch vụ, xây chuồng trại chăn nuôi bò, xây nhà, cho con ăn học... Ông Mể cũng thừa nhận, trước thời điểm sốt đất, người nông dân chỉ dám mơ làm thế nào có tiền để mua một con bò sữa về nuôi thoát nghèo thì nay họ đã có tiền nhập cả lúc vài chục con bò sữa loại "thượng hạng".

Anh Nguyễn Văn Lập, xóm Bài, xã Yên Bài cho hay: Nhờ chuyển nhượng đất cộng thêm chút vay mượn của anh em, họ hàng từ tiền bán đất, anh nhập một lúc 18 con bò sữa giá từ 30 đến 35 triệu đồng/con. Ngoài ra, anh còn mua thiết bị, dụng cụ, vật tư sản xuất nông nghiệp thiết yếu khác như cỏ voi, máy bơm, giàn phun mưa... Với anh Lập, đây là cơ hội đổi đời có một không hai. Cũng như anh Lập, nhiều người dân xã Yên Bài đang nhập bò sữa về nuôi. Chỉ trong 1 tuần qua, không cần sự hỗ trợ của tổ chức tín dụng, DN nào, đàn bò sữa ở Yên Bài đã tăng 50 con. Một mức tăng kỷ lục nhất từ trước đến nay.

Ảo hay không ảo?

Ông Nguyễn Văn Mể khẳng định như đinh đóng cột: Nói đất Yên Bài sốt là không đầy đủ. Thứ nhất, không phải đất ở thôn nào cũng tăng giá. Giá đất 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng/sào, hay trên 100 triệu đồng/m dài mặt đường chỉ là giá của các "cò" đất đưa ra, còn thực chất chưa có hộ dân nào bán được giá đó. Còn ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho rằng, thị trường đất đai ở Ba Vì có sôi động trong thời gian qua, tập trung ở ba xã Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh. Nhưng mức giá cũng không có nhiều biến động so với năm ngoái. Ông Hải còn cho biết, những giao dịch thông qua xác nhận của chính quyền có tăng lên đôi chút, nhưng tập trung ở các dự án của các công ty bất động sản bán cho khách. Còn giao dịch ngầm ngoài thị trường không biến động nhiều.

Ông Nguyễn Văn Mể nhận định: "Sốt đất trong thời gian qua đúng là có nguyên nhân như hạ tầng khu vực Ba Vì nói chung và xã Yên Bài nói riêng đang được kết nối với tin tức về quy hoạch Thủ đô... nhưng giá của các mảnh đất có đầy đủ giấy tờ hợp pháp, Nhà nước cho phép được chuyển nhượng ở Ba Vì với giá 250-360 triệu đồng/sào đất thổ cư so với mặt bằng giá xung quanh không cao (giá đất ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất chỉ cách một cây cầu nhưng cao gần gấp đôi). Ông Mễ khẳng định, đất ở Yên Bài chỉ sốt ảo đối với loại đất nông, lâm trường, trạm, trại.

Thiếu thông tin, mất an toàn

Một số chuyên gia bất động sản cho rằng: Không phải vì giá trị đất ở đó Ba Vì đã lên tới đỉnh điểm mà cái chính là nguồn gốc đất đai. Thực tế, Ba Vì có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế xanh, các khu du lịch, nghỉ dưỡng ngày càng phát triển nên với mặt bằng giá đất chỉ từ 700.000 đồng đến 2 triệu đồng/m2 là hợp lý trong bối cảnh mở rộng Thủ đô. Giá đất đó chỉ cao đối với các loại đất của nông, lâm trường, trạm, trại, vốn chỉ để sử dụng vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp.

Thực tế cho thấy, công tác quản lý đất đai của nhiều nông trường, trạm, trại đang có nhiều phức tạp. Các đơn vị không lập hồ sơ quản lý theo quy định, công tác quản lý đất đai bị buông lỏng, để xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất nhận khoán trái phép... UBND huyện Ba Vì đã có kiến nghị thành phố và các cơ quan chức năng sớm rà soát lại đất của các đơn vị đóng trên địa bàn huyện. Nếu không sử dụng đến hoặc sử dụng sai mục đích thì thu hồi lại, giao cho chính quyền địa phương quản lý. Cụ thể xã Yên Bài có diện tích lên tới 3.600ha nhưng thực chất xã quản lý chỉ có 800ha, còn lại là đất của Nông trường Việt Mông 900ha, Vườn Quốc gia Ba Vì và Trường Lục quân hơn 1.000ha...

Có lẽ giờ đây, các nhà đầu tư đã mua đất ở nông, lâm trường, trạm, trại, đất giao khoán 50 năm… đang ngồi trên đống lửa không phải vì giá hạ, giao dịch đóng cửa mà cái chính là nguy cơ mất trắng là hoàn toàn có thể. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới