Top

Hành lang pháp lý và nền tảng vững chắc phát triển thị trường BĐS

Cập nhật 29/12/2015 15:30

Bằng quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Xây dựng, thị trường BĐS năm 2015 đã phục hồi, ấm lại với lượng giao dịch tăng, hàng tồn kho giảm và tín dụng BĐS tăng cao. Đây cũng là tín hiệu cho thấy những hiệu ứng tích cực của các Bộ luật đồng có hiệu lực và đi vào cuộc sống, trong đó có Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS 2014.

Thị trường BĐS đã ấm lại. (Ảnh: TL)

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Nhìn lại những khó khăn của thị trường bất động sản ở giai đoạn 2011- 2012 người ta mới nhận rõ được sự nỗ lực, cố gắng của ngành xây dựng nói riêng cũng như những chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung. Thị trường BĐS giai đoạn 2011 – 2012 rơi vào tình trạng trầm lắng, “đóng băng”; Giá cả bất động sản nhà ở sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường, số lượng giao dịch thành công giảm mạnh, nhiều dự án không có giao dịch; lượng hàng tồn kho bất động sản rất lớn, có giá trị tương đương khoảng trên 128.000 tỷ đồng...

Thị trường bất động sản “đóng băng” đã khiến cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản thực sự gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng, làm gia tăng nợ xấu, gây đình trệ sản xuất cho các doanh nghiệp xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng… Điều này cũng gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách cũng như sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trước thực tế đó, Bộ Xây dựng đã tích cực chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 2196/CT-TTg ngày 06/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản, tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện các dự án bất động sản tại 11 địa phương trọng điểm, tổ chức làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp để đánh giá thực trạng thị trường.

Bộ Xây dựng đã tổng hợp, báo cáo Chính phủ về thực trạng tình hình thị trường bất động sản. Theo đó, xác định việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ đã đề xuất các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó có vấn đề then chốt là hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm thị trường phát triển ổn định theo quy hoạch, kế hoạch, cân đối cung - cầu và đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã tổ chức tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2005, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006, Nghị quyết số 19/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội về thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đánh giá những mặt được cũng như những tồn tại, hạn chế; trên cơ sở đó nghiên cứu xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung các luật này, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII với nhiều quy định đổi mới có tính đột phá, tác động tích cực đến thị trường bất động sản và nhà ở

Thị trường BĐS ấm lại với nền tảng vững chắc

Bằng những việc làm cụ thể này, đặc biệt là sau khi Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực và đi vào cuộc sống, thị trường BĐS đã thực sự bước sang trang mới với cả ổn định, thanh khoản tăng, cơ cấu hàng hóa được điều chỉnh hợp lý hướng tới nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường, tồn kho bất động sản liên tục giảm…

Nhiều dự án giai đoạn 2011-2013 giá đã giảm sâu (trên 30%) thì trong năm 2014 giá đã ổn định; một số dự án có vị trí tốt, đã hoặc sắp hoàn thành đưa vào sử dụng giá có tăng nhẹ (1-2%) so với năm 2013. Giá nhà ở trong 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục ổn định, một số dự án tại các khu vực hạ tầng đầy đủ, triển khai đúng tiến độ giá chào bán tăng nhẹ từ 2-5% so với cùng kỳ năm 2014.

Việc giá cả BĐS ổn định cũng khiến cho lượng giao dịch tăng nhanh, đặc biệt ở cuối năm 2014 và đầu năm 2015. Năm 2014, tại Hà Nội có 11.550 giao dịch thành công (tăng gần 2 lần so với 2013), tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 10.350 giao dịch thành công (tăng gần 30% so với 2013). Trong 9 tháng đầu năm 2015, tại Hà Nội có khoảng 14.550 giao dịch thành công; tại TP Hồ Chí Minh có khoảng 13.850 giao dịch thành công (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2014).

Điều này cũng khiến cho tồn kho bất động sản liên tục giảm. Tính đến ngày 20/9/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản cả nước còn khoảng 59.395 tỷ đồng, giảm 69.153 tỷ đồng so với quý I/2013.

Tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống với dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tính đến 31/7/2015 đạt 351.454 tỷ đồng, tăng 12,45% so với cùng kỳ năm 2014.

Thị trường BĐS ấm lại một lần nữa đã cho thấy, những quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước cũng như lãnh đạo Bộ Xây dựng. Sự ấm lại của thị trường đã góp phần lấy lại niềm tin, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội và khả năng thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư cho phát triển.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng