Top

Buôn đất: Sóng trước “dìm” sóng sau

Cập nhật 17/06/2010 09:40

Vì muốn làm giàu nhanh, nhiều người ôm mộng đầu tư bất động sản với tâm lý cứ mua là thắng. Nhưng thực tế, không phải ai cũng là nhà đầu tư may mắn.

Những ngày này chủ đề “hot” nhất tại các cơ quan công sở, quán cà phê, quán nước vỉa hè ở Hà Nội chính là chuyện đất cát. Đi đâu, chỗ nào cũng có thể bắt gặp những lời bàn tán, xuýt xoa, tìm hiểu, tư vấn cho nhau xem đất ở đâu, chỗ nào là “sốt”, là tốt, là được lời để mua, để bán.

Được ăn cả

Hẹn chúng tôi tại một quán cà phê trên phố cổ, anh Phúc, một tay buôn bất động sản có tiếng ở Hà Nội vui vẻ thông báo, anh vừa mua được 7 sào đất sổ đỏ chính chủ ở Xuân Mai với giá 70 triệu đồng/sào. Khi anh vừa trả tiền xong đã có ngay khách trả 90 triệu đồng/sào nhưng anh kiên quyết không bán với lý do… đợi thời. Anh bảo, sẽ cho xây tường bao quanh lô đất đó để sau sẽ chia lô, vừa dễ bán, mà lại thu được lợi nhuận cao.

Trước đây anh Phúc vốn là dân buôn xe hơi nhập khẩu, nhưng khoảng 2 năm nay, từ khi việc buôn xe gặp khó khăn, anh chuyển sang buôn đất, bởi đây là một thị trường có khả năng sinh lời lớn nhất hiện nay. Hàng ngày, anh Phúc cho người rải đi khắp nơi để nằm vùng, tìm hiểu thông tin, khi nào tìm được mảnh đất đẹp sẽ báo về và anh chỉ cần đánh xe lên xem. Nếu thấy ưng, anh sẽ đặt cọc và sau đó sẽ tiến hành mua luôn.

Theo anh Phúc, “lướt sóng” bằng tiền đặt cọc là một chiêu thức phổ biến của dân buôn đất, nhất là với những người ít vốn. Cách kiếm tiền nhanh nhất là đón được nhu cầu mua thật rồi cứ thế cầm tiền đi đặt cọc. Càng nhiều dân đi đặt cọc thì sẽ làm cho “hàng” trở nên khan hiếm, đẩy giá tăng lên. Điều quan trọng nhất mà những nhà đầu tư “lướt sóng” hiện nay quan tâm là làm sao để hẹn với chủ đất hạn thanh toán càng dài thì càng dễ tìm được khách hàng mua lại với giá cao. Với những người buôn đất chuyên nghiệp - thường là những kẻ có máu mặt - việc thương lượng với chủ đất cũng dễ dàng, ít sợ bị lật kèo. Tuy nhiên, “lướt sóng” kiểu này đôi khi cũng là cuộc chơi “được ăn cả, ngã về không” vì thường để “lướt sóng” phải là những khu đất đang có hiện tượng “sốt” giả. Nếu người mua có bản lĩnh, biết dừng lại và chờ đợi thời cơ thì bằng việc đặt cọc dân “lướt sóng” rất dễ bị mất cọc và lỗ nặng do không có tiền để thanh toán.

Nhà nghèo cũng buôn

Theo lời giới thiệu của một người bạn, chúng tôi tìm gặp anh Tấn (Phương Mai, Hà Nội). Vốn là xe ôm từ nhiều năm nay nên ngày ngày anh Tấn vẫn khát khao có một khoản tiền lớn để thực hiện giấc mộng được đổi đời. Nhưng dường như điều đó là không thể.

Ba tuần trước, khi thông tin về cơn sốt đất ở Ba Vì đến từng ngõ ngách của Thủ đô, một vài người bạn rỉ tai anh nên đi buôn đất. Rồi anh chạy vạy, vay mượn khắp nơi đủ số tiền 20 triệu đồng để đặt cọc cho một ô đất ở Yên Bài (Ba Vì, Hà Nội). Sau đó, anh hối hả tìm người mua. Và bỗng dưng anh biến thành một tay “cò”, một tay buôn đất thực thụ. Từ 20 triệu đồng ban đầu, sau nhiều lần mua đi bán lại, anh Tấn có 300 triệu đồng giắt lưng làm vốn - số tiền mà có nằm mơ cả đời anh cũng không nghĩ đến. Khi chúng tôi hỏi với số tiền đó anh sẽ làm gì, anh Tấn cười hỉ hả: “Trả nợ chứ còn gì nữa. Còn lại thì đem gửi ngân hàng, gặp thời thì lại đi buôn”.

Cũng chạy theo cơn sốt đất tại Ba Vì trong thời gian qua, anh Hiến, một giáo viên dạy thể dục tại một trường phổ thông trung học ở Hà Nội đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức với hi vọng kiếm được ít tiền từ cái nghề buôn đất. Hàng ngày, cứ hết giờ lên lớp anh lại phóng xe về tận Ba Vì để ăn chực nằm chờ, vừa để tìm đất mua, vừa để săn đất, làm môi giới cho dân Hà Nội. Anh bảo, thời buổi đất cát đang “sốt” thế này, có mối làm ăn nên anh phải cố, bởi đồng lương “còi” của công chức không bao giờ có thể giúp anh giàu được. Cũng may, theo cách nói của anh, là được “trời thương” nên đợt “sốt” đất vừa qua anh cũng kiếm được vài trăm triệu đồng.

Khi giấc mộng không thành


“Lướt sóng” bằng tiền đặt cọc là một chiêu thức mới của dân buôn đất, nhất là với những người ít vốn
Không may mắn như anh Tấn, anh Hiến, nhiều người “lướt sóng” cuối đợt sốt đất Ba Vì đã rơi vào tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”. Trên các trang mạng chuyên về bất động sản hiện nay, số người rao bán đất tại khu vực Ba Vì nhiều lên trông thấy. Với 2 - 3 mẫu đất cần bán tại xã Yên Bài, một tay buôn cho biết, anh sẵn sàng bán bằng giá gốc, thậm chí rẻ hơn so với giá mua với hi vọng “tống khứ” cái lô đất ấy đi. Giờ ai muốn mua bao nhiêu mét anh cũng bán, giá khoảng 240 triệu đồng/sào, chỉ mong lấy được vốn về, bởi số tiền bỏ ra để mua đất đó anh đi vay là chính. Ban đầu anh cũng định mua để “lướt sóng” với hi vọng kiếm lời nhanh, ai ngờ ngay sau khi mua cơn sốt đất ở Ba Vì qua nhanh, anh bị “kẹt” lại để rồi giờ đây ôm một đống nợ. Nói về cơn sốt đất tại Ba Vì thời gian qua, dưới góc nhìn của một dân buôn chuyên nghiệp, anh Phúc bảo, đất Ba Vì thời gian trước cứ bảo là sốt, nhưng thực chất lại không phải vậy. Thực tế, chưa có đông người mua và giá cũng chưa cao như những lời đồn thổi. Do người dân nghĩ trung tâm hành chính quốc gia chuyển lên trên đó, một đồn mười, rồi mười đồn trăm, nên họ đã đổ xô lên đó mua. Chỉ cần nghe vài người nói ở một khu vực nào đó giá bất động sản đang tăng là sẽ có rất nhiều người hùa theo, giá đất bị đẩy lên vô tội vạ. Thậm chí, có nơi giá tăng từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/m2. “Đó là một cái giá không thể tưởng tượng nổi ở thời điểm hiện tại. Bây giờ, bất động sản tại khu vực này đã “hạ nhiệt”, như bong bóng đã xì hơi. Những người “lướt sóng” đầu thì thắng lớn, những kẻ chậm chân đến muộn rơi vào sóng cuối thì “chết” hẳn, bán rẻ cũng chẳng ai mua”, anh Phúc cho biết.

Cũng theo anh Phúc, hiện tượng săn mua đất vùng ven tại các huyện ngoại thành Hà Nội là có thật. Những người mua đất loại này thường là người dư dả tiền bạc, thấy đất rẻ, chỉ từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng/sào thì mua vào để đấy. Nhưng không phải cứ chỗ nào có quy hoạch, đất đẹp, giá rẻ là người ta sẵn sàng bỏ tiền ra mua. Theo anh Phúc, ở một số xã ven Hà Nội, đất đẹp, quy hoạch đàng hoàng, giá rẻ mà ít người mua vì dân ở đó hay kiện cáo nên ít người muốn “dây vào”.

Anh Phúc tâm sự: “Ai cũng nghĩ buôn đất là sẽ thắng, nhưng thực ra phần lớn là thua vì bản chất việc “sốt” đất thường là do chính những người buôn đất tạo ra, họ mua đi bán lại với nhau, những kẻ nhanh chân sau khi ôm được một khoản tiền lớn thì bỏ đi, để lại đằng sau những người ôm đất sau khi “cơn sốt” đã hạ nhiệt.

Theo kinh nghiệm của dân buôn đất, để có thể thành công, người mua phải nắm thật chắc thông tin về khu đất cần mua, tìm một thổ địa tại nơi cần mua để làm “chim lợn”, chỉ trỏ, tư vấn cho khu đất nào “đẹp”, giấy tờ chuẩn. Sau khi chọn được miếng đất ưng ý, đối với những đại gia săn đất chuyên nghiệp, có tầm, họ sẽ kiểm tra lại thông tin về khu đất đó ở Sở Tài nguyên Môi trường để xem đất đó có nằm trong vùng quy hoạch hay không, là đất nông nghiệp, đất chuyển đổi hay đất thổ cư? Rút kinh nghiệm từ cơn sốt đất ở Ba Vì, anh Phúc khuyên, không nên nôn nóng trước thông tin chưa xác thực. Nếu không nhà đầu tư rất dễ phải “ôm hận”.

DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân