Top

Hàng loạt công trình giao thông tại TPHCM chậm tiến độ: "Ngốn" thêm hàng trăm tỉ đồng

Cập nhật 06/06/2008 08:00

Những công trình xây dựng (cầu, đường, thoát nước...) chậm tiến độ, không chỉ gây ngập nước, ùn tắc giao thông, mà còn để lại hậu quả là sự lãng phí kinh khủng, khi phải điều chỉnh tổng mức đầu tư vì giá tăng cao.

Những công trình "siêu rùa"

Mỗi lần nhắc đến dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (gọi tắt Nhiêu Lộc - Thị Nghè), người dân thành phố đều ngao ngán. Thay vì hoàn thành vào tháng 11.2007 như cam kết ban đầu với nhà tài trợ vốn nước ngoài (Ngân hàng Thế giới), đến nay thành phố tuyên bố nhanh nhất phải đến cuối năm 2009 dự án mới có thể xong.

Nhưng sự chậm trễ của dự án này vẫn không thể sánh với dự án cầu Hoàng Hoa Thám - có quy mô chỉ dài khoảng hơn 100m nối từ Q.1 sang Q.Bình Thạnh. Sau 10 năm kể từ ngày khởi công xây dựng (năm 1998), toàn bộ công trình chỉ mới xây được lèo tèo trụ bêtông nằm giữa bờ kênh Nhiêu Lộc. Công trình cầu Hoàng Hoa Thám được người dân đặt cho cái tên công trình "rùa lật ngửa" hay công trình "siêu rùa".

Từ năm 2006, thành phố quyết định chuyển giao Khu quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư thay cho đơn vị cũ, với hy vọng xốc lại tiến độ. Song đã 2 năm qua, dự án vẫn chưa thể khởi động lại.

Cùng chung số phận, dự án mở rộng đường Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú) có tổng chiều dài 2.578m, suốt 5 năm (2001 - 2005) thi công cũng chỉ làm xong được một đoạn chưa tới 1km. Sau khi chủ đầu tư và nhà thầu "bỏ của chạy lấy người", thành phố giao lại cho Khu quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư, tiếp tục triển khai xây dựng những hạng mục còn lại. Thế rồi, "con rùa lật ngửa" này đến nay vẫn chưa được chủ đầu tư mới "lật sấp" lại để nó bò nhanh hơn.

Hơn nữa, ngay cả những dự án được thành phố liệt vào những công trình trọng điểm như cầu - đường Bình Triệu 2, sau khi xây xong cầu Bình Triệu 2 và một phần đường, cũng ngừng trệ luôn suốt hơn 4 năm vẫn chưa nhúc nhích trở lại. Hay cầu - đường Nguyễn Văn Cừ (nối Q.1, Q.5 với Q.8, Q.4), chủ đầu tư đã không thực hiện được lời hứa với người dân về thời điểm thông xe, giải quyết ách tắc giao thông liên quận vào đầu năm 2007.

Dù thành phố chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị sớm đưa cầu Nguyễn Văn Cừ vào khai thác cuối năm 2008, nhưng xem chừng với tiến độ hiện nay, các đơn vị khó giữ đúng lời hứa.

Tiến độ chậm gây lãng phí lớn



Sau gần 10 năm, cầu Hoàng Hoa Thám
chỉ mới xây được vài trụ bêtông.

Hệ quả từ việc các công trình xây dựng chậm tiến độ mà người dân ngày ngày đang phải gánh chịu là tình trạng ngập nước, tắc nghẽn đường sá kinh khủng. Những công trình kể trên còn ngốn thêm hàng trăm tỉ đồng vì thời gian xây dựng kéo dài, làm tăng tổng mức đầu tư do ảnh hưởng của trượt giá...

Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 1, dự kiến khoảng quý IV/2008, cầu Hoàng Hoa Thám và đường Thoại Ngọc Hầu khởi động lại. Thế nhưng, do đã ngừng trệ trong nhiều năm nên hiện tổng mức đầu tư của dự án đã không còn ở mức cũ. Cầu Hoàng Hoa Thám từ 19 tỉ đồng ban đầu tăng lên 119 tỉ đồng (năm 2006) và hiện chủ đầu tư đang tiếp tục điều chỉnh lên khoảng 151 tỉ đồng.

Đường Thoại Ngọc Hầu cũng tăng từ 33 tỉ đồng lên 56 tỉ đồng. Đáng nói là việc thi công chậm trễ của gói thầu số 7 (thi công tuyến cống cao, thiết bị tách dòng và miệng xả ngầm) có giá trị trên 450 tỉ đồng - thuộc dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè - buộc thành phố phải tách một số hạng mục (thiết bị tách dòng, cống đào hở...) có giá trị 38,7 tỉ đồng, để đấu thầu lại. Kết quả, giá trị của gói thầu được tách ra đội lên 142 tỉ đồng, tăng gấp gần 4 lần giá trị trước đó.

Không riêng gói thầu số 7, hiện nay Sở GTCC cũng đang rà soát điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của toàn dự án gồm 24 gói thầu. Tổng mức đầu tư đội lên cao nhất có lẽ dự án cầu đường Bình Triệu 2, từ kinh phí ban đầu vào năm 2000 chỉ 341 tỉ đồng thì nay, con số đó đã vọt lên khoảng 2.000 tỉ đồng (tính cả phần điều chỉnh mở rộng thêm)...

Nhận xét của một số đại biểu Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM cho rằng, nếu các công trình xây dựng đúng tiến độ thì đến nay đã đưa vào khai thác, vừa giải quyết được nạn kẹt xe, vừa tránh được lãng phí một số tiền khá lớn do thời gian xây dựng kéo dài làm tăng tổng mức đầu tư. Hầu hết các công trình chậm trễ chủ yếu do năng lực của một số nhà thầu yếu kém, do quận - huyện chậm giải phóng mặt bằng.

Song do lâu nay, thành phố vẫn chưa kiên quyết trong việc xử lý trách nhiệm hoặc xử lý theo kiểu "vừa đấm vừa xoa" nên dẫn đến tình trạng "lờn thuốc", và các công trình xây dựng ỳ ạch ngày càng phổ biến tại TPHCM.

Theo Lao Động