Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng qua (27/8) cho thấy việc quản lý đất tại các nông, lâm trường quốc doanh đang lúng túng, thiếu hiệu quả.
Nhiều nơi việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường chưa hiệu quả. (Ảnh minh họa)
|
Phổ biến tranh chấp và vi phạm
Theo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, mặc dù công tác quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh đã có những chuyển biến tích cực song quá trình kiểm tra, thanh tra thi hành pháp luật đất đai đối với đất nông, lâm trường vẫn phát hiện và xử lý nhiều sai phạm.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng phản ánh tình trạng buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai… tại các nông, lâm trường quốc doanh.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho biết, tình trạng tranh chấp và vi phạm pháp luật đất đai tại các nông, lâm trường vẫn còn phổ biến dưới các hình thức như: lấn, chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật, nhiều trường hợp kéo dài đã nhiều năm nhưng chậm được giải quyết, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh miền Đông Nam bộ.
Theo Đoàn giám sát, nguyên nhân của những sai phạm trong quản lý và sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh là việc đầu tư kinh phí, cắm mốc ranh giới sử dụng, đo đạc lập bản đồ, đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông, lâm trường chưa được quan tâm đúng mức, việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường đã bị buông lỏng qua nhiều thời kỳ dẫn đến tình trạng hồ sơ đất đai của các nông, lâm trường không đầy đủ, không rõ ràng, tạo kẽ hở cho các vi phạm và khó khăn trong xử lý vi phạm. Việc thu hồi đất của các nông, lâm trường và phân bổ lại cho các đối tượng sử dụng đất tại chỗ còn bộc lộ nhiều lúng túng.
Thất thoát khá nghiêm trọng
Phản ánh của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tiến Sinh (Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho thấy, quỹ đất và tài sản của Nhà nước tại các lâm, nông trường đang thất thoát khá nghiêm trọng. Bên cạnh đó là tình trạng tranh chấp, chiếm dụng, thâu tóm đất đai, sử dụng trái mục đích tràn lan khiến Nhà nước không thu được tiền thuê đất.
Tình trạng nhiều công ty nông, lâm trường đang được “hà hơi thổi ngạt” dù thực ra không “sống” được dẫn đến quyền lợi chính đáng của người lao động ở một số nông, lâm trường không được đảm bảo.
Trong khi đó, một nghịch lý trong sử dụng đất nông, lâm trường được ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chỉ ra là người dân không có đất sản xuất dù cấp xã đang được quản lý đến 2,1 triệu hécta đất. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Không phải là mình có đất tốt mà người dân thiếu đất lại không giao” mà do 2,1 triệu hécta đất giao cho UBND cấp xã quản lý là những vùng đất xa dân, có chất lượng rất kém, hoặc là đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nếu giao cho người dân thì hiệu quả sẽ rất thấp. Nhưng sắp tới, Bộ sẽ rà soát lại diện tích đất này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để nếu có thể giao thì đề nghị chuyển đổi, giao cho người dân hoặc các tổ chức quản lý, sử dụng.
“Nghi ngờ” lý giải của Bộ trưởng về nguyên nhân vì chất lượng đất không đủ tốt để giao cho người dân, ĐB Đương đề nghị kiểm tra để làm rõ vấn đề đằng sau xã, ai là người “hưởng dụng” diện tích đất mà xã đang quản lý nhưng không giao cho người dân?. Đến lúc này, Bộ trưởng Cao Đức Phát lại giải thích, 2,1 triệu hécta đất mà ĐB Đương đề cập “không phải là đất nông, lâm trường” (?!).
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, hiện có 30.618ha đất nông trường bị tranh chấp, lấn chiếm. Bộ TN&MT cho biết, hiện có 73.900ha đất nông, lâm trường bị chuyển nhượng trái pháp luật, bị lấn chiếm, tranh chấp chưa giải quyết xong; 152.330ha chưa sử dụng hoặc sử dụng vào mục đích khác.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật VN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: