Trong khi Hà Nội đang nỗ lực “trảm” nhà siêu mỏng thì một loạt tuyến đường “đắt nhất hành tinh” được thông xe. Sự xuất hiện của những tuyến đường này đã phá vỡ kế hoạch xóa nhà “dị kỳ” của thành phố.
>>"Bức tường giá 1 tỷ" ở Hà Nội nói lên điều gì?
>>Các kỷ lục "đường đắt nhất hành tinh" ở Hà Nội đẻ ra một loạt vấn đề
Đầu năm 2011, sau khi thành phố Đà Nẵng dẹp được “loạn” nhà siêu mỏng, siêu méo, trả lại sự phong quang đẹp đẽ cho đô thị, Hà Nội cũng sốt sắng lên kế hoạch và họp bàn với các sở, ngành, quận, huyện… đề “trảm” hàng trăm ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại dai dẳng hàng chục năm nay trên các tuyến phố của Thủ đô.
Theo kế hoạch ban đầu, lãnh đạo thành phố Hà Nội giao các quận, huyện phải xử lý xong các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn trong tháng 9/2011 và để ráo riết thực hiện nhiệm vụ này, một ban chỉ đạo do một Phó Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban đã được thành lập.
Thậm chí, để cho thấy quyết tâm của thành phố trong việc giải quyết những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, lãnh đạo Hà Nội còn yêu cầu tổ chức họp báo cáo, giao ban thường kỳ hàng tháng giữa các quận với lãnh đạo thành phố để tháo gỡ những khó khăn trong việc giải quyết những ngôi nhà này.
Người dân xây nhà siêu mỏng siêu méo trên đường đắt nhất hành tinh Nguyễn Văn Huyên kéo dài. (Ảnh: Xuân Tùng)
|
Tuy nhiên, sau 2 tháng đầu bắt tay vào việc thực hiện kế hoạch "trảm" nhà siêu mỏng siêu méo, công việc thực tế phát sinh đầy rẫy những khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch. Trước nguy cơ bị vỡ tiến độ, Hà Nội đã buộc phải gia hạn thời gian "trảm” xong những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo đến ngày 20/11/2011 và hạn chót là cuối tháng 12/2011.
Thế nhưng đến nay, sau nhiều lần liên tiếp được ra hạn chót, trên địa bàn Thủ đô vẫn ngang nhiên tồn tại hàng trăm ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo. Thậm chí trên một số tuyến đường mới mở, đặc biệt là các tuyến đường “đắt nhất hành tinh” vừa thông xe và đưa vào sử dụng trong vòng 2-3 năm trở lại đây, đang xuất hiện nhan nhản những ngôi nhà siêu dị kỳ, có nhà chưa đầy 2m2, chỉ vừa một người nằm, khiến cho mặt tiền các tuyến phố của Hà Nội đang bị “băm nát” và ngày càng trở nên lem nhem, nhếch nhác.
Xuất hiện nhiều thêm nhà "siêu dị kỳ"
Thời điểm này, nếu có dịp đi qua những tuyến phố mang tên “đường đắt nhất hành tinh” của Hà Nội như: Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Huyên kéo dài hay Kim Mã – Trần Phú kéo dài… nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những ngôi nhà phá dỡ, quây tôn với những bức tường lem nhem thò ra thụt vào. Bên cạnh đó, là cảnh người dân hai bên đường đua nhau xây nhà siêu mỏng siêu méo.
Đã nhiều tháng nay, người dân trên tuyến phố Nguyễn Văn Huyên kéo dài tất bật bắt tay sửa sang lại nhà cửa sau khi tuyến đường của giá 1,7 tỷ đồng/m này được thông xe hồi đầu năm.
Khảo sát của Infonet mới đây cho thấy, trên tuyến này hiện đã xuất hiện gần 10 ngôi nhà siêu mỏng siêu méo, thậm chí có căn chỉ rộng 2,5m2. Do diện tích quá nhỏ nên chủ nhà làm nơi để đồ đạc.
Cách đó không xa, ngôi nhà rộng khoảng 10 m2 có hình thù siêu méo được quây bằng những tấm tôn trên thửa đất hình tam giác. Hay đoạn cuối tuyến đường này, gần Bảo tàng Dân tộc học còn xuất hiện gần chục ki -ốt nhà siêu dị kỳ.
Tại dãy ki - ốt trên, mỗi gian có chiều dài khoảng 2,5m rộng chưa đầy 1m. Điều đáng nói là do diện tích gian ki - ốt quá nhỏ cho nên để tăng thêm diện tịch sử dụng, tầng 2 của dãy nhà này được gia cố bằng sắt chòi ra vỉa hè hơn 1m, nhìn khá nhếch nhác.
Cũng chính trên con đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài này như Infonet đã đề cập ở bài trước, chỉ một bức tường còn sót lại dài 1,7m2 được rao bán với giá cả tỷ đồng, khiến dư luận xôn xao.
Còn tại đường Trần Phú – Kim Mã (một trong những con đường được liệt vào “đắt nhất hành tinh” – PV) được thông xe cách đây 7 tháng, mặt phố hiện nay thật sự là bi thảm khi nhiều ngôi nhà với những bức tường phá dở nhô ra thụt vào nằm chễm chệ trước mặt phố.
Một số khác thì được gia chủ gia cố bằng những bức tường tôn bịt kín. Cùng với đó là không ít những ki - ốt nhỏ xíu chưa đầy 1m2 khiến cho ai đi qua đây cũng cảm thấy nhức mắt.
Theo báo cáo mới nhất của TP Hà Nội, cho đến tháng 5/2015, trên địa bàn thành phố còn 174 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện diện tích để xây dựng hoặc đã xây thành những công trình có hình thù kỳ quái, làm xấu cảnh quan đô thị, nhưng chưa xử lý được. Ngoài ra, trên một số tuyến đường mới mở đã phát sinh thêm 442 nhà siêu mỏng, siêu méo.
Để xử lý nhà siêu mỏng siêu méo, Sở Xây dựng đã ban hành các văn bản làm căn cứ để địa phương thu hồi mảnh đất nhỏ sử dụng vào mục đích công cộng, hợp thửa hợp khối, cải tạo chỉnh trang. Tuy nhiên, nhiều công trình rất khó xử lý vì được xây dựng trước thời điểm 15/3/2005, đều là nhà 2-3 tầng kiên cố. Người dân đã ăn ở, kinh doanh và mưu sinh ổn định, cho nên rất khó thuyết phục họ thực hiện các phương án.
"Để xảy ra nhà siêu mỏng, siêu méo hiện nay có yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó có việc xử lý của các Ban Quản lý dự án chưa kịp thời. Muốn làm được việc này phải thu hồi đất thừa 2 bên đường, tuy nhiên chưa có kinh phí", một lãnh đạo Sở Xây dựng nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Infonet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: