Top

Có thể lùi thời gian làm đường sắt cao tốc

Cập nhật 17/06/2010 13:10


Ảnh minh họa đường sắt cao tốc.
Thời gian triển khai có thể không bắt đầu ngay từ năm 2014 và có thể không cùng lúc làm cả hai tuyến Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang như đề xuất của Chính phủ.

Theo lịch trình dự kiến, 19/6 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua chủ trương triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam với tổng mức đầu tư 56 tỷ USD. Chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống kê đợt thăm dò ý kiến đại biểu trước phiên biểu quyết này.

Hai câu hỏi được đưa ra trong phiếu thăm dò. Một là có thông qua nghị quyết tại kỳ họp này làm căn cứ để Chính phủ triển khai các công việc, các bước tiếp theo hay không. Hai là nếu Quốc hội đồng ý thông qua thì tán thành theo phương án Chính phủ trình hay theo phương án khác.

Theo phương án Chính phủ trình, sẽ nghiên cứu lập dự án khả thi cho toàn tuyến Hà Nội - TP HCM, trong đó từ 2014 sẽ đầu tư trước hai đoạn tuyến Hà Nội - Vinh (282 km) và TP HCM - Nha Trang (382 km) để đưa vào sử dụng năm 2025. Đến 2030 đưa vào khai thác đoạn Vinh - Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào 2035.

Phương án khác là đồng ý chủ trương triển khai toàn tuyến nhưng lùi thời gian khởi công xây dựng và lựa chọn lộ trình phù hợp. Trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ và toàn diện hơn, Chính phủ sẽ lập dự án khả thi một trong hai đoạn tuyến, Hà Nội - Vinh hoặc TP HCM - Nha Trang để trình Quốc hội quyết định chủ trương xây một trong hai tuyến và đầu tư vào thời điểm thích hợp trước năm 2020.

Theo kết quả thăm dò tính đến cuối chiều 15/6, trong 488 phiếu gửi tới đại biểu, có 474 phiếu gửi lại Ủy ban Thường vụ. Trong đó 271 đại biểu đồng ý Quốc hội ra nghị quyết ngay kỳ họp này. Số yêu cầu chưa đồng ý ra nghị quyết là 192. Còn lại là ý kiến khác hoặc bỏ trống.

Với câu hỏi thứ hai, 148 phiếu đồng ý hoàn toàn theo phương án Chính phủ trình; 201 đồng ý theo phương án khác.

Như vậy, hơn một nửa đại biểu (57%) đồng ý Quốc hội thông qua chủ trương ngay kỳ này, song số đại biểu đồng ý hoàn toàn với phương án của Chính phủ chỉ chiếm hơn 30%. Trong khi đó, hơn 42% đại biểu đề nghị triển khai theo phương án khác.

Điều đó cũng có nghĩa, ngay cả khi được Quốc hội thông qua về chủ trương vào ngày 19/6 tới, dự án có thể không triển khai ngay từ 2014 như Chính phủ đề xuất, mà sẽ là một thời điểm nào đó trước 2020. Và, hai đoạn tuyến TP HCM - Nha Trang và Hà Nội - Vinh có thể không được triển khai đồng thời, Chính phủ chỉ chọn một để làm báo cáo đầu tư trình Quốc hội quyết. Sau khi đầu tư xong, vận hành rồi báo cáo Quốc hội và rút kinh nghiệm làm các đoạn tuyến còn lại.

Một đại biểu hội bình luận, kết quả thăm dò này thể hiện sát tinh thần và nội dung thảo luận trong Quốc hội, và đúng với nguyện vọng cử tri về việc tiến hành dự án một cách thận trọng, từng bước.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress