Top

Những cú lội ngược dòng của doanh nghiệp địa ốc Việt trong năm 2015

Cập nhật 29/12/2015 14:49

So với những chu kỳ trước đây, sự phục hồi của thị trường BĐS lần này mang nhiều nét khác biệt. Theo quan sát, ngoài những doanh nghiệp quá lớn trên thị trường hiện nay, chúng ta còn thấy có nhiều nhà đầu tư BĐS mới nổi trong nước đang làm chủ thị trường.


Tóm tắt

Theo nhận định của giới chuyên gia, cho đến thời diểm hiện nay, đầu tư vào BĐS của DN trong và ngoài nước vẫn được coi là khá cân bằng. Doanh nghiệp nội địa vẫn nắm phần lớn thị phần và ngày càng thu hút khách hàng tốt nhờ các chính sách hậu mãi.

Một số gương mặt mới nổi chính là yếu tố mới trên thị trường BĐS trong năm 2015, vì đã trải qua thời kỳ khủng hoảng và hiện nay trụ vững trên thị trường. Các chuyên gia cho rằng những nhân tố mới này sẽ tạo sự phát triển bền vững cho BĐS Việt Nam trong chu kỳ mới.


Vươn lên chiếm lĩnh thị phần

Một chuyên gia nước ngoài có nhiều năm làm việc tại Việt Nam nhận xét rằng hầu hết các chủ đầu tư đều lý giải quyết định khởi động dự án vào thời điểm này là để đón đầu thị trường bất động sản hồi phục mạnh vào giai đoạn 2016 - 2018. Mặc dù phân khúc căn hộ cao cấp đang được cảnh báo là dư thừa nhưng các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tham gia mạnh vào phân khúc này là bởi vì lợi nhuận và nhu cầu khách hàng mua đầu tư vẫn lớn.

Ông Nguyễn Đăng Phương, Giám đốc Marketing Văn phòng Tp.HCM, Công ty TNR Holdings Việt Nam cho biết thêm, thị trường BĐS đang ngày càng thanh lọc hơn. Những dự án chụp giật, chậm tiến độ, chủ đầu tư thiếu uy tín không còn cơ hội bán hàng bởi người mua tìm hiểu rất kỹ dự án với nhiều sự lựa chọn. “Những doanh nghiệp uy tín cùng chất lượng sản phẩm nhà ở đảm bảo đang đặt nền móng và lấy lại lòng tin cho thị trường BĐS. Cũng giống như việc xây nhà từ móng, các dự án muốn hút khách vẫn phải đảm bảo yếu tố đầu tiên là chất lượng và tiến độ”, ông Phương nhận định.

“Theo quan sát, ngoài những doanh nghiệp quá lớn trên thị trường hiện nay, chúng ta còn thấy có nhiều nhà đầu tư BĐS mới nổi trong nước đang làm chủ thị trường, từ việc hoạch định chiến lược kinh doanh, phát triển dự án quy mô lớn, đến việc chủ động lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài cùng góp vốn phát triển dự án”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, nói.

Cũng theo ông Châu, cho đến thời diểm hiện nay, đầu tư vào BĐS của DN trong và ngoài nước vẫn được coi là khá cân bằng. Thị trường BĐS Việt Nam hiện nay vẫn nằm trong sự “thống lĩnh” của doanh nghiệp trong nước. Còn trên thị trường mua bán, chuyển nhượng (M&A), các nhà đầu tư BĐS trong nước vẫn tiếp tục dẫn dắt thị trường chứ không phải là các nhà đầu tư nước ngoài. Phần lớn trong các thương vụ hợp tác, doanh nghiệp BĐS Việt vẫn giữ ưu thế về vốn và điều hành.

Chấp nhận lãi ít để kéo khách hàng

Trong năm 2015, một số doanh nghiệp địa ốc mới nổi đã có sự bứt phá mạnh mẽ trên thị trường. Đó là, công ty địa ốc An Gia mới bước vào thị trường đầu tư dự án BĐS mới được 2 năm, nhưng đã tạo lập được thị phần khá tốt. doanh nghiệp này đang liên kết với quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản để phát triển hàng loạt dự án chất lượng cao trong năm 2015 và 2016 với một dự án gần 10.000 căn. Theo thông tin tìm hiểu của chúng tôi, An Gia và Quỹ đầu tư của Nhật Bản này đang xúc tiến một chiến lược hợp tác đầu tư một số dự án khu dân cư quy mô hàng chục ngàn căn hộ trong năm 2017.

Song song đó, công ty địa ốc Phúc Khang cũng tạo “sóng” mạnh trên thị trường trong năm nay khi thu hút được quỹ đầu tư nước ngoài để phát triển dự án chung cư xanh tiêu chuẩn LEED của Mỹ đầu tiên tại Việt Nam. Điểm nhấn đối với doanh nghiệp này là hợp tác với các nhà đầu tư Singapore để phát triển và phân phối dự án. Mới đây nhất, tỷ phú người Singapore Adam Khoo đã cam kết sẽ mua 10 sàn gồm 100 căn hộ thuộc chuỗi dự án Diamond Lotus.

Hoàng Anh Sài Gòn cũng từ “kiếp cò con” đi lên, đang trở thành nhà đầu tư cấp 1 với nhiều dự án có tiếng tại Tp.HCM. Khang Điền nổi bật nhất với hàng loạt thương vụ thâu tóm dự án BĐS tại khu Đông, lớn nhất vẫn là “biến” công ty BCI thành một công ty con thuộc Khang Điền Group để chuẩn bị thực hiện chiến lược “Tây tiến”.

Một doanh nghiệp khác tạm thời giảm kinh doanh phân bón để đầu tư BĐS là công ty địa ốc Căn Nhà Mơ Ước. Công ty này trong giai đoạn 2016-2017 sẽ đầu tư nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng tại Vũng Tàu, Phú Quốc từ nguồn vốn huy động vừa qua.

Hưng Thịnh được đánh giá là doanh nghiệp làm ăn khấm khá của năm 2015 tại Tp.HCM khi lần lượt tung ra hàng loạt dự án, trải đều ở các quận thành phố từ quỹ đất đầu tư và đi thâu tóm. Trong năm 2016, tập đoàn này sẽ mở rộng thị phần tại Tp. Vũng Tàu, Hà Nội…

Trong một cuộc trao đổi mới đây với chúng tôi, ông Châu nhận định thêm rằng nguồn cung nhà ở trong năm 2015 làm ra không đủ bán, luôn khan hiếm và rơi vào tình trạng cung không đủ cầu, nhất là với nhà ở có giá dưới 20 triệu đồng/m2. Có nhiều dự án bán sạch hàng trong vòng một tháng. Từ đó cho thấy ba vấn đề: lòng tin của người tiêu dùng đã quay trở lại với BĐS Việt Nam; thị trường BĐS Việt Nam luôn có những phân khúc thực sự an toàn; và doanh nghiệp BĐS lúc này biết "chiều" khách hàng nhiều hơn, chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để tăng chi phí đầu tư nhiều hơn vào không gian sống, thực hiện các chương trình hậu mãi hấp dẫn…


DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ