Thời gian gần đây, Hà Tây càng rộ lên phong trào mua bán đất nông nghiệp tràn lan khi tin đồn thời điểm sáp nhập Hà Nội - Hà Tây không còn bao xa. Vào những ngày nghỉ, khắp các đường làng ngõ xóm những vùng giáp ranh TP, dọc trục đường cao tốc Láng - Hoà Lạc luôn nhộn nhịp người tìm đến mua đất.
"Cò" đất thả sức chào hàng
Vừa ngồi xuống quán nước ở đầu làng Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức), chúng tôi lập tức được một thanh niên tên Tuân đon đả mời chào mua đất. "Nhà cô em còn mấy mảnh đang cần bán” - Tuân giới thiệu.
Nói đoạn, anh ta tông tốc kể: “Nhà em bán rồi. Hồi đó bán rẻ quá, thấy người ta trả 60 triệu một sào, tưởng là được giá bán luôn 2 sào đất ruộng đang cấy, nay mới thấy tiếc, để đến bây giờ thì tha hồ hốt bạc”.
Chỉ tay sang mảnh đất đối diện chùa Bi, ngay đầu làng, Tuân bảo: Sau này, vị trí này được quy hoạch là đất dịch vụ, bây giờ là từ 9 - 10 triệu đồng/m2; mua đất ruộng thì rẻ hơn, nhưng cũng phải 250 triệu đồng một sào rồi. Mỗi sào đất ruộng sau này bị thu hồi sẽ được đền bù tiền, cộng với 36 m2 đất dịch vụ.
Nói xong, Tuân điện ngay cho chủ đất hỏi lại giá cả. Tưởng vớ được khách sộp, mặc dù trời mưa, đường trơn, bẩn, nhưng chỉ mươi phút sau, hai ông bà chủ đất độ tuổi trung niên đã có mặt tại quán nước. Tuân giới thiệu: đây là anh Tiến và chị Tâm ở làng Kim Hoàng, chủ nhân của nhiều mảnh đất trong làng.
Sau một hồi thao thao bất tuyệt chào hàng, người đàn ông tên Tiến chốt lại: “Các anh thích chỗ nào tôi dẫn đi chỗ ấy, đủ các loại, từ đất thổ cư, thổ canh, to, nhỏ, nhiều, ít đều có hết”.
Còn "bà chủ" Tâm thì phẩy tay ra vẻ ... chuyện nhỏ khi chúng tôi hỏi về thủ tục giấy tờ mua bán: "Không phải lo, chúng tôi có cách để hợp lý hoá việc mua bán ruộng cho các anh".
Vừa nói, chị ta vừa mở cặp nhựa, đưa cho chúng tôi xem một bộ giấy tờ mua bán đất ruộng mang tên bà Bùi Thị D. Giấy tờ của việc mua bán đất này được “biến tướng” thành: Xác nhận tặng quyền sử dụng đất dịch vụ, ở cuối trang có chữ ký xác nhận của trưởng xóm, trưởng thôn và chính quyền địa phương (Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã).
Nông dân tràn lan bán đất canh tác
Chỉ sau một ngày lang thang ở các xã Vân Canh, Kim Chung, Lại Yên, Di Trạch của huyện Hoài Đức, chúng tôi đã có trong tay hàng chục số điện thoại của các chủ kinh doanh, môi giới đất tại đây.
Việc mua bán đất ruộng nằm trong quy hoạch của các dự án để chờ hưởng chế độ 10% đất dịch vụ, theo chính sách của UBND tỉnh Hà Tây không chỉ diễn ra ở huyện Hoài Đức, mà còn phổ biến ở rất nhiều địa bàn khác trong tỉnh như Quốc Oai, Thạch Thất... Tuy nhiên, tuỳ theo vị trí, khoảng cách, giá cả và số lượng người mua bán cũng khác nhau.
Rõ ràng, nếu với tư cách là kẻ đi buôn đất, thì sự hiện diện của chúng tôi để mua đất lúc này đã quá muộn, bởi hầu hết những mảnh đất đẹp, ruộng nằm trong qui hoạch ở vị trí “đắc lợi” đều đã bị “găm” từ lâu. Tuy nhiên, thực tế đó vẫn không làm nản lòng từng dòng người ùn ùn đổ về Hà Tây mua đất trong thời điểm này.
Chỉ cách đây 5 - 7 tháng, đất ruộng ở xã Vân Canh, Kim Chung (Hoài Đức), thị trấn Quốc Oai, xã Ngọc Liệp (Quốc Oai)… còn rất rẻ và dễ mua, vị trí đẹp giá cũng chỉ 40 - 50 triệu đồng/sào, xa trung tâm khoảng 20 - 30 triệu đồng/sào. Thế nhưng, từ khi có thông tin Hà Nội “ôm” toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của tỉnh Hà Tây, thì giá đất bị thổi lên vùn vụt, cao đến mức chóng mặt, gấp 6 - 7 lần mức cũ, có nơi lên tới hàng chục lần. Người dân chỉ cần nhượng lại một vài sào đất ruộng, một mảnh đất vườn là đã có hàng trăm triệu đồng, thậm chí có bạc tỷ.
Nông dân đang tự biến mình thành những người thất nghiệp trong tương lai.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: